Năm 1961, nữ phi công Wally Funk mặc bộ đồ tắm một mảnh và bước vào một chiếc bồn cách ly tối đen như mực. Cô gái 22 tuổi phải chứng tỏ rằng bản thân có thể chịu đựng được nỗi cô đơn trong không gian. Funk muốn chứng minh phụ nữ hoàn toàn có khả năng trở thành phi hành gia ở vào thời kỳ mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chưa chấp nhận thực tập sinh nữ.
Để thuyết phục NASA, Funk biết rằng bà sẽ phải bám trụ lâu hơn các nam phi hành gia khác. Thay vì nổi trong một bồn nước tối, những người đàn ông ngồi trong một căn phòng không có ánh sáng, mang theo giấy và bút để không cảm thấy buồn chán. Không ai trong số họ kéo dài được lâu hơn ba tiếng.
Các nhà nghiên cứu đằng sau cuộc thử nghiệm cho rằng không ai có thể chịu được trong bể cách ly hơn 6 tiếng. Nhưng 6 tiếng trôi qua và Funk vẫn không có dấu hiệu bỏ cuộc. Cuối cùng, họ phải kéo bà khỏi bốn chứa dù Funk khẳng định vẫn tiếp tục được.
Wally Funk đã phá kỷ lục. Bà trôi nổi, một mình, trong 10 tiếng 35 phút. Nhưng NASA chưa bao giờ đưa bà lên vũ trụ. Thay vào đó, Funk phải tự mình tìm cách. Và vào ngày 20/7/2021, bà đã bay vào không gian cùng tỷ phú Amazon Jeff Bezos trên tên lửa New Shepard của ông, trở thành người lớn tuổi nhất từng bay vào vũ trụ.
Wally Funk tên đầy đủ là Mary Wallace Funk. Sinh năm 1939, bà bắt đầu sự nghiệp bay lượn từ rất sớm. Lúc một tuổi, bà từng bám vào bánh máy bay Douglas DC-3 khi cha mẹ bà đưa con gái đến tham quan một sân bay ở New Mexico.
"Tôi đến thẳng bánh máy bay và cố vặn đai ốc", Funk kể. Mẹ bà lúc đó quả quyết: "Con bé sẽ bay lượn trên trời".
Bà leo lên buồng lái cho bài học bay đầu tiên của mình lúc 9 tuổi. Khi mới là một thiếu nữ, Funk có được bằng lái máy bay. Bà chọn theo học Đại học Bang Oklahoma để có thể tham gia đội bay ở ngôi trường này.
Sau khi tốt nghiệp, Funk trở thành nữ huấn luyện viên bay duy nhất tại một căn cứ quân sự của Mỹ.
"Tôi đã làm mọi thứ mà mọi người không nghĩ rằng một cô gái có thể làm được", bà nói. "Không có gì tôi không thể làm".
Vào một ngày nọ, khi đang đọc cuốn tạp chí Life, Funk bắt gặp bài viết về Jerrie Cobb, nữ phi công lúc bây giờ đang tham gia các bài kiểm tra phi hành gia của NASA.
Funk đọc ngấu nghiến bài viết và biết rằng bà phải tham gia khoa đào tạo thực tập sinh "phi hành gia nữ".
Funk không chờ đợi thư mời từ chương trình. Bà đã tự viết thư trực tiếp cho nhà nghiên cứu đứng sau cuộc thử nghiệm, Randy Lovelace.
Lovelace đã thiết kế các bài kiểm tra phi hành gia của NASA và muốn tìm hiểu xem liệu phụ nữ có thể làm phi hành gia giỏi hơn nam giới hay không.
Năm 1961, Lovelace mời Funk, khi đó mới 22 tuổi, tham gia nghiên cứu. Bà bỏ lại mọi thứ và lao đến Albuquerque.
Các bài kiểm tra trong vòng sàng lọc đầu tiên bao gồm chụp X-quang, khám sức khỏe tổng quát và một thử thách mà Funk phải trải qua là nuốt ống cao su dài cả mét. Các nhà nghiên cứu cũng phun nước đá vào trong tai bà để gây chóng mặt.
