Đỗ Thị Bằng Linh, 25 tuổi, tốt nghiệp song ngành Truyền thông hình ảnh và Đông Á học tại Luther College, bang Iowa, hồi cuối năm ngoái. Ngành này liên quan tới truyền thông đa phương tiện và nghệ thuật thị giác như thiết kế, quay chụp, sản xuất video. Linh học đủ ba môn nhưng thiên về mảng hình ảnh động (video, website, công nghệ thực tế ảo tăng cường AR).
"Đó là thành quả cho 5 năm qua. Tôi vui và tự hào về bản thân dù điểm GPA không đạt 4.0 như mục tiêu", Linh nói. Cô hiện là thực tập sinh, trợ lý quản lý thương hiệu của hãng Unilever ở Mỹ.
Cách đây 8 năm, Linh giành học bổng của trường Liên kết Thế giới tại Ấn Độ (UWC) khi đang học lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Cô sau đó nhận học bổng toàn phần của Luther College và sang Mỹ năm 2017.
Linh chọn ngành Truyền thông vì có nhiều trải nghiệm với công việc này từ khi học phổ thông. Cô cũng đam mê Kpop, thích xem video âm nhạc và có hứng thú với ngành truyền thông giải trí của các nước châu Á nên đăng ký ngành phụ là Đông Á học. Tuy nhiên, ngành Truyền thông truyền thống thường thiên về lý thuyết nên sau năm đầu, Linh quyết định thay đổi. Đúng lúc này, trường mở ngành mới - Truyền thông hình ảnh.
Linh không gặp rào cản ngôn ngữ hay khó khăn trong việc học nhờ lên kế hoạch từ sớm và biết phương pháp học. Cô đã nhờ cố vấn học tập tư vấn môn, đăng ký tín chỉ. Linh cũng nghiên cứu các tiêu chí của khóa học, yêu cầu đầu ra, phong cách giảng dạy của giảng viên, đặc biệt xây dựng mối quan hệ với các giáo sư để trao đổi, từ đó biết cần cải thiện gì. Nhờ đó, GPA suốt những năm đầu của Linh luôn đạt tuyệt đối.
Định hướng phát triển sự nghiệp ở châu Á, do đó sau khi nhận học bổng trao đổi tại Hàn Quốc, Linh chuyển Đông Á học thành ngành chính. Dù vậy, chuyến này bị hủy vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Linh phải về Việt Nam sau 5 ngày đến Hàn Quốc.
Học online trái múi giờ, giảm trải nghiệm và ảnh hưởng đến học bổng của Linh. Sau khi cân nhắc, cô quyết định tạm dừng học 1,5 năm để có thời gian làm những việc yêu thích như sản xuất video âm nhạc hay thực tập sản xuất truyền thông.
Ngành Truyền thông hình ảnh mới nên nữ sinh tìm cách để có kinh nghiệm thực chiến. Trong một lần ứng tuyển, Linh may mắn được Garena, nhà phân phối game số 1 Đông Nam Á, nhận làm thực tập sinh Marketing, sản xuất video và sản phẩm truyền thông cho Amanotes, công ty game âm nhạc số 1 thế giới.
"Những trải nghiệm này giúp tôi nhận ra đam mê trong lĩnh vực sáng tạo", Linh nói.
Nhưng khác với nhóm ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ Thuật, Toán học (STEM), ngành sáng tạo ở Mỹ thường ưu tiên người bản xứ hoặc người nước ngoài có năng khiếu, theo nhận định của Linh.
"Tôi không có nền tảng nghệ thuật, mối quan hệ hay học trường top nên càng khó xin thực tập lẫn xin việc. Vì thế, tôi phải nỗ lực bằng nhiều cách", Linh cho biết.
Cuối năm 2021, Linh được trở lại Mỹ. Khó khăn nhất với cô khi đó là vừa phải hòa nhập lại với môi trường, vừa rải đơn xin thực tập cho mùa hè năm cuối và nộp hồ sơ cao học. Nữ sinh áp lực và bận rộn vì phải hoàn thành nhiều việc cùng một lúc.
