Trong đợt tuyển sinh sớm tháng 12/2019 của các trường đại học Mỹ, Khanh giành học bổng của Đại học Vassar, bang New York, với mức hỗ trợ tài chính 53.000 USD một năm (hơn 1,2 tỷ đồng). Theo US News & World Report, năm 2020 Vassar xếp thứ 14 trong nhóm National Liberal Arts Colleges, xếp thứ 11 những trường có giá trị tốt nhất ở Mỹ.
Du học vốn là mong ước từ lâu của Khanh. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ dừng ở mức thích chứ em chưa thật sự làm gì để thực hiện mong muốn này. Đến khi học lớp Hóa 1 trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Khanh bắt đầu tham gia các hoạt động ngoại khóa, ôn thi chứng chỉ để làm dày thành tích cá nhân.
Xuyên suốt hai năm lớp 10 và 11, nữ sinh Hà Nội tham dự các dự án giáo dục, tổ chức các buổi gây quỹ cho trẻ em mồ côi và kết nối 100 học sinh có nguyện vọng du học với 40 du học sinh. Những hoạt động ngoại khóa đều do Khanh chủ động tìm hiểu, lên ý tưởng dựa trên sở thích.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ, nữ sinh tự nhận quá chủ quan khi nghĩ SAT khó hơn ACT nên chọn ôn thi ACT trong một năm rưỡi. "Em đã nghĩ vì ACT có phần khoa học, mình học chuyên hóa nên theo được. Mọi người cũng hay nói phần đọc hiểu của SAT khó hơn nên em chọn ACT cho an toàn", Khanh nói.
Tuy nhiên, khi ôn luyện, nữ sinh nhận ra chỉ có khoảng 8 phút cho một bài đọc của ACT, trong khi đó nếu học SAT thời gian hơn 10 phút một bài. Trong quãng thời gian ôn thi, điểm ACT của em không tăng, bản thân Khanh cũng không vượt qua được áp lực thời gian khi làm bài.
Cuối tháng 3/2019, chỉ hơn một tháng trước kỳ thi SAT I, Khanh quyết định bỏ ACT và chuyển sang ôn thi SAT I. Do chuyển hướng gấp rút, em chỉ dám đặt mục tiêu đạt 1450/1600 điểm. Nếu chưa ổn, em vẫn còn một cơ hội nữa vào kỳ thi tháng 10/2019. Sau hơn một tháng ôn luyện, Khanh đạt 1510/1600 điểm SAT I, phần ngữ pháp đúng tuyệt đối 44/44 câu.
Khanh cho rằng điểm sáng trong hồ sơ là bài luận chính viết về học bơi. Bắt đầu học từ năm lớp 2, suốt tám năm liền Khanh vẫn không biết bơi. Đến mùa hè năm lớp 10, khi gặp một người bơi rất giỏi, em hỏi và được chỉnh giúp tư thế nên đã bơi được. "Em rút ra bài học làm gì cũng kiên trì, không ngại thất bại, luôn đối diện với một tâm thế tích cực và có người dẫn lối đúng thì thế nào cũng sẽ tới được đích", Khanh nói.
Ở phần hai của luận chính, ban đầu em Khanh muốn viết về gia đình. Nhưng sau khi tham khảo bài luận của nhiều người đỗ đại học danh tiếng, Khanh đều thấy mọi người chọn kể về hoạt động ngoại khóa. Nữ sinh cũng chọn viết về lĩnh vực này, không dám viết về gia đình vì "không ai làm thế". Nhưng cuối cùng, em viết lại phần hai luận chính theo đề tài ban đầu vì "gia đình góp phần quan trọng tác động và hình thành con người em".
Chia sẻ về lý do thay đổi, cô gái Hà Nội nói: "Em nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nếu được viết điều mình muốn. Với lại, em cho rằng nếu muốn đóng góp cho xã hội thì trước tiên phải đóng góp cho gia đình".
Không giống hầu hết học sinh thông qua trung tâm du học để được hỗ trợ, tư vấn làm hồ sơ, Khanh tự chuẩn bị tất cả. Điều này khiến em không bị phân tâm, tác động về số lượng các bạn cùng nộp vào Đại học Vassar.
Khanh lấy ví dụ một bạn có thể rất thích trường này, nhưng trong trung tâm có bạn khác giỏi hơn đã nộp hồ sơ. Bạn có học lực thấp hơn có thể mất tự tin, sợ không đỗ nên chuyển nguyện vọng sang trường khác dù không thích bằng. Việc tự làm hồ sơ giúp Khanh có thêm kiến thức về hồ sơ tài chính, giờ em có thể giúp đỡ cho các bạn về phần này.
Ngoài ra, Khanh còn chủ động liên hệ với các trường em quan tâm, mong muốn trường dành thời gian phỏng vấn, nói chuyện với mình sau những sự kiện giới thiệu, quảng bá về trường tại Hà Nội. Nhiều bạn bè cho rằng việc đó giống đi cửa sau nhưng nữ sinh có quan điểm khác.
"Em nghĩ cơ hội chia đều và công bằng cho tất cả, điều quan trọng là chủ động, biết nắm bắt và dám thử thách", Khanh nói. Việc được gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đại diện các trường giúp Khanh biết thêm nhiều thông tin trên website không đăng tải và thể hiện mình rất quan tâm đến trường.
Khanh sẽ đến Mỹ nhập học trường Vassar vào tháng 8/2020, dự định theo Khoa học chính trị hoặc Giáo dục. Thời gian tới, em sẽ học thêm tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung, đồng thời tích cực tham dự các dự án để tích lũy kinh nghiệm.
Cô Lê Thị Ngọc Hà, giáo viên dạy Hóa kiêm chủ nhiệm lớp 12 Hóa 1, đánh giá Khanh suy nghĩ nhanh. "Tôi ấn tượng về cách Khanh biến điểm yếu của mình thành những bài học và cảm thấy vui mừng khi em biết suy nghĩ vượt ra khỏi giới hạn, áp dụng các bài học từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác", cô giáo nói.
Từ trải nghiệm "khác biệt" trong hành trình giành học bổng du học Mỹ, Khanh khuyên những học sinh lớp 10, 11 nên dũng cảm đi ngược lại số đông nếu điều đó mình thật sự mong muốn, bởi "được là chính bản thân là điều tuyệt vời nhất".
Thanh Hằng