Nữ sinh quê Can Lộc, Hà Tĩnh, đặt mục tiêu tốt nghiệp trong 3,5 năm từ ngày mới nhập học ngành Kinh tế đối ngoại. Thu Hiền nhìn nhận việc ra trường sớm có lợi hơn khi tỷ lệ cạnh tranh xin việc làm không cao như lúc sinh viên tốt nghiệp đồng loạt.
Đại diện cho hơn 1.300 sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp đợt 1 hôm 2/4, cô gái 22 tuổi nói đây là thành quả của sự nỗ lực liên tục. Nữ sinh cho biết không đặt mục tiêu bảng điểm toàn điểm A mà chỉ xác định làm tốt nhất trong mọi hoàn cảnh.
Để tốt nghiệp sớm, Hiền cần học 8-11 môn mỗi học kỳ, nhiều hơn 2-3 môn so với tiến độ chuẩn. Không phải học sinh trường chuyên, cũng không ở gần người thân, lúc đầu Hiền tự ti, sợ mục tiêu mình đặt ra quá sức.
Suy nghĩ này nhanh chóng tan biến khi nữ sinh tìm đến các anh, chị khóa trên, xin kinh nghiệm. "Nhiều anh chị không có xuất phát điểm tốt nhưng vẫn đạt thành tích cao. Đây là động lực rất lớn, truyền cảm hứng để mình động viên bản thân", Hiền nhớ lại.
Dù vậy, Hiền gặp khó khi học môn Kinh tế chính trị ở học kỳ đầu tiên. Trong khi kiến thức triết học trừu tượng, hàn lâm, nữ sinh lại không tìm được phương pháp học hiệu quả mà chủ yếu học thuộc theo giáo trình. Kết quả, em chỉ đạt điểm 8,3, tương đương 3/4. Đây cũng là môn duy nhất Hiền không đạt điểm A (từ 8,5 trở lên).
Sau đó, Hiền điều chỉnh cách học. Với các môn đại cương, Hiền cố gắng hiểu bằng cách gắn lý thuyết vào ví dụ thực tế. Nữ sinh cũng vẽ sơ đồ tư duy để nhớ ý chính từng bài. Ở môn chuyên ngành, Hiền tham gia cộng đồng sinh viên kinh tế, các hội nhóm việc làm để tham khảo các tình huống cụ thể và cách giải quyết, từ đó áp dụng vào việc học.
Lúc rảnh, Hiền thường đi bộ tại công viên hoặc quanh hồ, những nơi có không gian rộng để thư giãn. Nữ sinh cho biết luôn giữ được tinh thần thoải mái với việc học.
Giai đoạn đáng nhớ nhất với Hiền là cuối năm 2021, khi bước vào năm thứ ba. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trường Đại học Ngoại thương cho sinh viên học trực tuyến nên Hiền về quê ở Hà Tĩnh.
Buổi sáng, nữ sinh học trực tuyến. Hiền cho biết đây là thời điểm tỉnh táo, tập trung nhất của mình trong ngày nên ưu tiên việc học. Họp nhóm, đọc tài liệu nghiên cứu khoa học được Hiền làm vào nửa đầu buổi chiều, thời gian còn lại dành cho hoạt động tình nguyện. Nhiệm vụ của Hiền là tiếp nhận cuộc gọi của các bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM, cập nhật thông tin về tình trạng, nhu cầu hỗ trợ của họ lên hệ thống để đội ngũ y bác sĩ tư vấn chuyên môn.
Với lịch học và hoạt động dày đặc, nhưng Hiền còn có biệt danh "thợ săn" học bổng. Nữ sinh giành học bổng loại A (loại cao nhất) của trường Đại học Ngoại thương trong cả 6 kỳ học, đồng thời "giắt túi" thêm 5 học bổng doanh nghiệp khác. Học bổng của trường tương đương với học phí của kỳ đó, còn mỗi học bổng doanh nghiệp trị giá khoảng 10 triệu đồng.
Nữ sinh cho biết thông thường, các học bổng đều yêu cầu ứng viên có điểm học tập cao. Một số học bổng yêu cầu viết luận, số khác xét tới các hoạt động, dự án ngoại khóa. Ngoài ra, Hiền đi làm gia sư, marketing. Vì thế, nữ sinh gần như không phải xin hỗ trợ tài chính từ gia đình.
"Duy trì được thành tích học tập tốt, được nhiều học bổng, mình không còn tự ti và dần tin vào năng lực của bản thân", Hiền nói.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Bình, trưởng ban Quản lý Khoa học và Hợp tác phát triển, Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, là người hướng dẫn Hiền làm nghiên cứu khoa học và khoá luận tốt nghiệp. Cô Bình nhận xét Hiền có nội lực lớn, khác hẳn dáng vẻ nhỏ nhắn, mảnh khảnh. Một khi đã xác định hay đặt mục tiêu, nữ sinh sẽ theo đuổi đến cùng.
"Mới gặp Hiền có thể không ấn tượng, bởi so với nhiều sinh viên Ngoại thương cá tính, Hiền không phải người sôi nổi. Tuy nhiên khi tiếp xúc nhiều hơn, Hiền gây bất ngờ bởi sự chăm chỉ, nghiêm túc và luôn cầu thị", cô Bình nói.
Cô Bình cho hay học trò có khả năng đọc tài liệu nước ngoài rất tốt. Nhờ vậy, sau khi tham gia nghiên cứu khoa học cấp trường, cùng cô Bình công bố một bài báo khoa học, Hiền thuận lợi hoàn thành khoá luận tốt nghiệp về hành vi tiêu dùng của người trẻ tại Hà Nội trong bối cảnh bình thường mới, đạt 9,4 điểm.
Trước những quan điểm trái chiều về bằng cấp đại học, Hiền cho rằng kiến thức ở trường sẽ giúp người học đi đường dài. Theo nữ sinh, người mới tốt nghiệp có thể chỉ đảm nhận các vị trí thấp, chưa cần vận dụng nhiều kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, Hiền nhìn nhận rồi sẽ đến lúc người đi làm cần một cái nhìn tổng quan, đối diện với các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, khi đó kiến thức ở trường là nền tảng quan trọng.
Trong kỳ thực tập của mình, Hiền làm việc tại phòng Khai báo hải quan của một công ty logistics Nhật Bản. Các môn học giúp Hiền biết về những giấy tờ cần thiết để làm việc suôn sẻ. Thành tích học tập cũng giúp Hiền gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, từ đó trúng tuyển vào một công ty logistics của Mỹ khi chưa tốt nghiệp.
Hiền đang làm quen với công việc mới. Cô gái sinh năm 2001 đi làm bằng xe bus, cho biết sẽ dùng tiền học bổng mua một chiếc xe máy để tiện đi lại. Nghĩ lại thời gian mới vào đại học, Hiền thấy may mắn khi đã thử thách bản thân với số lượng môn học nhiều hơn bình thường, dám đặt những mục tiêu mà hồi phổ thông chưa từng nghĩ đến.
"Mình có xuất phát điểm không nổi bật, cũng từng tự ti, nhưng đã từng bước xây dựng niềm tin vào bản thân. Giờ mình rất hào hứng và trông chờ những thử thách sắp đến", Hiền nói.
Thanh Hằng