Nhìn lại thành quả sau ba năm, Phí Đình Thanh Hà, 18 tuổi, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận 1, TP HCM, nói không hối hận vì đã nghe theo định hướng của mẹ.
Chị Trần Thị Kim Oanh, mẹ của Hà, cho hay ngày cấp 2, con gái chủ yếu học nội trú ở trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến. Đây là ngôi trường nổi tiếng đào tạo học sinh giỏi với kỷ luật nghiêm khắc. Kết quả của con ổn định trong nhóm giữa của lớp, luôn là học sinh giỏi.
"Nhưng tôi thấy con khờ khờ, học và làm mọi thứ như cái máy nên đến lớp 9, tôi chuyển con sang trường khác, nhẹ nhàng hơn", chị Oanh nói. Trước ngưỡng cửa lớp 10, thay vì theo lộ trình thi vào trường công rồi vào đại học, chị định hướng con theo hệ giáo dục thường xuyên. Chị Oanh nhận định như vậy con sẽ bớt áp lực ôn thi, lại có thời gian học một nghề khác như thiết kế đồ họa vì cô bé rất thích vẽ.
"Tôi nghĩ ba năm THPT chỉ là một khoảng thời gian ngắn trong đời, không nhất thiết phải học trường công mà quan trọng là giáo dục con biết mình muốn gì và cần làm gì", chị Oanh nói.
Biết chuyện, người quen nói chị "gàn dở, điên rồ". Còn Thanh Hà cũng không hiểu vì sao mẹ lại đưa ra định hướng ngược đời như vậy. "Em ấm ức, có phần thất vọng và tự hỏi mình làm gì nên nỗi phải học trung tâm giáo dục thường xuyên", Hà nhớ lại.
Vào ngôi trường mới với tâm thế bị động, không chút vui vẻ nhưng Hà tự trấn an mình. Đúng như dự tính của mẹ, với lịch học nhẹ nhàng 5 ngày trong tuần, Hà đăng ký khóa học thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Học được vài tháng, em nhận ra nghề này không phù hợp với mình nên dừng lại.
Nữ sinh sau đó đi làm thêm. Với năng khiếu vẽ, năm lớp 10, em nhận làm tranh đính đá, vẽ handmade lên túi, áo. Sau đó, em làm phụ bếp cho một nhà hàng nhỏ của người Pháp ở TP Thủ Đức đồng thời quản lý fanpage, chăm sóc hình ảnh quảng cáo cho một quán cơm.
Để tiện cho việc học, lên lớp 10, Hà chuyển đến sống chung với gia đình dì ở quận 1. Lên lớp 11, em thuyết phục mẹ cho ra thuê trọ ở gần trường để tiện giờ giấc đi làm. Suốt thời gian đó, em phải đạp xe đi làm thêm dù địa điểm xa hay gần.
Hà cho biết công việc ở nhà hàng giúp em luyện nói tiếng Anh vì khách chủ yếu là người nước ngoài. Em cũng học hỏi được khả năng xoay xở, quán xuyến mọi việc vì có thời điểm phải tự đứng bếp, chuẩn bị nguyên vật liệu, dọn dẹp.
"Có những ngày em chỉ ngủ hai, ba tiếng rồi dậy đi học nhưng không thấy vất vả vì được học nhiều điều không có ở trường lớp", Hà kể, thêm rằng nhờ nền tảng kiến thức tốt ở bậc THCS nên em dễ dàng vượt qua các yêu cầu về học tập ở trung tâm.
Nhận thấy đã học hỏi và trải nghiệm đủ, đến năm lớp 12, Hà tập trung vào việc học, dừng hẳn việc làm thêm. Trong năm này, em tham gia kỳ thi học viên giỏi cấp thành phố cho hệ giáo dục thường xuyên và đạt giải nhì môn Địa lý. Em cũng chủ động ôn tập tiếng Anh, học thêm kỹ năng Viết và lấy chứng chỉ IELTS 6.5.
Hà cho biết sử dụng phương pháp vẽ sơ đồ tư duy để dễ hiểu và ghi nhớ kiến thức. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối tháng 6, Hà chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội và làm bài khá tốt.
Theo Hà, môi trường ở trung tâm giáo dục thường xuyên vẫn có những bạn nghịch ngợm, nhưng cũng không ít người quyết tâm theo đuổi việc học. Có nhiều bạn vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngoài giờ học phải đi làm thêm để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt. Tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau, cộng những trải nghiệm khi làm thêm, em càng thêm trân trọng những gì mình đang có.
"Học ở môi trường nào cũng tốt miễn là mình có mục tiêu và động lực cố gắng. Việc mình trở nên tốt hơn hay xấu đi do chính bản thân mình quyết định, hoàn cảnh chỉ là một phần nhỏ", Hà chia sẻ.
Cô Đặng Thị Định, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, nhận xét Hà sáng dạ, hiểu bài rất nhanh, tốt nghiệp bậc phổ thông với loại khá. Em có kế hoạch rõ ràng và biết phân bố thời gian, tự học để hoàn thành mục tiêu của mình.
Theo cô, mọi người vẫn nghĩ trung tâm giáo dục thường xuyên là nơi dành cho học sinh yếu kém, hư hỏng nhưng nhiều năm nay, chất lượng học viên của trung tâm đã cải thiện. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn về kinh tế chọn học ở đây để nhẹ gánh học phí, có thời gian làm thêm. Nhiều em có học lực khá, giỏi và trúng tuyển vào các trường đại học lớn.
Chị Oanh cho rằng phụ huynh cần hiểu con mình để đưa ra lựa chọn phù hợp. Chị cho hay Hà là cô bé chín chắn, biết phân biệt đúng sai từ nhỏ, cộng với nền tảng giáo dục đạo đức từ gia đình nên chị yên tâm cho con theo học hệ giáo dục thường xuyên.
"Tôi chuẩn bị tâm lý, chấp nhận con có thể vấp ngã ở một mức độ nào đó. Cho con được thử, được sai cũng là một cách giáo dục để con trưởng thành", chị Oanh nói.
Còn Hà đang đợi kết quả thi tốt nghiệp. Nữ sinh dự định dùng điểm thi này để xét tuyển vào ngành Luật của trường Đại học Luật hoặc Đại học Kinh tế - Luật TP HCM.
Lệ Nguyễn