Nguyễn Ngọc Khánh Chi, 17 tuổi, quê Quảng Bình đang là học sinh lớp 12 chuyên Hoá, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Ngày 15/12 vừa qua, Chi nhận thư trúng tuyển từ Đại học Davidson, ngôi trường trong top 15 đại học khai phóng Mỹ năm 2022 theo US News & World report. Đây là những trường thiên về phát triển kiến thức nền tảng và các kỹ năng có thể thay đổi linh hoạt. Với khoản hỗ trợ 5,6 tỷ đồng, Chi coi như được miễn học phí, kèm một khoản để lo chi phí sinh hoạt, nhà ở.
Theo Chi tìm hiểu, trường cũng nằm trong top 3 đại học có phương pháp giảng dạy tốt nhất nước Mỹ. Riêng chuyên ngành Hoá Sinh mà em đăng ký, trường có nhiều giáo sư nổi tiếng giảng dạy với quy mô lớp học khoảng 30 sinh viên. Em nhận định, đây là cơ hội tốt để tương tác với các giáo sư và theo kịp nhịp độ học tập ở môi trường quốc tế.

Khánh Chi trong sân trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, tháng 11/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khánh Chi nói tuổi thơ và niềm yêu thích với môn Hóa của em gắn liền với ông ngoại, vốn là giáo viên dạy Toán ở Quảng Bình. Ông thường xuyên kèm Chi học, nhất là sau khi về hưu. Nữ sinh ngạc nhiên khi nhìn thấy những cuốn sách cũ, chằng chịt công thức hóa học hữu cơ của ông. Ông từng mơ ước trở thành dược sĩ, nhưng vì chiến tranh nên không thể thực hiện.
"Thời thơ ấu, con như Natri bình thường, không màu", ông ngoại nói khi Khánh Chi lên lớp 8 và giải thích với cháu gái rằng "cùng thời gian và môi trường sống, mỗi người sẽ chuyển hoá để tìm ra chính mình". Tuy nhiên, khi ấy Chi chưa hiểu hết những điều ông nói.
Cựu nữ sinh THCS Đồng Phú (Đồng Hới, Quảng Bình) từng nhiều lần giành giải nhất thi học sinh giỏi môn Hoá học của TP Đồng Hới, rồi giải nhì của tỉnh Quảng Bình. Năm Khánh Chi lên lớp 9, ông không thể dạy kèm em nữa vì mắc bệnh ung thư máu. "Ở quê điều trị chưa tốt nên ông được chuyển ra Hà Nội", Chi nhớ lại.
Cách đây hơn hai năm, Chi thi đỗ thủ khoa trường THPT chuyên Quảng Bình, và đỗ chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Em chọn khăn gói ra thủ đô, nhập học lớp chuyên Hoá, vừa đi học vừa đỡ đần mỗi khi ông nằm viện.

Khánh Chi chụp ảnh kỷ yếu ở trường, tháng 11/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sống một mình ở Hà Nội, Chi phải sắp xếp thời gian để ngoài học còn nấu nướng, dọn dẹp và nghỉ ngơi. Em tập trung học các môn ở trên lớp, về nhà làm bài tập để không quên kiến thức, tránh để dồn khiến phải học từ đầu khi ôn thi. Năm lớp 11, Chi giành giải nhì thi học sinh giỏi môn Hoá các trường THPT trong khuôn viên Đại học Sư phạm Hà Nội và huy chương đồng Olympic Khoa học tự nhiên. Điểm trung bình học tập (GPA) của em đạt 9,5 năm lớp 10 và 9,8 năm lớp 11.
Ngoài học và tham gia câu lạc bộ khoa học ở trường, Chi còn tham gia nhiều hoạt động khác, gắn liền với đam mê Hóa học của em. Em cho biết hồi đầu năm đã xin vào thực tập trong phòng thí nghiệm của GS Phạm Lan tại Học viện Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ đề tài nghiên cứu "Chiết xuất và chế biến curcumin ứng dụng". Tại đây, em trực tiếp tham gia thí nghiệm bốc hơi bột nghệ cho đến khi sai số không đáng kể. "Thành quả là kem curcumin, giải quyết vấn đề về da cho một số người bạn của em", Chi chia sẻ.
Trong vai trò đồng sáng lập dự án "Less Plastic", Chi từng gây quỹ tặng hơn 2.000 túi giấy tái chế cho các sạp chợ tại Quảng Bình, tổ chức 5 hội thảo với chủ đề giảm sử dụng đồ nhựa. Hoạt động này được Đại sứ quán Mỹ trao chứng nhận "Nhân đôi mô hình Trường học sinh thái" năm 2020. "Với 'Less plastic', chúng em tìm ra các giải pháp thay thế túi nilon như túi sắn tan trong nước hay túi lưới đan từ sợi thân cây", Chi nói, cho biết phải tìm hiểu về sự an toàn sinh học, hoá học của các loại túi này bằng cách áp dụng các kiến thức được học trên lớp.