Để tăng cơ hội được nhận thực tập, thay vì nộp một vị trí, Linh rải hồ sơ đến hàng loạt công ty ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Linh trúng tuyển làm thực tập sinh của Snap Inc., công ty mẹ của Snapchat, mạng xã hội thịnh hành ở Mỹ.
"Đó là cơ hội trong mơ", Linh nhìn nhận. Làm việc ở đây trong ba tháng mùa hè năm 2022, Linh được giao nghiên cứu, tổng hợp tài liệu về AR và phối hợp phân tích, trình bày xu hướng trong ngành sáng tạo.
"Linh là thực tập sinh về sản xuất sáng tạo đầu tiên của Snap Inc. tại Mỹ. Cô ấy đã có đóng góp tuyệt vời cho nhóm chúng tôi", bà Nicole Shaub, chuyên viên cấp cao của bộ phận này, cho hay. Bà đánh giá Linh có tính tổ chức cao, hăng hái và có kỹ năng cộng tác với người khác.
Theo Linh, thời gian quay lại Mỹ cũng là lúc cô bước ra khỏi vùng an toàn, không còn mục tiêu GPA 4.0 mà muốn trải nghiệm những môn mới như vẽ, lịch sử hay cảm thụ nghệ thuật để mở rộng thế giới quan sáng tạo.
Tiến sĩ Thomas C. Johnson, khoa Truyền thông, khen ngợi du học sinh Việt đã nỗ lực chuẩn bị kỹ lưỡng cho tất cả lớp học và có sự tỉ mỉ, đề cao tiểu tiết chưa từng có.
Ông cho biết Linh là đạo diễn và chỉ đạo sản xuất tác phẩm giành giải nhất cuộc thi Video dành cho sinh viên của ASIANetwork năm 2022. Tác phẩm kể về câu chuyện của một người mẹ sinh con trong đại dịch và những hy vọng của bà về tương lai của con.
"Giải thưởng này rất có uy tín và được các giảng viên, nhân viên cũng như sinh viên Luther ca ngợi", ông Thomas cho hay.
Tốt nghiệp cuối năm 2022, đúng lúc gặp phải làn sóng sa thải nhân sự tại Mỹ nên dù thành tích học tập xuất sắc cùng nhiều kinh nghiệm làm việc, Linh vẫn chật vật tìm việc.
"Tôi không nhớ đã gửi hồ sơ cho bao nhiêu công ty", Linh chia sẻ.
Ngành nghệ thuật/xã hội (non-STEM) vốn chỉ có visa làm việc một năm. Thời hạn visa quá ngắn là một điểm trừ, khiến nhiều công ty không mặn mà với các ứng viên. Phải vài tháng sau tốt nghiệp, Linh mới có được cơ hội làm việc tại Unilever.
Theo bà Lan T., Giám đốc Marketing ngành hàng Thực phẩm Bắc Mỹ tại Unilever International, Linh không nhiều kinh nghiệm với nhóm ngành mới. Tuy nhiên, cô thành công dẫn dắt hai dự án phát triển trang web thương hiệu, phối hợp với nhiều đại lý và nhà cung cấp cũng như các bên liên quan nội bộ.
"Một khi Linh đảm nhận nhiệm vụ, tôi biết cô ấy sẽ hoàn thành tốt công việc", bà Lan cho hay.
Vì muốn tận dùng một năm visa đi làm, Linh tạm bảo lưu học bổng chương trình Thạc sĩ của Temple University. Đây là trường công hàng đầu về đào tạo ngành phim và sản xuất truyền thông ở Mỹ.
"Tôi hài lòng với những gì được học và làm. Trong tương lai, nếu có cơ hội, tôi muốn hướng tới công việc giáo sư trong trường đại học để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với sinh viên", Linh nói.
Bình Minh