"Đây là một vinh dự lớn và cũng là một trọng trách lớn đối với tất cả chúng tôi. Tôi hiểu rằng mình phải làm thật tốt", thiếu úy Shivangi nói trước khi dự lễ nhận huy hiệu phi công và tham gia lực lượng không quân hải quân Ấn Độ hôm 2/12.
Shivangi hoàn thành khóa đào tạo cơ bản tại Học viện Hải quân Ấn Độ năm 2018, từng tham gia huấn luyện cùng phi đội không quân hải quân Ấn Độ INAS 550 ở Kochi, phía tây nam bang Kerala.
Sau khi gia nhập lực lượng không quân hải quân Ấn Độ, Shivangi được giao nhiệm vụ lái chiếc Dornier, máy bay vận tải và trinh sát hàng hải của hải quân Ấn Độ, cất hạ cánh trên bờ thay vì trên tàu sân bay.
"Chúng tôi cũng sử dụng máy bay này để cứu hộ, sơ tán y tế hoặc các nhiệm vụ tương tự khi có yêu cầu. Do đó, tôi sẽ trở thành một phần của những nhiệm vụ đó", Shivangi cho biết.
Theo trung tá Sridhar Warrier, sĩ quan phụ trách quan hệ báo chí của hải quân Ấn Độ, loại máy bay Dornier do Shivangi điều khiển có khả năng "trinh sát trên một vùng biển rộng lớn và kịp thời cung cấp thông tin về dấu hiệu đáng ngờ của các tàu cũng như các hoạt động khả nghi khác trong khu vực".
Shivangi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Muzaffarpur, phía đông bang Bihar, cho biết cô muốn trở thành phi công từ khi còn là một cô bé.

Thiếu úy Shivangi ngồi trong buồng lái chiếc máy bay Dornier. Ảnh: CNN.
"Năm 10 tuổi, tôi đang ở nhà ông nội và có một số bộ trưởng tới đây gặp người dân. Tôi đã cùng ông nội đi tới chỗ họ và nhìn thấy một phi công đang điều khiển trực thăng. Hình ảnh đó đã truyền cảm hứng cho tôi nghĩ rằng sau này mình cũng được điều khiển một chiếc như vậy", Shivangi kể lại.
Sau khi lấy bằng kỹ sư cơ khí tại Đại học Công nghệ Sikkim Manipal, Shivangi tiếp tục học thạc sĩ tại Viện Công nghệ Quốc gia Malaviya ở Jaipur. Chính tại đây, cánh cửa vào lực lượng hải quân đã mở ra với cô gái này khi một sĩ quan tới trường cô tuyển sinh.
"Họ đã chia sẻ với chúng tôi mọi thứ về cuộc sống trong lực lượng hải quân, và tất cả điều đó đã trở thành động lực thúc đẩy tôi", Shivangi chia sẻ về lý do cô quyết định nghỉ học để gia nhập hải quân.
Shivangi cho biết các khóa huấn luyện trong hải quân không dễ dàng, nhưng cô đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phi đội INAS 550 ở Kochi.
"Mọi người ủng hộ tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là người phụ nữ duy nhất ở đây, bởi tất cả thành viên trong phi đội luôn sát cánh bên tôi và hướng dẫn rất tận tình", Shivangi cho hay.
Shivangi không phải nữ phi công duy nhất tham gia vào lực lượng vũ trang Ấn Độ. Năm 2016, không quân Ấn Độ lần đầu tiên tuyển nữ phi công. Đến tháng 5, trung úy Bhavana Kanth trở thành nữ phi công đầu tiên đủ điều kiện lái máy bay tiêm kích để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của không quân Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ dự kiến có thêm hai nữ phi công vào ngày 21/12. Tuy nhiên, ba nữ phi công của lực lượng này, trong đó có Shivangi, sẽ chưa được điều khiển máy bay cất hạ cánh trên tàu sân bay.
"Hiện tại, hải quân Ấn Độ vẫn chưa sẵn sàng để các nữ phi công lên tàu sân bay, bởi điều đó yêu cầu một số thay đổi về thiết kế và cơ sở hạ tầng trên tàu. Chúng tôi cần có thêm thời gian", trung tá Warrier cho biết. "Tới khi các tàu sân bay sẵn sàng đón nữ phi công, hải quân đã vượt qua những giới hạn đặt ra trước đó về tuyển mộ quân nhân. Sau này, chúng tôi có thể sẽ tuyển các nữ quân nhân trong nhiều lĩnh vực khác".

Thiếu úy Shivangi (giữa) đứng cùng 2 đồng đội trong lực lượng không quân hải quân Ấn Độ. Ảnh: ANI.
Hải quân Ấn Độ đã chấp nhận cho phụ nữ tham gia lực lượng từ nhiều thập kỷ trước, nhưng chỉ phục vụ trong lĩnh vực y tế. Kể từ tháng 7/1992, phụ nữ đã được tham gia vào nhiều vai trò khác nhau trong lực lượng như kiểm soát không lưu, đào tạo và huấn luyện, hậu cần...
"Trước đây, phụ nữ được tham gia chiến đấu nhưng họ không trực tiếp ngồi trong buồng lái. Thay vào đó, họ phụ trách về chiến thuật, điều khiển vũ khí, trở thành con mắt và đôi tay cho các phi công và máy bay chiến đấu", Warrier nói. "Nhưng giờ đây, mọi thứ đã thay đổi khi phụ nữ đã sẵn sàng trong buồng lái".
Shivangi cho biết việc trở thành nữ phi công đầu tiên của hải quân Ấn Độ là một vinh dự lớn nhưng cũng có rất nhiều áp lực. "Bạn biết đấy, bất kỳ người đầu tiên trong lĩnh vực nào đều mang theo rất nhiều kỳ vọng. Điều đó đồng nghĩa cũng sẽ có rất nhiều áp lực", Shivangi chia sẻ.
Dữ liệu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết lực lượng hải quân của nước này có 735 vị trí phi công, nhưng hiện mới chỉ tuyển được 644 người. Lực lượng này có hơn 200 máy bay các loại, bao gồm tiêm kích MIG 29-K, máy bay tuần thám P-8I, trực thăng và máy bay trinh sát hàng hải.
Thanh Tâm (Theo CNN)