Năm ngôi trường hỗ trợ tài chính và học bổng cho Bùi Khánh Thy, học sinh lớp 12 trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, là Đại học Công giáo Texas, Đại học Knox, Depauw, Beloit và Denison. Mức hỗ trợ trong 4 năm dao động 146.000-186.000 USD (3,4-4,4 tỷ đồng).
Trong đó, Đại học Denison - ngôi trường ở vị trí 39 trong bảng xếp hạng đại học khai phóng Mỹ của US News & Report cấp mức cao nhất. Nữ sinh cho biết đang cân nhắc chọn ngành Truyền thông hoặc Kinh tế tại đây.
"Em xem kết quả vào Đại học Denison khi ngồi xe buýt đến trường. Dòng chữ Congratulations (chúc mừng) cùng pháo bông nở rộ trên màn hình khiến tâm trí em choáng ngợp, sau đó là thở phào vì những cố gắng đã có kết quả", Thy nhớ lại.
Học phí ở Denison khoảng 60.000 USD mỗi năm, chưa kể chi phí sinh hoạt nên bố mẹ Thy vẫn cần chi trả thêm để em theo học. Thy cho biết dù điều này nằm trong khả năng của gia đình, em vẫn định đi làm thêm để trau dồi kỹ năng mềm và thoải mái hơn trong vấn đề tài chính.
Từng có suy nghĩ đi du học nhưng cuối năm lớp 11, Khánh Thy mới nghiêm túc đặt mục tiêu và tìm người hướng dẫn (mentor). Sau buổi nói chuyện đầu tiên, Thy có phần nhụt chí.
"Em sốc vì nhận ra bản thân mình còn thiếu quá nhiều thứ", Thy kể, cho biết thời điểm đó chưa thi SAT, IELTS - hai bài thi chuẩn hóa quan trọng cho bộ hồ sơ ứng tuyển vào đại học Mỹ. Ngoài ra, hoạt động ngoại khóa của em không nổi bật, không có các giải thưởng về học thuật hay năng khiếu. Nữ sinh cũng chưa có ý tưởng cho bài luận, chưa biết nhờ ai viết thư giới thiệu.
Dù vậy, Thy dần lấy lại bình tĩnh lại, chọn thử sức. "Có thể em sẽ được học bổng hoặc sẽ thất bại nhưng nếu không thử chắc chắn em sẽ không bao giờ chạm được ước mơ của mình", nữ sinh chia sẻ, cho biết chọn ứng tuyển vào các đại học khai phóng vì quy mô lớp nhỏ, yên tĩnh, phù hợp với tính cách của em.
Việc không có điểm SAT ban đầu khiến Thy lo lắng về khả năng cạnh tranh của bộ hồ sơ. Khi tìm hiểu và biết nhiều đại học ở Mỹ không bắt buộc ứng viên phải có điểm SAT, Thy mạnh dạn bỏ qua bài thi này.
Lý giải thêm, Thy cho rằng nếu phải học, thi nhiều chứng chỉ trong khoảng thời gian ngắn có thể khiến em căng thẳng, lo lắng hơn. Cũng vì vậy, sau đó dù đạt điểm IELTS 7.0 chưa như mong đợi, Thy vẫn không thi thêm để tránh gây áp lực cho bản thân. Thay vào đó, nữ sinh dốc sức vào bài luận.
Nữ sinh được gợi ý rằng mỗi người đều là một cá thể đặc biệt, thay vì cố suy nghĩ làm sao để chứng minh mình đặc biệt, hãy tập trung vào những chi tiết nhỏ nhất làm nên con người mình. Cuối cùng, Thy chọn viết về những ước mơ từ thuở bé, những khoảnh khắc của em và mẹ.
Em kể lại quãng thời gian mẹ phải chắt chiu tiền sinh hoạt để đăng ký cho em theo các khóa học thêm, hay việc mẹ tặng những quyển sách mới với lời nhắn nhủ sách sẽ thay mẹ hỗ trợ em trong việc học vì kiến thức của mẹ không còn phù hợp.
"Những khoảnh khắc đó tạo cho em động lực vô hình, mỗi khi ngồi vào bàn học và đặt bút xuống, nó đều hiện lên trong đầu như một lời nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa", nữ sinh chia sẻ, cho biết hoàn thành bài luận trong một tháng.
Thy nhìn nhận đây cũng là giai đoạn căng thẳng nhất. Nữ sinh từng thử một vài ý tưởng, được đánh giá là độc đáo, thú vị, nhưng đều không phù hợp. Ngoài ra, kể cả khi đã có ý tưởng, việc diễn đạt thành lời một cách trọn vẹn không hề đơn giản. Nhiều lần nữ sinh phải đau đầu tìm từ tiếng Anh phù hợp để thể hiện ý mình định nói.
"Để biết mình có đang chọn đúng chủ đề bài luận hay không cần nhìn vào quá trình viết. Lúc viết bạn thoải mái, không phải khổ sở tìm cách triển khai thì bạn đã chọn được chủ đề phù hợp với mình", Thy nói.
Ngoài bài luận, Khánh Thy chủ động thay đổi vai trò của mình trong các câu lạc bộ, nhóm tình nguyện. Năm 2020, 2021, Thy làm tình nguyện viên một dự án dạy phụ đạo cho học sinh ở các mái ấm tình thương khu vực TP HCM. Năm 2022, em nhận vai trò ban tổ chức của dự án, chủ động tìm kiếm tình nguyện viên, điều phối nhân sự, gây quỹ, truyền thông. Theo nữ sinh, sự thay đổi này sẽ giúp hội đồng tuyển sinh đánh giá được sự phát triển và khả năng dẫn dắt của em trong các hoạt động cộng đồng.
Cùng với đó, Thy duy trì thành tích học tập ở trường với điểm GPA 9,4. Em nói không cảm thấy kiệt sức hay nặng nề vì làm mọi thứ với tâm thế chủ động. Khánh Thy cho rằng hội đồng tuyển sinh đã thấy sự quyết tâm, ý chí chinh phục ước mơ du học của em.
Đồng hành suốt ba năm phổ thông, cũng là người viết thư giới thiệu Thy, cô Lê Thiên Thư, giáo viên Sinh học trường Phổ thông Năng khiếu, nói ngay từ đầu cô đã có niềm tin vào học trò.
"Tôi không quá bất ngờ khi Thy trúng tuyển 5 trường, nhưng việc được cấp học bổng là vượt ngoài mong đợi", cô Thư nói, cho biết Thy là lớp trưởng rất nhiệt tình, chu đáo và nghiêm túc với mọi hoạt động. Em chưa bao giờ từ chối công việc chung của lớp, là thuyền trưởng trong các hoạt động, là cầu nối giữa giáo viên, nhà trường với các bạn trong lớp. Dù học lớp chuyên Sinh, lại định hướng theo khối kinh tế nhưng Thy luôn hoàn thành bài vở chỉn chu, chưa từng qua loa.
Nhìn lại hành trình 6 tháng chuẩn bị cho việc ứng tuyển du học, Thy nói có chút tự hào vì đã vượt qua nhiều trở ngại. Nữ sinh cũng nhận định du học sẽ là một thử thách bởi em sẽ độc lập hoàn toàn, phải chủ động để tìm kiếm cơ hội, buộc phải thoát ra khỏi vỏ bọc, vòng an toàn của mình.
"Cảm giác biết sẽ có nhiều điều mới mẻ đang chờ mình khiến em rất phấn khích, mong chờ hành trình phía trước", Thy nói.
Nhật Lệ