Nguyễn Thị Ngọc Lan (cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân) đã trúng tuyển bậc thạc sĩ 8 trường đại học của vương quốc Anh, trong đó 5 trường đồng ý tài trợ học bổng. Là một trong năm sinh viên thế giới nhận học bổng toàn phần Think Big Scholarship của Đại học Bristol (Anh), Ngọc Lan sẽ nhập học ngành Kế toán kiểm toán tại ngôi trường này vào tháng 9.
Cô gái sinh năm 1997, quê Hải Dương, chia sẻ thành tích học tập đại học, các công trình nghiên cứu khoa học và bài luận được đầu tư là ba yếu tố chính giúp cô đạt được thành tích này.
Đối với những sinh viên Việt Nam có dự định học thạc sĩ tại Anh, Ngọc Lan cho rằng không quan trọng bạn học ngành nào, trường nào, nhưng việc chuẩn bị cần ít nhất hai năm với việc đầu tiên là cải thiện thành tích học tập. "Mình bắt đầu có ý định đi du học từ năm hai đại học. Thời điểm đó, điểm của mình trên lớp chỉ là 2.8/4.0 và mình hiểu để có thể đến Anh sau khi tốt nghiệp thì phải thay đổi từ bây giờ", tân sinh viên Đại học Bristol chia sẻ.
Sau hai năm nỗ lực, trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Kinh tế quốc dân, Ngọc Lan nhận bằng xuất sắc với điểm trung bình 3,75 hệ 4 và 8,96 hệ 10.
Nếu như không phải một người có kết quả học tập nổi bật, Ngọc Lan khuyên ứng viên nên tích cực tham gia hoạt động xã hội, giúp ích cho cộng đồng để trau dồi các kỹ năng khác. Trường đại học châu Âu đánh giá cao sinh viên tham gia hoạt động thể thao, văn hóa xã hội bởi họ cho rằng người như vậy mới có thể làm lãnh đạo hoặc cống hiến cho cộng đồng sau này.
Để hoàn thiện hồ sơ xin học bổng một cách ấn tượng, bài luận được chuẩn bị chu đáo cũng sẽ là "vũ khí" sắc bén cho ứng viên. Từ kinh nghiệm của bản thân, Ngọc Lan đánh giá điểm khác biệt lớn nhất giữa hồ sơ xin học bổng Anh và Mỹ chính là văn phong bài luận. Nếu như Mỹ đề cao sự sáng tạo và cái tôi cá nhân, thí sinh có thể kể về bất cứ điều gì mình muốn trong bài luận, thậm chí là vẽ hay làm thơ, thì các trường đại học Anh không đánh giá cao điều đó.
Bài luận để xin học bổng của xứ sở sương mù cần trả lời ngắn gọn ba câu hỏi chính nhà trường đưa ra: "Tại sao bạn chọn chúng tôi?", "Tại sao chúng tôi nên tài trợ học bổng này cho bạn?" và "Bạn sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp?". "Tùy vào yêu cầu của từng trường mà bạn sẽ phải trả lời mỗi câu hỏi trong một đoạn văn 200 chữ hoặc viết một bài luận 600-750 chữ cho cả ba câu hỏi", Lan nói.
Ngọc Lan đã phải sửa hàng chục lần bài luận trong hơn 3 tháng. Cô nhớ lại từng có bài cảm thấy rất tâm đắc và ưng ý, nhưng khi gửi cho một người chị có kinh nghiệm du học Anh, chị ấy khuyên nên viết lại toàn bộ. "Khi đó mình rất sốc và thất vọng, nhưng nếu không sửa thì chắc mình đã không giành được nhiều học bổng đến vậy", Lan kể.
Một điểm sáng trong hồ sơ xin học bổng thạc sĩ của cô là sáu đề tài khoa học. Trường đại học ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung đánh giá rất cao các công trình nghiên cứu khoa học sinh viên từng thực hiện. "Khi nộp hồ sơ cho Đại học Bristol, điểm IELTS của mình là 6.5 trong khi mức tối thiểu trường yêu cầu là 7.0. Tuy nhiên, mình vẫn được trường đồng ý tài trợ học bổng và cho cơ hội cải thiện điểm IELTS là nhờ 6 đề tài khoa học đã hoàn thành", Lan chia sẻ.
Hàng năm, các trường đại học tại Việt Nam thường phát động chương trình nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên. Ngọc Lan cho rằng đây là cơ hội tốt để học hỏi và làm dày dặn thành tích cá nhân của sinh viên đặt mục tiêu du học. Nếu công trình nghiên cứu chất lượng, sinh viên có thể gửi đăng lên tạp chí khoa học uy tín thế giới. Đây là điểm cộng lớn cho hồ sơ xin học bổng thạc sĩ tại Anh.
Quá trình tham gia các dự án khoa học, sinh viên có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ nhiều giảng viên có chuyên môn cao. Thầy cô sẽ là cố vấn trong quá trình sinh viên xin học bổng, hoặc có thể sẽ chính là người viết thư giới thiệu.
Nguyễn Thị Ngọc Lan đã có 6 công trình nghiên cứu được xuất bản, trong đó một công trình đăng trên tạp chí trong nước, ba công trình được đăng trong ba hội thảo khoa học quốc tế ICAFB, ICFAA, CIEMB, hai công trình đã được xuất bản trên tạp chí khoa học quốc tế.
Ngoài ra, Lan đã vượt qua hơn 1.000 thí sinh để giành chiến thắng trong cuộc thi Asean Integration Scholarship do FTMS, KPMG và ACCA tổ chức.
Cũng trong năm 2019, Ngọc Lan đỗ vào 8 trường đại học tại Anh và một trường tại Australia là Đại học Melbourne (top 1 ở Australia, top 32 thế giới), nhận học bổng Global Graduate Merit Scholarship, Đại học Bristol (top 10 UK, top 50 thế giới).
Bảy trường đại học tại Anh Lan trúng tuyển, nhưng từ chối là Leeds, Nottingham, Huddersfield, Stirling, Belfast, Liverpool và Birmingham.
Thanh Hằng