Sau giờ học, Chi thường đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để chăm sóc ông ngoại. Em được bác sĩ chuyên khoa Ung thư giải thích các chỉ số như lượng đường trong máu, số lượng bạch cầu và tư vấn về chế độ ăn hàng cho bệnh nhân xạ trị. Chi đi mua đồ rồi nấu theo chế độ ăn kiêng hợp lý cho ông.
Thời gian gần đây, tình hình sức khỏe của ông có diễn biến tốt hơn, ông được trở về Quảng Bình, mỗi tháng chỉ cần quay lại kiểm tra một lần. Chứng kiến quá trình điều trị, Chi có góc nhìn gần hơn về lĩnh vực y tế, sức khoẻ mà mình muốn theo đuổi. Em đã đưa những trải nghiệm này vào bài luận ứng tuyển ngành Hoá Sinh các trường đại học Mỹ.
Trong bài luận gửi Đại học Davidson, Chi nhắc lại lời của ông ngoại: "cuộc đời con người như một chuỗi phản ứng natri để dẫn đến những bước chuyển mình, thay đổi và phát triển".
"Axit clohydric (HCl) phản ứng mãnh liệt với một miếng Natri (Na) để tạo ra Natri clorua (NaCl), còn gọi là muối ăn, một chất thiết yếu trong cuộc sống", Chi nói giờ em đã nhận ra mối liên hệ của công thức hoá học này với chính mình. Khi chuyển đến một thành phố mới, em cứng cáp hơn. Em cũng khâm phục tinh thần lạc quan chiến đấu với bệnh tật của ông ngoại. Sau giờ học, dù có mệt mỏi đến đâu, Chi vẫn tỏ ra tràn đầy năng lượng khi đến thăm ông.
"Em đã trưởng thành rất nhiều. Giống như một miếng natri, nó biến đổi thành phiên bản tốt hơn trong môi trường axit", Chi giải thích, cho biết thêm dung dịch Natri clorua có thể được tăng cường bằng cách kết tinh thành dạng rắn và phát sáng.
Để theo đuổi lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nữ sinh Quảng Bình đặt mục tiêu du học về lĩnh vực Hoá Sinh tại Mỹ. "Đó là cách tốt nhất để tôi - một miếng Natri trắng, đạt đến hình thức cao nhất", Chi viết trong bài luận.
Chi cho hay, quá trình ứng tuyển du học Mỹ của em khá áp lực. Vì dành thời gian học ở đội dự tuyển và tham gia các kỳ thi, đến giữa năm lớp 11 em vẫn chưa có điểm các bài thi chuẩn hoá. Mùa hè vừa qua, em đã nỗ lực ôn luyện để thi SAT và IELTS. Tuy nhiên, với số điểm không quá cạnh tranh, Chi tập trung dành hơn 3 tháng để viết luận.
Cô Nguyễn Thị Thanh Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Hóa, trường chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, đánh giá Chi là một trong những học sinh cô ấn tượng nhất trong những năm đi dạy của mình. Em đạt điểm xuất sắc trong hầu hết các môn học, đặc biệt là các môn khoa học tự nhiên và tiếng Anh.
"Khánh Chi toàn diện, chăm chỉ và tự lập. Em có khả năng dẫn dắt tập thể và truyền cảm hứng. Sự trách nhiệm, nhiệt tình, ham học hỏi và sẵn sàng chấp nhận thử thách của Chi khiến tôi tin em sẽ phát huy tốt năng lực khi đến Mỹ", cô Mai cho biết.
Chị Trần Thị Hiền Thanh, mẹ của Khánh Chi, nói con gái ngoan, thương và lo cho ba mẹ nên rất chịu khó trong mọi công việc, hoàn cảnh. Con cũng là cô gái nhiều nghị lực, khát vọng. "Khi còn ở quê, biết ba mẹ vất vả, tốn kém để cho con đi học thêm, cô dạy một, Chi tự học thêm mười và luôn tranh thủ mọi thời gian của cô để hỏi bài", chị Thanh chia sẻ hai vợ chồng chị đều là công chức bình thường.
Khánh Chi sẽ bay sang Mỹ du học vào tháng 8 năm sau. "Em dự định tạo mối quan hệ với nhiều bạn quốc tế, hoạt động thiện nguyện về khoa học sức khoẻ, đạt điểm GPA cao và tốt nghiệp đúng hạn, sau đó học lên thạc sĩ, tiến sĩ", Chi nói.
Lệ Thu