Bùi Thị Ánh Em, 25 tuổi, quê An Giang, nhận kết quả trúng tuyển vị trí giảng viên chính thức của Viện Kỹ thuật, trường Đại học Công nghệ TP HCM (HUTECH) hồi cuối tháng 1. Sau Tết, cô sẽ đến trường nhận công tác, ở bộ môn Công nghệ Kỹ thuật ôtô, cũng là ngành mà Em theo học.
"Trở thành giảng viên đại học là mục tiêu ngay từ những năm đầu đại học, nên khi trúng tuyển, em rất vui và háo hức", Ánh Em chia sẻ.
Cách đây một năm, Ánh Em là thủ khoa tốt nghiệp năm 2023 ở HUTECH với điểm trung bình (GPA) 3.32/4. Cô vẫn nhớ mãi cảm xúc bất ngờ, vỡ òa khi biết mình là thủ khoa đầu ra của trường bởi ngày chọn ngành, Ánh Em vấp phải không ít ý kiến can ngăn, ngờ vực.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Ánh Em theo học ngành Dược tại một trường đại học ở An Giang. Dù vậy, vì yêu thích các ngành kỹ thuật, sau hai năm, nữ sinh quyết định nghỉ, rồi đăng ký xét tuyển ngành Công nghệ Kỹ thuật ôtô ở HUTECH.
"Nhiều người nghĩ những ngành cơ khí, ôtô không dành cho nữ. Khi em chọn ngành cũng bị nhiều người hỏi thể lực có đảm bảo không, hay liệu có garage nào tuyển nhân viên nữ lắp ráp, chui gầm xe, sửa máy móc", Em nhớ lại.
Theo Ánh Em, suy nghĩ con gái luôn yếu thế hơn nam giới trong các ngành kỹ thuật xuất phát từ việc nhiều người vẫn nghĩ về kỹ sư ôtô là "bò lê dưới gầm xe". Thực tế, các ngành kỹ thuật nói riêng và Công nghệ kỹ thuật ôtô đang phát triển theo hướng tự động hóa. Đây cũng là nhóm ngành đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết. Nữ sinh tốt nghiệp ngành này cũng có nhiều lựa chọn sau khi tốt nghiệp, tùy vào sở thích và kỹ năng, có thể chọn làm giám sát tại xưởng sản xuất, lắp ráp hoặc đảm nhiệm việc tư vấn thiết kế hay kiểm định.
Điều khác khiến cô áp lực không kém là định kiến trường tư chỉ dành cho những học sinh yếu kém, trượt đại học. Lời nói ra nói vào của nhiều người xung quanh khiến Em không khỏi chạnh lòng lúc mới nhập học.
"Càng bị chê bai, em càng muốn thử và chứng minh mình có thể làm được, phá bỏ định kiến", Ánh Em nói, cho biết đây là động lực để cô cố gắng học và duy trì kết quả tốt.
Ngày đầu nhập học, nhiều bạn tưởng Ánh Em vào nhầm phòng. Cả lớp 60 sinh viên, chỉ mỗi Em là nữ. Ban đầu, cô cũng ái ngại khi xung quanh toàn bạn nam. Dần dần, Ánh Em làm quen và hòa nhập với cả lớp. Những buổi thực hành với máy móc, động cơ, Ánh Em cũng xông xáo không khác gì các bạn nam.
Ngoài cố gắng hoàn thành tốt chương trình học, nữ sinh tích cực trong phong trào sinh viên. Có những ngày cô tham gia các hoạt động từ sáng đến chiều, tối về lại ngồi vào bàn học.
Bốn năm đại học, Ánh Em hai lần đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt của TP HCM, Sinh viên 5 tốt cấp trung ương và giải thưởng Sao tháng Giêng năm 2023. Cô cũng có hai bài báo khoa học được tăng trên tạp chí Fuel (ISI-Q1) và International Journal of Hydrogen Energy (ISI-Q1) về tối ưu hóa hiệu suất, khí thải và nhiên liệu của động cơ chạy bằng diesel.
Cô cùng các bạn tham gia nhiều cuộc thi trong lĩnh vực liên quan đến ôtô. Gần đây nhất, nhóm Ánh Em giành giải nhì cuộc thi Mitsubishi Electric Cup MECA 2023 chuyên về kỹ thuật và điều khiển tự động hóa.
Kết thúc kỳ thực tập, đầu năm 2023, Ánh Em được giữ lại làm việc chính thức tại một công ty kinh doanh ôtô với vị trí tư vấn khách hàng. Nhớ ước mơ trở thành giảng viên, sau một năm, Ánh Em trở về làm trợ giảng cho các thầy cô trong Viện Kỹ thuật. Cô sau đó nộp hồ sơ ứng tuyển làm giảng viên và trúng tuyển, ở tuổi 25.
TS Nguyễn Văn Nhanh, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật HUTECH, ấn tượng với Ánh Em ngay từ ngày đầu nhận lớp. Với đam mê kỹ thuật, ôtô, Ánh Em rất siêng năng, bù lại hạn chế về thể lực so với bạn bè là nam giới. Hơn nữa, ngành ôtô đã ứng dụng các công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo để điều khiển tự động, chẩn đoán, bảo trì, bảo dưỡng nên Ánh Em cũng khá thuận lợi.
"Ánh Em rất cá tính, việc các bạn nam làm được thì bạn ấy cũng làm được, không thua kém gì. Em cũng sớm có việc làm khi chưa tốt nghiệp nhưng nhớ môi trường đại học nên quay về", TS Nhanh nói.
Trở thành giảng viên đại học là niềm vui nhưng cũng là thử thách với Ánh Em. Cô cho biết đang học thạc sĩ ngành Kỹ thuật ôtô tại trường để nâng cao năng lực phục vụ công tác giảng dạy, đồng thời học hỏi phương pháp dạy học từ các thầy cô đi trước.
Lệ Nguyễn