Nguyễn Khánh Ly là học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Sáng 14/12, biết Đại học Yale, Mỹ, thông báo kết quả xét tuyển từ 5h theo giờ Việt Nam, nhưng do ngủ dậy muộn, lại không kỳ vọng nhiều, Ly không vội vàng. Khi đến trường, Ly mới kiểm tra kết quả. Nhìn màn hình hiện lên dòng chúc mừng, nữ sinh hét lên giữa lớp.
"Bạn bè hỏi em bị làm sao vậy. Còn em cầm điện thoại, tay run run, ra khỏi lớp để gọi cho mẹ", Ly nhớ lại.
Đại học Yale, ngôi trường Ly mới trúng tuyển, nằm trong nhóm 8 trường Ivy League danh giá, được US News đánh giá tốt thứ 5 tại Mỹ. Trường này cũng nằm trong top 10 thế giới, theo bảng xếp hạng năm 2024 của THE.
Trên website, Đại học Yale công bố 700 học sinh đỗ, trong gần 7.900 hồ sơ ứng tuyển sớm. Tỷ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 9% là mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, kể từ khi đại học này áp dụng hình thức tuyển sinh sớm nhưng không bắt buộc nhập học.
Ly còn được hỗ trợ tài chính hơn 91.200 USD mỗi năm, tương đương khoảng 8,9 tỷ đồng cho 4 năm học. Theo tính toán của trường, dự kiến mỗi năm gia đình Ly phải chi thêm hơn 4.000 USD. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thông tin, Ly cho rằng nếu chi tiêu tiết kiệm, gia đình em có thể không phải chi khoản này.
Ly ước mơ du học Mỹ từ lớp 9 nhưng phải đến đầu lớp 11, em mới thực sự bắt tay vào chuẩn bị hồ sơ.
Là học sinh giỏi suốt những năm THCS, từng đỗ 4 trường chuyên khi thi vào lớp 10, nữ sinh dễ dàng vượt qua các bài thi chuẩn hóa, đạt điểm SAT 1.530/1.600, IELTS 8.0 cùng điểm trung bình học tập (GPA) từ lớp 9 đến 11 ở mức 9,6-9,7.
Xác định hồ sơ mang màu sắc về lịch sử và ngoại giao - những lĩnh vực yêu thích, Ly chủ động tham gia hoạt động ngoại khóa với các chủ đề liên quan. Em là thành viên câu lạc bộ Lịch sử, Ngoại giao ở trường, cùng bạn bè dựng các vở kịch tái hiện sự kiện lịch sử và làm kênh Youtube chia sẻ mối quan tâm của mình.
Ngoài ra, Ly tham gia nghiên cứu khoa học. Một đề tài nữ sinh tham gia, nghiên cứu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau khi bình thường hóa quan hệ đã được chọn trình bày tại một hội thảo quốc tế ở Hà Nội. Em cũng tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, phong trào.
"Là lớp trưởng, Ly năng động, nhiệt tình, rất sáng tạo trong các hoạt động của lớp", cô Phan Phương Thảo, chủ nhiệm lớp 12 Anh 1, nói. Trong học tập, cô Thảo đánh giá học trò có cách học và cách tiếp cận vấn đề rất riêng.
Phần quan trọng còn lại trong hồ sơ du học Mỹ là các bài luận, cũng là phần khiến Ly mất nhiều thời gian nhất.
Ly phải viết một bài luận chính cùng một số bài luận phụ, trả lời các câu hỏi ngắn về lý do chọn trường hay chủ nghĩa cá nhân. Với bài luận chính, em có nhiều ý tưởng từ cuối lớp 11 nhưng mãi không ưng ý.
Đến một ngày, nằm trằn trọc đến 1h sáng vẫn không ngủ được, Ly nhìn lên giá sách và thấy cuốn nhật ký của ông nội. Đọc những dòng ghi chép ký ức của ông ở chiến trường, Ly đã nghĩ ngay đến việc lấy đó làm chất liệu cho bài luận chính.
Sau nhiều lần sửa chữa, bài luận của Ly bắt đầu bằng câu chuyện hồi nhỏ, em được ông kể cho nghe rất nhiều câu chuyện lịch sử. Được ông truyền cảm hứng, Ly thấy lịch sử là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện nay chứ không phải chỉ là một phần quá khứ. Từ đó, em yêu thích tìm hiểu lĩnh vực này, có nhiều hoạt động lan tỏa để mọi người thấy tầm quan trọng của lịch sử và học môn này sinh động hơn.
"Thông điệp trong bài luận rất khớp với hoạt động ngoại khóa của em, tạo nên màu sắc chung cho toàn hồ sơ", Ly chia sẻ.
Ly cho biết giai đoạn chuẩn bị hồ sơ cách đây vài tháng, hiếm ngày nào em ngủ trước 2h sáng. Ngoài bài luận, nữ sinh phải xin bảng điểm từ trường, thư giới thiệu, hoàn thiện giấy tờ liên quan về tài chính và bổ sung nhiều tài liệu khác. Ở trên lớp, tháng 10 cũng là lúc em phải thi giữa học kỳ I.
Chị Bùi Thùy Linh, mẹ của Ly, vẫn nhớ như in giai đoạn này và tự hào về ý chí, sự nỗ lực của con. Chị từng chia sẻ với Ly rằng nếu muốn du học Mỹ, con phải có học bổng rất cao, bởi đồng lương giáo viên của mẹ không đủ để Ly đi học tự túc.
"Ngay khi ấy, Ly đã nói Mẹ yên tâm, con sẽ làm được", chị Linh kể. Thế rồi, Ly tự tìm hiểu, từ việc trau dồi tiếng Anh lẫn tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ly cũng may mắn gặp được những người hướng dẫn tận tình trong quá trình làm hồ sơ.
Chị Linh chỉ biết động viên tinh thần cho con. Khi biết Ly định đưa vào bài luận những ký ức của ông, một đại tá quân đội, chị Linh đã đưa con tới những địa điểm ông từng đi qua thời kháng chiến, giúp Ly có thêm cảm xúc để viết luận.
Nhận học bổng du học sớm khiến Ly cảm thấy nhẹ nhõm. Nữ sinh nói sẽ đảm bảo việc học ở trường để đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp vào năm tới. Em cũng tìm hiểu thêm về trường và nơi sinh sống để nhanh chóng hòa nhập khi đặt chân tới Mỹ.
Khi đăng ký xét tuyển, Yale cho phép ứng viên chọn 3 ngành. Ly đã chọn Global Affairs (Các vấn đề toàn cầu), History (Lịch sử) và Ethics, Politics and Economics (Đạo đức, Chính trị và Kinh tế). Nữ sinh cho biết sẽ trải nghiệm trước khi chọn ra ngành phù hợp nhất với mình.