Thảo Anh, cựu học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hoàn thành nộp hồ sơ ứng tuyển đại học vào đầu tháng 5. Nữ sinh trúng tuyển 17 trường, cả ở Anh, Mỹ và Nhật Bản.
Riêng ở Mỹ, 11 trường cấp cho em học bổng, mức cao nhất là 46.500 USD (gần 1,1 tỷ đồng) một năm, trong 5 năm, đến từ Đại học Tufts - trường ở vị trí thứ 32 trong bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News.
Tuy nhiên, Thảo Anh quyết định theo học Rhode Island School of Design - RISD. Đây là ngôi trường đứng thứ ba thế giới về nghệ thuật và thiết kế, cũng là trường đào tạo nghệ thuật số 1 ở Mỹ, theo QS 2023.
"Nếu học các trường khác, em sẽ học thiên về thiết kế, sau đi làm chủ yếu theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng thứ em muốn là được tự do sáng tạo và thực hành nghệ thuật nên đã chọn RISD", Thảo Anh chia sẻ.
Với lựa chọn này, gia đình em phải chi trả toàn bộ học phí và sinh hoạt phí một năm. Trường này không cấp học bổng cho sinh viên quốc tế.
Thảo Anh được mẹ cho học nhiều môn nghệ thuật từ nhỏ và sớm bộc lộ năng khiếu vẽ. Đến cuối cấp THCS, cô giáo Mỹ thuật gợi ý em vẽ tranh làm triển lãm gây quỹ từ thiện. Cũng từ đó, Thảo Anh muốn được du học và theo đuổi ngành Nghệ thuật ở bậc đại học. Từ học kỳ II lớp 11 ở trường Hà Nội - Amsterdam, em tập trung cho mục tiêu này.
Do nộp hồ sơ vào các trường ở nhiều quốc gia, Thảo Anh phải tìm hiểu nhiều vì yêu cầu ở mỗi nơi khác nhau. Trong đó, yêu cầu của các đại học Mỹ thường nhiều nhất.
Ngoài chứng chỉ, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa, bài luận như mọi học sinh ứng tuyển các ngành khác, Thảo Anh phải chuẩn bị thêm hồ sơ nghệ thuật.
Hồ sơ nghệ thuật của Thảo Anh gồm 21 tác phẩm ở nhiều chủ đề, từ thể hiện tính cách của một người hướng nội, nhiều suy nghĩ, khó đưa ra quyết định; đến những bức tranh mang tính xã hội, giới thiệu vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam.
"Em đã đầu tư rất nhiều cho bộ hồ sơ nghệ thuật bởi chắc chắn nó là yếu tố quyết định trúng tuyển hay không", Thảo Anh nói.
Trước khi bắt tay vào làm, nữ sinh dành hàng tháng xem các video trên Youtube để tham khảo. Do hay vẽ bằng chì, sáp màu hay màu nước, mùa hè năm ngoái, Thảo Anh đi học thêm cách làm gốm, vẽ lụa, làm sơn mài, sơn dầu, in khắc và nghệ thuật sắp đặt để tạo ra những bức tranh từ nhiều chất liệu.
Học thêm nhiều thứ đồng nghĩa Thảo Anh phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu và thực hành. Như khi học vẽ sơn mài, ngày ngày em ngồi trong xưởng lợp mái tôn, không điều hòa và nồng nặc mùi sơn ở làng nghề sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín.
Với cô gái lớn lên ở trung tâm thủ đô, những công việc này có phần khó khăn. Nhưng, việc khó nhất với Thảo Anh là tìm ý tưởng mới và tìm cách để tác phẩm mang lại cảm xúc cho người xem. Với một bức tranh lụa, em mất hơn 100 tiếng để hoàn thành.
"Khi mới xem trên Youtube, em nghĩ tạo ra tranh đẹp là được. Nhưng càng xem, em thấy việc đưa vào tranh những ý niệm, câu chuyện quan trọng hơn", Thảo Anh nói, nhìn nhận trường nghệ thuật của Mỹ rất coi trọng ý tưởng. Họ cũng tin logic tư duy và câu chuyện, trải nghiệm của mỗi sinh viên là điều có thể hoặc không đào tạo được, khác với kiến thức hay kỹ thuật.
Trong hồ sơ nghệ thuật, ngoài tác phẩm mới với đa dạng chất liệu, Thảo Anh đưa vào một số tranh được vẽ vào cuối 2021, đầu 2022.
Từ gợi ý của cô giáo Mỹ thuật hồi cấp 2, Thảo Anh cùng một người bạn tổ chức triển lãm gây quỹ hỗ trợ những em nhỏ khó khăn ở Tây Bắc. Em và bạn mất một năm chuẩn bị, từ đi Lào Cai để có góc nhìn thực tế, có ý tưởng vẽ tranh và chất liệu để xây dựng fanpage, đến tạo ra các tác phẩm và tổ chức sự kiện.
Buổi triển lãm với 21 tác phẩm về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số được tổ chức vào tháng 4 năm ngoái. Tranh được bán hết và thu về gần 350 triệu đồng.
Triển lãm vốn xuất phát từ mong muốn cá nhân lại giúp hồ sơ du học mạnh hơn. "Nó là hoạt động ngoại khóa cho nhà tuyển sinh thấy em có đam mê, khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề và sẵn lòng giúp đỡ cộng đồng", Thảo Anh nhận định.
Chị Hồng Vũ, người hướng dẫn Thảo Anh làm hồ sơ du học, đánh giá nữ sinh cần mẫn, tỉ mẩn và luôn mong muốn sự hoàn hảo. Khi viết một bài luận xoay quanh tục cúng cô hồn, Thảo Anh đã dành một tháng tham dự các talkshow, buổi trình diễn, nghe người nước ngoài nói về đề tài này để có cái nhìn đa chiều.
"Kết hợp với khả năng nghệ thuật và tri thức sẵn có, Thảo Anh đã hoàn thành bài tiểu luận 4 trang về vấn đề này bằng tiếng Anh, cực kỳ đầy đủ và sâu sắc", chị Hồng nói.
Sang Mỹ vào tháng 8, Thảo Anh dự định trau dồi thêm kiến thức liên ngành, bên cạnh phát triển nghệ thuật.
"Một bác họa sĩ nói với em rằng nghệ sĩ cũng giống như người hoạt động xã hội, cần biết nhiều kiến thức về xã hội, lịch sử, triết học mới có thể làm tốt được. Em cũng muốn mình trở thành nghệ sĩ có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng", Thảo Anh nói.