Đào Thị Thủy Tiên, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ may của trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP HCM, là một trong 20 người nhận giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam 2023.
"Giải thưởng là sự ghi nhận rất ý nghĩa cho nỗ lực suốt bốn năm đại học, là minh chứng cho thấy con đường mình chọn là đúng", Tiên chia sẻ.
Từng thuộc top đầu ở trường phổ thông, đạt giải ba cấp tỉnh về thực hành Hóa học, nhiều người nghĩ Tiên sẽ chọn ngành Y hoặc Sư phạm nhưng cô lại chọn ngành Dệt may. Tiên lý giải dệt may, da giày là lĩnh vực có nhu cầu lao động cao, mục tiêu của cô đơn giản là ra trường có việc làm ổn định, đỡ đần bố mẹ. Trong khi đó, ngành Y có thời gian học dài, ngành Sư phạm thì thu nhập không cao, theo nhìn nhận Tiên.
Khi biết Tiên học ngành Công nghệ may, nhiều bạn bè chê cười, so sánh. Lựa chọn này cũng trái với kỳ vọng nhưng bố mẹ Tiên để con gái tự quyết định.
"Sự tôn trọng và tình yêu thương của bố mẹ là động lực để mình chứng minh lựa chọn này là đúng", Tiên nói.
Học đến năm thứ hai, Tiên nhận ra ngành Công nghệ may có nhiều hướng phát triển, không chỉ gói gọn trong quần áo, thêu dệt mà còn liên quan đến Y học, Điện tử, Hàng không, Môi trường. Ngoài ra, câu chuyện từ một đàn chị cùng ngành được đi trao đổi ở nhiều nước, tích cực nghiên cứu khoa học và giỏi tiếng Anh đã truyền cảm hứng, giúp Tiên vượt qua những suy nghĩ hạn hẹp về ngành. Nữ sinh vạch ra mục tiêu nâng cao vốn tiếng Anh và chủ động liên hệ với thầy cô để được tham gia nghiên cứu khoa học.
Tiên được thầy cô giới thiệu vào dự án phi lợi nhuận về "Đệm dành cho người già, trẻ em và người khuyết tật với có khả năng kháng khuẩn nhờ thuốc nhuộm chiết xuất từ cây cỏ lào" ở vai trò hỗ trợ nghiên cứu.
Nhóm thực hiện nghiên cứu tại cơ sở quận 10 của trường trong khi Tiên học ở cơ sở Dĩ An (Bình Dương). Để tham gia, Tiên phải đi đi về về giữa hai nơi, cách nhau hơn 20 km mỗi ngày. Chưa kể, cô nhiều lần nản lòng vì kết quả thực nghiệm không đồng nhất hoặc khác với lý thuyết.
"Như khi đo độ kháng khuẩn của thuốc nhuộm thì kết quả của 4 lần trước tương đương với nhau nhưng lần thứ 5 thì kết quả thấp hơn nhiều mà không biết mình sai ở đâu", Tiên kể, cho biết may mắn được thầy cô và các anh chị cùng nhóm nghiên cứu hướng dẫn, chỉ ra chỗ sai để làm lại.
Tiên được trải nghiệm toàn bộ quy trình nghiên cứu, từ thu mua nguyên liệu, hóa chất, xử lý vật liệu, thiết kế và mang sản phẩm thử nghiệm thực tế. Sau dự án đầu tiên, nữ sinh được thầy cô tin tưởng cho tham gia nhiều đề tài. Hiện, Tiên là đồng tác giả của một số bài báo khoa học đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, liên quan đến vật liệu và thuốc nhuộm dệt may có nguồn gốc sinh học, hướng đến bảo vệ môi trường.
Với tiếng Anh, Tiên có xuất phát điểm khiêm tốn khi chỉ đạt 6,5 điểm thi tốt nghiệp THPT và TOEIC 380/990 ngày mới nhập học. Sau khi tìm hiểu, Tiên đăng ký khóa học IELTS của trường với đầu ra 5.5, sau đó dành 9 tháng trong thời gian dịch Covid-19 để tự ôn thi. Kết quả, đầu năm ngoái, nữ sinh đạt điểm IELTS 7.5.
"Các khóa học IELTS thường đắt tiền nên em đăng ký học ở trường cho tiết kiệm, sau đó tự ôn. Mỗi khi lười em lại tự động viên phải cố, nếu không những kiến thức, công sức, tiền bạc bỏ ra trước đó lại đổ sông đổ biển", nữ sinh chia sẻ.
Thủy Tiên còn được bạn bè gọi là "thợ săn học bổng". Với điểm trung bình 3,8/4, ngoài học bổng khuyến khích học tập của trường nhiều kỳ liên tiếp, nữ sinh còn nộp hồ sơ và trúng 17 học bổng khác.
Cách của Tiên là khoanh vùng những học bổng trong lĩnh vực kỹ thuật, dệt may, môi trường. Trước khi ứng tuyển, nữ sinh xem yêu cầu đặc thù, tiêu chí của mỗi loại học bổng để chỉnh sửa hồ sơ cho phù hợp.
"Em đầu tư làm hồ sơ học bổng lần đầu thật tốt, những lần sau chỉ cần chỉnh sửa lại nên không mất nhiều thời gian. Không phải là tiêu chí bắt buộc nhưng nếu có Tiếng Anh tốt và tham gia nghiên cứu khoa học là một điểm cộng khi đăng ký các học bổng", Tiên đúc kết.
"Trái ngọt" tiếp tục đến với Tiên vào đầu năm thứ tư khi cô giành được học bổng trao đổi ngắn hạn tại Singapore và Mỹ, tham gia triển lãm thiết bị dệt may lớn nhất thế giới ở Italy. Chuyến trao đổi ngắn hạn ở Singapore cũng là lần đầu Tiên được đi máy bay, ra nước ngoài và giao lưu với bạn bè quốc tế.
Nữ sinh nói điều này không chỉ giúp mở mang kiến thức mà còn là cơ hội để Tiên nâng cao kỹ năng mềm như cách đặt câu hỏi, làm việc nhóm, mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ ý kiến, phản biện.
Ngoài năng lực học tập tốt, PGS Bùi Mai Hương, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Dệt may, đánh giá cao tư duy quốc tế và ý chí nỗ lực của Thủy Tiên. Nữ sinh tự trau dồi tiếng Anh, sớm tìm kiếm cơ hội học tập, giao lưu quốc tế và mạnh dạn tham gia nhóm nghiên cứu chuyên sâu về vật liệu dệt, thử sức với tạp chí khoa học quốc tế. PGS Hương cho rằng đây là những điểm mạnh để Tiên tiến xa hơn về sau.
Thủy Tiên nhìn nhận hành trình vừa qua đã thay đổi tư duy của bản thân. Từ dự định ban đầu là học để có công việc ổn định, giờ đây Tiên mong có thể nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của ngành và xã hội. Nữ sinh dự định đi làm trong ngành dệt may sau khi tốt nghiệp để lấy kinh nghiệm thực tế, sau đó học lên cao hơn.
"Được học hỏi từ những anh chị, thầy cô giỏi đã thôi thúc mình làm gì đó lớn lao hơn, giúp em hiểu ra bất kể học ngành gì cũng không được tự xem thường bản thân mà hãy phấn đấu trở thành người giỏi trong lĩnh vực của mình", Tiên chia sẻ.
Lệ Nguyễn