Tờ CNN khẳng định "2018 là năm của phụ nữ". Trong khi đó, trang từ điển trực tuyến lớn nhất nước Mỹ Merriam-Webster thống kê "feminism" (nữ quyền) là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất năm 2017. Biểu hiện rõ nhất của tiếng nói nữ quyền cất lên mạnh mẽ thời gian qua là nhiều thủ lĩnh thời trang là nữ. Maria Grazia Chiuri - nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior - được Vogue ghi nhận thành công trong việc tái định nghĩa thương hiệu. Nhà mốt từ đặc tính xa hoa, lộng lẫy đã trở nên mạnh mẽ, gai góc hơn khi đề cập tính nữ.
Trong bộ sưu tập Xuân Hè 2017, Chiuri thành công với điểm nhấn slogan "We Should All Be Feminists" (Chúng ta nên là người đấu tranh nữ quyền), lấy từ bài diễn thuyết cùng tên của nhà văn người Nigeria - Chimamanda Ngozi Adichie. Đi theo đó là những chiếc túi "DIO(R)EVOLUTION" hay "J’adior" mất hẳn vẻ yểu điệu thường thấy. Mùa Thu Đông 2017, Dior tiếp tục tung ra bộ sưu tập xanh navy mang hình ảnh phụ nữ thời chiến, lấy cảm hứng từ Catherine Dior - em gái của người sáng lập nhà mốt và cũng là người từng tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã. Denim và vải dù, chất liệu mạnh mẽ, lần đầu đi vào các thiết kế của hãng.
Với bộ sưu tập Xuân Hè 2018, tinh thần nữ quyền thể hiện trên chiếc áo thun kẻ ngang in khẩu hiệu "Why have there been no great women artists?" (Tại sao không còn nữ nghệ sĩ vĩ đại nào nữa?) - lấy từ tiêu đề bài luận của nhà sử học nghệ thuật người Mỹ Linda Nochlin. Trong bộ sưu tập Thu Đông 2018, bà tiếp tục đưa khán giả về thập niên 1960 với những cuộc biểu tình sôi nổi về nữ quyền, sự công bằng và dân chủ với khẩu hiệu "Quyền phụ nữ là quyền của nhân loại".
Sau Dior, Lanvin cũng "thay máu" tượng đài 14 năm Alber Elbaz bằng một nhà thiết kế vốn chuyên làm đồ nam và thể thao: Bouchra Jarrar. Với một thương hiệu luôn đề cao sự nữ tính như Lanvin, quyết định đưa đồ da và vest vào bộ sưu tập đã thể hiện tiếng nói nữ quyền kín đáo nhưng mạnh mẽ của người đứng đầu. Bộ sưu tập Xuân hè 2018 của Vera Wang và Preen đều lấy cảm hứng từ hình ảnh hầu gái trong The Handmaid’s Tale - series phim truyền hình Mỹ ấn tượng nhất năm 2017 nói về chủ đề này.
Giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton - Nicolas Ghesquiere - hưởng ứng phong trào này bằng những thiết kế mang cảm hứng vị lai từ hình ảnh công chúa Leia trong Star Wars. Nhà thiết kế Jonathan Anderson chia sẻ "nàng thơ" mới của anh là người phụ nữ quyền lực Christine Lagarde - giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Ở Việt Nam, nhiều nhà thiết kế nam cũng đưa nữ quyền vào bộ sưu tập. Cuối năm 2017, Công Trí đưa cuộc nổi loạn của phái đẹp vào Thứ Sáu của chị. Bộ sưu tập khuyến khích phụ nữ trút bỏ mọi nguyên tắc, khuôn khổ của đồng phục sau một tuần làm việc căng thẳng, tận hưởng một ngày thứ sáu đúng nghĩa "hôm nay là ngày của Chị, Chị đẹp Chị có quyền".