Funk không phàn nàn nửa lời. Bà thực sự muốn bay vào không gian.
Vài tháng sau khi vượt qua vòng đầu tiên, Funk bay đến thành phố Oklahoma để tham gia vòng tuyển chọn thứ hai. Đó là nơi bà bước vào bể cách ly. Khi bà nổi lên, các nhà nghiên cứu đã hỏi "Cô có muốn bay vào vũ trụ không?". Funk dõng dạc trả lời có.
Funk cùng 12 phụ nữ khác đã vượt qua những bài kiểm tra chỉ dành cho nam phi hành gia do NASA xây dựng. Chúng được gọi là chương trình Mercury 13. Nhưng NASA lúc đó vẫn chưa cho phép phụ nữ bay vào vũ trụ. Funk và các nữ phi hành gia phải ngồi nhìn tiếc nuối khi Liên Xô đưa nữ phi hành gia đầu tiên vào vũ trụ năm 1963.
NASA không nhận phụ nữ vào chương trình đào tạo phi hành gia của mình cho đến năm 1978. Khi cơ quan vũ trụ Mỹ công bố chính sách mới, Funk vẫn tự tin rằng mình không quá già để có thể bay vào không gian.
Ở tuổi ngoài 40, Funk đăng ký tham gia chương trình đào tạo 4 lần nhưng đều bị NASA từ chối.
Lần này, giới tính không phải trở ngại ngăn cản Funk. NASA yêu cầu các phi hành gia phải có bằng kỹ sư. Bằng cử nhân của Funk không đáp ứng yêu cầu. Và khi bà cố gắng đăng ký học một chương trình kỹ thuật, họ bảo Funk rằng "chị là phụ nữ, hãy về nhà đi".
Funk quyết định tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trong ngành hàng không. Bà trở thành nữ thanh tra an toàn đầu tiên cho Cục Hàng không Liên bang Mỹ và không ngừng tăng số giờ bay với hơn 19.000 giờ.
Bà cũng tiếp tục làm công việc hướng dẫn bay, huấn luyện hàng trăm học viên điều khiển máy bay.
Năm 1983, Funk chứng kiến Sally Ride trở thành người phụ nữ Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ. Và vào năm 1995, Eileen Collins trở thành người phụ nữ đầu tiên chỉ huy một sứ mệnh tàu con thoi. Collins đã mời 7 trong 13 phụ nữ thuộc chương trình Mercury tới buổi ra mắt.
"Cao hơn, nhanh hơn, lâu hơn, đó là phương châm của tôi", Funk nói. "Tôi có thể ra ngoài đó và làm bất cứ điều gì".
Wally Funk chưa bao giờ từ bỏ ước mơ bay vào vũ trụ. Bà đã dành nhiều năm trong cuộc đời để hình dung mình trở thành một phi hành gia.
Sau đó, vào tháng 7/2021, Jeff Bezos đã mời Funk, lúc bấy giờ 82 tuổi, tham gia cùng ông trong buổi ra mắt công ty hàng không vũ trụ Blue Origin. Hơn 60 năm sau khi vượt qua các bài kiểm tra huấn luyện phi hành gia, bà cuối cùng cũng được bay vào vũ trụ.
Bezos hỏi Funk bà sẽ làm gì lúc bước chân ra khỏi mô-đun sau khi hoàn thành ước mơ cả đời là trở thành một phi hành gia, Wally trả lời "Tôi sẽ nói rằng 'đó là điều tuyệt nhất từng xảy ra với tôi'".
"Tôi không thể bày tỏ hết cho tất cả mọi người tôi cảm thấy tuyệt vời như thế nào khi được Blue Origin chọn tham gia chuyến đi này", Funk nói trong một video. "Tôi sẽ tận hưởng từng giây của hành trình".
Ngày 20/7/2021, Wally Funk khởi hành từ Trái Đất ở Tây Texas. Trong vài phút, tên lửa New Shepard đã vượt qua ngưỡng được coi là rìa không gian, trước khi trở về Trái đất an toàn.
Vũ Hoàng (Theo ATI)