Nguyễn Nhật Minh, sinh viên năm ba Đại học Vanderbilt (top 15 của Mỹ, theo US News & Report), đang trải qua thời gian thực tập tại Nomura Holdings - tập đoàn tài chính hàng đầu của Nhật có trụ sở tại phố Wall (New York, Mỹ). Tại đây, em nhận được 44 USD (hơn một triệu đồng) cho một giờ làm. Sau 2,5 tháng, Minh sẽ nhận được khoản lương khoảng 30.000 USD.
Trước đó, cô gái sinh năm 1998 có bốn tháng thực tập không lương ở Văn phòng Chính phủ của bang Tennessee, là sinh viên quốc tế đầu tiên được làm việc ở văn phòng này.
Cả hai nơi kể trên đều không "mặn mà" với người nước ngoài như Minh vì nhiều chính sách cũng như khả năng gắn bó lâu dài. Thế nhưng, nữ sinh Hà Nội vẫn thuyết phục được nhà tuyển dụng để có một vị trítốt nhờ kết quả học tập và quan trọng hơn là kỹ năng giao tiếp, networking (xây dựng mối quan hệ).
Học song song hai chuyên ngành Toán ứng dụng và Phát triển con người, Minh gặp nhiều khó khăn dù tiếng Anh tốt (IELTS 8.5) và từng giành nhiều giải thưởng Toán. Trong đó, khó nhất là làm cách nào để hòa mình "hết cỡ" vào lớp học và sắp xếp thời gian để hoàn thành tất cả môn trong bốn năm.
"Đặt mục tiêu lấy hai bằng khi ra trường với kết quả tốt, cải thiện một số kỹ năng mềm, em đã cố gắng thay đổi những thói quen không tốt từ khi ở Việt Nam như chỉ ngồi yên trong lớp. Em cũng cố kết nối và giao tiếp với các giáo sư, anh chị khóa trên để xin kinh nghiệm. Đó là điều không dễ dàng nhưng đem lại trái ngọt", Minh nói.
Kết quả, em đạt điểm trung bình ba năm 3.9/4, có mặt trong danh sách học sinh danh dự của trường mọi kỳ. Nhờ sắp xếp tốt thời gian, em không chỉ học được song bằng mà vẫn tham gia một số hội nhóm ở trường như Hội sinh viên kinh doanh, Hội đồng lãnh đạo dành cho học sinh quốc tế, Hội nữ sinh hay tham gia dạy học cho trẻ em khó khăn ở Alabama (Mỹ).
Những kết quả bước đầu trong học tập là yếu tố giúp hồ sơ của em có thể cạnh tranh với hàng trăm nghìn sinh viên đang muốn có vị trí thực tập ở văn phòng hay tập đoàn lớn. Tuy nhiên, Minh cho rằng kết quả học tập chỉ chiếm khoảng 10%, phần lớn còn lại phụ thuộc vào kỹ năng giao tiếp và networking.
"Không networking, mọi cơ hội dường như không đến", Minh nói và khẳng định đây là bí quyết và cũng là lời khuyên lớn nhất em dành cho các bạn du học sinh có mong muốn tìm kiếm chỗ thực tập tốt ở Mỹ.
Minh lấy ví dụ chính mình. Dù là sinh viên quốc tế, em vẫn được thực tập ở Văn phòng Chính phủ của bang Tennessee nhờ đã kết nối và nói chuyện với rất nhiều cựu sinh viên của trường Vanderbilt. Trong một lần trò chuyện với cựu sinh viên là trưởng văn phòng phát triển kinh tế thuộc Văn phòng Chính phủ, em cảm thấy mình hợp với nơi đó nên cố gắng xin vào.
"Ban đầu, nhìn thấy hồ sơ ghi quốc tịch Việt Nam, họ đã từ chối ngay lập tức. Tuy nhiên, em đã email để thuyết phục, thể hiện mình thực sự muốn công việc đó. Kết quả là họ đồng ý sắp xếp buổi phỏng vấn và nhận em vào làm ngay sau đó", Minh kể lại. Em đã có bốn tháng thực tập ở đây.
