Cô học ngành Kỹ thuật phần mềm và bắt đầu làm việc tại LG vào năm cuối đại học. Thời gian đầu làm việc, Ngọc gặp phải nhiều khó khăn khi công việc đòi hỏi chuyên môn về automotive (công nghệ ôtô), lĩnh vực mới mẻ với cô. Tại công ty, nữ sinh tham gia nghiên cứu và phát triển các ứng dụng thông tin giải trí trên ôtô, hệ thống thông tin dẫn đường (AVN), hệ thống thông tin và cảnh báo về tình trạng xe (Cluster), hệ thống viễn thông (Telematics).
Ngọc chia sẻ, vì không muốn lỡ mất công việc này nên thời gian đầu đi làm, cô ngủ rất ít, cố gắng chăm chỉ học thêm và trau dồi kiến thức và kỹ năng ngoài giờ. Cô gái trẻ phải nghiên cứu nhiều tài liệu trong nước và quốc tế để bổ sung kiến thức nền trong ngành, đồng thời, chủ động nhờ giúp đỡ về chuyên môn từ các anh chị trên công ty.
Bên cạnh việc học thêm kiến thức, sinh viên sinh năm 2002 gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian học và làm. Sau khi có công việc toàn thời gian, cô được trường Đại học FPT tạo điều kiện học tập xen kẽ trực tuyến và trên lớp. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn phải dành thời gian để chuẩn bị bài vở và hoàn thành chương trình học.
Sau gần một năm kiên trì, Hồng Ngọc trưởng thành hơn, học nhiều kiến thức mới, tham gia dự án với đối tác lớn..., từ đó, có thêm nhiều kỹ năng mềm, bài học để hoàn thiện bản thân. Quá trình cân bằng việc học và việc làm cũng rèn cho cô kỹ năng phân bổ thời gian, ưu tiên những thứ quan trọng.
Hồng Ngọc cho biết, bản thân trúng tuyển Tập đoàn LG thông qua chương trình học bổng LG Track do trang tin trường Đại học FPT đăng tải. Đây là chương trình học bổng sinh viên và tuyển dụng tài năng trẻ của tập đoàn dành cho sinh viên công nghệ. Cô đăng ký chương trình vào năm cuối đại học và trúng tuyển nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng và khả năng làm nổi bật năng lực cá nhân.
Khi đi học tại trường đại học, Hồng Ngọc có nhiều cơ hội ứng dụng kiến thức vào dự án thực tế, bài tập chuyên ngành và tham gia cuộc thi công nghệ. Nhờ vậy, hồ sơ cá nhân của nữ sinh có nhiều kinh nghiệm thực tế và một số giải thưởng về lập trình. "Đây chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng đầu tiên", cô nói.
Bên cạnh đó, Ngọc cũng tìm hiểu kỹ về học bổng và nhận ra chương trình không yêu cầu ứng viên có quá nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Automotive là một ngành rất hẹp, khá mới mẻ và khó để nhân sự trẻ có kinh nghiệm từ trước.
Đồng thời, cô nhận ra điều cần thể hiện rõ nhất là nền tảng kiến thức tốt, khả năng học thêm, tư duy giải quyết vấn đề và kỹ năng ngoại ngữ để nghiên cứu tài liệu. Tất cả những điều đó đều phù hợp với Ngọc và những gì thể hiện trong hồ sơ và phần phỏng vấn cá nhân.
Kết quả, Hồng Ngọc nhận suất học bổng 20 triệu và công việc toàn thời gian tại LG. Tương tự Hồng Ngọc, qua quá trình tham gia dự án và đạt thành tích tốt, nhiều sinh viên trường Đại học FPT đã có công việc tốt ngay từ năm cuối đại học.
Bảo Xuân
Năm học 2024-2025, trường Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Công nghệ thông tin (Thiết kế Vi mạch bán dẫn, Công nghệ ô tô số, Kỹ Thuật Phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Thiết kế mỹ thuật số), Quản trị kinh doanh (Digital Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics & Quản lý chuỗi cung ứng, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành, Tài chính); Công nghệ truyền thông (Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng), Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc và Ngôn ngữ Trung Quốc.
Thí sinh đủ điều kiện nộp hồ sơ tuyển sinh vào trường Đại học FPT nếu thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh Hệ đại học chính quy năm 2024 của trường; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 21 điểm, được làm tròn đến hai chữ số thập phân, gồm điểm môn Toán và hai môn cao điểm nhất trong các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, cộng thêm điểm ưu tiên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để trở thành sinh viên tại đây, thí sinh cần chọn trường Đại học FPT là một trong các nguyện vọng của mình trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.