Chung Thanh Phong thể hiện sự kiên định theo đuổi tư tưởng đấu tranh cho nữ quyền kể từ show đầu tiên vào năm 2015 đến nay. Thiên thần và Ác quỷ kêu gọi "Đừng đánh giá phụ nữ qua vẻ ngoài", Love your body, be yourself cổ vũ tư tưởng "hãy luôn yêu số đo ba vòng của bạn", She's A Goddess truyền tải "Bản lĩnh là vũ khí lợi hại nhất của phái đẹp". Hồi tháng 7, chủ đề này cũng là cảm hứng để Lê Thanh Hòa thực hiện bộ sưu tập xanh ngọc lục bảo họa tiết lá, với hình ảnh người mẫu Thanh Hằng dắt ngựa máy vòng quanh sân khấu.
Không chỉ lan tỏa trên các sàn diễn, thời trang còn mượn sức ảnh hưởng của làng giải trí để phát đi thông điệp bình đẳng giới. Minh tinh Natalie Portman, Jennifer Lawrence, Bella Hadid, Rihanna hay Madonna đồng loạt diện áo mang thông điệp nữ quyền của Dior và Prabal Gurung. Chiến dịch mặc áo thun in slogan "This Is What A Feminist Looks Like" (Đây là chân dung của một người đấu tranh cho nữ quyền) - sản phẩm hợp tác giữa Faucette Committee, Elle và Whistles - được nhiều sao Hollywood đón nhận. Trong đó có cả các gương mặt quý ông quen thuộc: Benedict Cumberbatch, Tom Hiddleston, Eddie Redmayne...
Kira Cochrane, tác giả của cuốn All the Rebel Women: The Rise of the Fourth Wave of Feminism, nhận định làn sóng nữ quyền trỗi dậy mạnh mẽ còn nhờ công nghệ thông tin, mạng xã hội. Trong các bộ ảnh thời trang đường phố, các cô gái lăng xê xu hướng power dressing (trang phục quyền lực) trước nay vốn dành cho đàn ông như pantsuit, vest-suit quá khổ, áo khoác độn vai, quần ống loe... thể hiện ý chí của phái nữ muốn thoát khỏi sự ràng buộc xã hội.
Nữ quyền còn thể hiện thông qua những làn sóng đấu tranh, tố cáo và tẩy chay nhân vật liên quan đến lạm dụng tình dục. Tiêu biểu nhất là lời kêu gọi chia sẻ câu chuyện liên quan đến nạn xâm hại tình dục trong làng mốt trên mạng xã hội, do người mẫu Cameron Russell khởi xướng với hashtag #MyJobShouldNotIncludeAbuse (Nghề của tôi không bao gồm việc bị lạm dụng). Chiến dịch nhận được sự ủng hộ của nhiều chân dài nổi tiếng: siêu mẫu Naomi Campbell, Tyra Banks, Edie Campbell, Sara Sampaio...
Hashtag #MeToo (Tôi cũng vậy) của nhóm "The Silence Breakers" (Những người phá vỡ sự im lặng) trở thành phong trào đấu tranh chống lạm dụng tình dục trên toàn cầu. Những cái tên nổi tiếng và quyền lực lần lượt bị các nạn nhân đưa ra như nhiếp ảnh gia Terry Richardson, Bruce Weber, Mario Testino...
Trong quá khứ, chủ nghĩa nữ quyền trong thời trang nhiều lần manh mún xuất hiện. Ở thập niên 1920, váy flapper ra đời như một tuyên ngôn giải phóng cho vòng eo của phái nữ. Huyền thoại Coco Gabriel Chanel tiên phong trong cuộc cách mạng nữ quyền của làng mốt bằng việc giải phóng phụ nữ khỏi chiếc corset gò bó. Bà "xé rào" định kiến khi cắt ngắn những bộ đầm lên trên gối. Hơn ba chục năm sau, Le Smoking của Yves Saint Laurent - bộ suit đầu tiên dành cho phái đẹp, lấy cảm hứng từ phong cách cá tính của người mẫu Betty Catroux - đã trở thành hiện tượng đánh dấu cột mốc chuyển mình cho phong trào bình đẳng giới trong thời trang.