Tháng 9/2022, Chẩu Thị Diễn, 21 tuổi, người bản Tấng, huyện Lâm Bình, Tuyên Quang, trúng tuyển vào ngành Điều dưỡng, Đại học Tân Trào, theo phương thức xét tuyển học bạ với 27,95 điểm (Toán 8,3; Hoá 8,8; Sinh 8,1; 2,75 điểm ưu tiên). Điểm chuẩn ngành này năm nay của trường là 19 điểm.
Diễn sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông. Suốt 12 năm đi học, em là học sinh giỏi và từng hai lần giành giải khuyến khích thi học sinh giỏi môn Sinh học cấp tỉnh.
Năm Diễn học lớp 12 tại trường THPT Lâm Bình, biến cố bất ngờ xảy ra với gia đình em. Mẹ em đau đầu liên miên, thường lên cơn co giật và sau đó bị liệt tay trái, chân trái. Bố em phải nghỉ làm, ở bên cạnh túc trực. Mỗi lần mẹ nhập viện do co giật, Diễn lại thấy hình ảnh bố chạy vạy khắp nơi lo tiền đóng viện phí.
Mẹ bệnh nặng, kinh tế gia đình khó khăn, em trai đang tuổi ăn học, Diễn nghĩ đến việc bỏ ước mơ vào đại học để đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Nữ sinh cũng mong có thể đưa mẹ xuống Hà Nội chữa trị tại những bệnh viện tuyến đầu.
Năm 2019, khi vừa nhận bằng tốt nghiệp THPT, Diễn đăng ký vào làm công nhân trong một công ty linh kiện điện tử ở tỉnh Bắc Ninh. Quyết định này của Diễn khiến thầy cô, bạn bè ngỡ ngàng. Cô Bùi Thị Xuân – giáo viên chủ nhiệm của Diễn vẫn luôn ấn tượng với hình ảnh cô học trò ngồi làm bài tập một mình trong lớp vào những buổi chiều không có tiết học. Ngoài tự học, Diễn còn giúp đỡ rất nhiều bạn bè cùng lớp để cùng tiến bộ.
"Tôi không nghĩ một trong những em học tốt nhất khóa như Diễn lại quyết định đi làm ở tuổi 18", cô Xuân nói, cho biết nhiều thầy cô trong trường gọi điện khuyên Diễn nhưng không được.
Đi làm công nhân, vì ngại, Diễn cắt liên lạc với bạn bè, thầy cô. Thỉnh thoảng, khi vô tình nhìn thấy hình ảnh các bạn sinh viên trên mạng xã hội, Diễn lại chảy nước mắt.
Tháng đầu đến Bắc Ninh làm việc, Diễn nổi mụn, sụt cân, mắt thâm quầng do mệt mỏi và căng thẳng. Em phải dùng thuốc giảm đau thường xuyên để chống lại những cơn đau lưng, đau đầu. Hàng ngày, cô gái quê Tuyên Quang thường bắt đầu công việc lúc 8h và tăng ca đến 20h. Công việc hàng ngày của em là kiểm tra kế hoạch xuất linh kiện và chuẩn bị sản phẩm. Những ngày có đơn hàng phát sinh, Diễn phải tự chuẩn bị, đóng gói và khuân vác hàng lên xe, khi hoàn thành xong thì đã qua giờ ăn trưa.
Để tiết kiệm tiền phòng, xăng xe, Diễn rủ một chị đồng nghiệp ở ghép. Em đăng ký tối đa số buổi tăng ca cho phép, vừa để kiếm thêm tiền, vừa tiết kiệm được tiền ăn tối (công nhân tăng ca buổi tối được hỗ trợ bữa ăn). Với tiền lương khoảng 6-9 triệu đồng, tùy công việc hàng tháng, Diễn chắt chiu từng đồng để vừa đủ lo cho bản thân, vừa có tiền gửi về cho bố mẹ. Tất cả chi phí sinh hoạt một tháng của Diễn khoảng hơn hai triệu đồng, em giữ lại hơn một triệu đồng phòng trường hợp cấp bách, còn lại gửi cả về nhà.
Dù vậy, Diễn nói không quên được ước mơ vào đại học. Em cũng nhận thấy dù làm mười hai tiếng mỗi ngày cả tuần, em cũng không thể chạm mức lương 10-12 triệu đồng như nhiều anh, chị khối văn phòng. Vì thế, đi làm về, buổi tối Diễn học thêm đến đêm. "Ngày nào em cũng ngồi học vì sợ rằng nếu lười biếng, đến khi có cơ hội vào đại học sẽ bị thụt lùi so với các bạn", Diễn chia sẻ.
Tháng 7/2022, khi em trai đã tốt nghiệp và đi làm, bệnh tình của mẹ dần ổn định hơn, Diễn xin nghỉ việc. Nữ sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học Tân Trào, ngành điều dưỡng để có thể dễ dàng về nhà, dùng những kiến thức được học để chăm sóc bố mẹ.
Thầy Trần Quang Huy, Trưởng phòng quản lý sinh viên, Đại học Tân Trào, nói đánh giá cao nghị lực của Diễn. Theo thầy Huy, Diễn đến từ huyện vùng cao Lâm Bình, nơi dân cư thưa thớt và tỷ lệ nghèo cao. Nữ sinh thuộc diện được miễn học phí, hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số khoảng 900.000 đồng một tháng. Nhà trường hỗ trợ Diễn ở ký túc xá với mức phí 60.000 đồng một tháng và tìm việc làm thêm cho nữ sinh tại một số phòng khám tư nhân. Hôm 2/12, Diễn còn được nhận học bổng 10 triệu đồng tiền mặt từ chương trình "Nâng bước thủ khoa 2022" của Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ thuộc Trung ương Đoàn.
Thầy Huy đánh giá việc Diễn trở lại trường sau 3 năm sẽ gặp một số khó khăn nhất định so với các bạn. Tuy nhiên, những trải nghiệm trong thời gian đi làm sẽ giúp nữ sinh có khả năng thích nghi cao, có nhiều kinh nghiệm, kĩ năng sống và trưởng thành hơn so với độ tuổi. "Qua những buổi trò chuyện, tôi cảm nhận được sự quyết tâm của Diễn", thầy Huy cho biết.
Trước ngày nhập học, Diễn hồi hộp cả đêm. Nữ sinh cũng vui vì lần đầu được sử dụng chiếc máy tính mới tinh trị giá hơn 10 triệu đồng, được mua từ số tiền dành dụm suốt 3 năm qua.
Cả lớp gọi Diễn bằng chị vì "già" nhất lớp. Ban đầu, em cảm thấy bị tách biệt, sống khép mình, ngại giao tiếp với mọi người. Đến khi được cả lớp bầu làm lớp phó học tập, Diễn dạn dĩ hơn. Diễn chọn ngồi bàn đầu, nhiều lần "cứu" cả lớp trong những câu hỏi không có ai giơ tay. Em cũng chủ động rủ các bạn học nhóm, trao đổi những khúc mắc trong bài học để hỗ trợ lẫn nhau.
Nữ sinh đặt mục tiêu tốt nghiệp loại xuất sắc, giành học bổng tất cả các kỳ học. "Không bao giờ là quá muộn, em tin mình có thể làm tốt dù xuất phát chậm hơn các bạn", Diễn nói, cho biết sau khi ổn định việc học, em sẽ làm thêm một số công việc như gia sư, nhân viên phòng khám để tiếp tục phụ giúp gia đình.
Hoài Anh