Ngay khi chưa làm việc ở Văn phòng bang, Minh đã nuôi ý định xin thực tập ở một doanh nghiệp tài chính vào dịp hè, nơi em được trả lương và có thể gắn bó một thời gian sau khi ra trường.
Thông qua các hoạt động xã hội, Minh đã gặp gỡ, kết bạn với rất nhiều sinh viên và người đi làm. Được gợi ý tìm kiếm và gửi mail nhờ sự hỗ trợ của nhân viên các công ty, Minh đã lên kế hoạch dành hai tiếng mỗi ngày để soạn và gửi mail tới 1.000 người ở nhiều doanh nghiệp.
Để tìm được địa chỉ mail, em lên mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn, nơi có thể tìm kiếm họ tên và nơi làm việc chính xác của nhiều người. Với những công ty quan tâm, em tiếp tục tìm đuôi email của công ty để ghép với tên từng nhân viên tạo thành địa chỉ email cá nhân.
Cùng với đó, Minh đọc tất cả thông tin của từng người, tìm ra điểm chung với mình để có thể soạn những email có nội dung mang tính cá nhân hóa nhằm tránh kiểu "copy - paste" nhàm chán.
"Ban đầu, không được ai phản hồi, em nghĩ sao mình phải khổ thế, sao không về Việt Nam mà phải lăn lộn thế này. Nhưng rồi hơn 10 người đã trả lời mail. Họ đã cho em những cuộc nói chuyện hữu ích giúp em vượt qua cơn khủng hoảng và có cơ hội trúng tuyển thực tập vào nhiều tập đoàn lớn", Minh nói.
Nhờ nói chuyện với số ít người trả lời mail, Minh hiểu hơn về quá trình tuyển dụng, thông tin quan trọng về các công ty, từ đó chuẩn bị tốt cho cuộc phỏng vấn.
Theo Minh, khi đi phỏng vấn, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng. Nhà tuyển dụng thường có một bài kiểm tra gọi là "test máy bay", tức là hai bên ngồi cạnh nhau trong thời gian dài, không có việc gì làm (như khi ngồi trên máy bay) thì vẫn có thể nói chuyện với nhau suốt được.
Do đã được nhân viên - những người nhận mail của Minh, chia sẻ nhiều điều về công ty, em có phần phỏng vấn dễ dàng. Trúng tuyển vào một số doanh nghiệp, Minh đã chọn thực tập cho tập đoàn của Nhật ở phố Wall vì thấy phần phỏng vấn với công ty này là thú vị nhất và các chế độ lương, hỗ trợ cũng tốt nhất.
Nhìn lại hành trình của mình, Minh khẳng định nếu không chủ động giao tiếp với mọi người, tìm tòi, xây dựng các mối quan hệ, những du học sinh chân ướt chân ráo tới Mỹ sẽ không thể học tập tốt, chứ chưa nói đến chuyện có một vị trí thực tập ưng ý.
Tuy nhiên, nữ sinh Việt cũng khuyên các bạn ngoài số lượng phải chú trọng đến cả chất lượng. Nói chuyện với một số người và cảm thấy không hợp thì nên cố loại cuộc trò chuyện đó ra khỏi đầu, ngừng suy nghĩ tiêu cực và tiếp tục tìm kiếm "những người bạn mới".
Nguyễn Nhật Minh là cựu học sinh lớp chuyên Anh của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Em từng giành nhiều giải thưởng ở môn Toán và tiếng Anh cấp THCS và THPT. Lớp 11, em đã đạt điểm IELTS 8.5/9.
Minh từng là đại diện của Việt Nam tham gia Chương trình lãnh đạo quốc tế dành cho giới trẻ tại Nhật Bản, Mô phỏng Liên Hợp Quốc tại Singapore (năm 2015), Lãnh đạo về bảo vệ môi trường của Chính phủ Singapore (năm 2016). Em còn là sáng lập viên nhiều dự án giáo dục, từng gây quỹ từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo và nạn nhân thảm họa động đất ở Nepal.
Năm 2016, em nhận được học bổng trong đợt tuyển sinh sớm của Đại học Vanderbilt (Mỹ). Hiện, em chuẩn bịbước vào năm cuối hai chuyên ngành Toán ứng dụng và Phát triển con người.