VNExpress

Thứ ba, 28/1/2025
Chọn địa danh
Thứ năm, 18/3/2021, 02:08 (GMT+7)

Muôn loài chim ở Tam Chúc

Các đảo quanh chùa Tam Chúc với khung cảnh yên bình là nơi săn ảnh chim lý tưởng của các nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên.

Chùa Tam Chúc, ngôi chùa Phật giáo lớn nhất Việt Nam, tọa lạc trên nền ngôi chùa cổ cùng tên, hơn 1.000 năm tuổi. Chùa Tam Chúc nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km về phía nam.

Khu du lịch tâm linh Tam Chúc có diện tích trên 5.000 ha, gồm các khu du lịch tâm linh, khu vực lòng hồ và các khu nghỉ dưỡng. Trong ảnh là khu du lịch tâm linh cao trên 40 m so với mặt hồ, với các hạng mục từ phía dưới lên là cổng Tam quan, vườn Cột Kinh, điện Quan Âm, điện Pháp chủ và điện Tam Thế. Ảnh: Hà Vũ Linh

Cuối năm 2020, “Biệt đội Le hôi” - tên gọi của bốn thành viên đam mê săn ảnh chim – gồm anh Võ Rin, Nguyễn Hồng Huy, Hà Vũ Linh và chị Nguyễn Thuỳ Linh đã có chuyến khảo sát, chụp ảnh tại đây.

Đàn diệc xám bay trên mặt hồ, nơi được mệnh danh là “Hạ Long trên cạn” ở Hà Nam do có các khối núi đá vôi nhô lên bao quanh. Ảnh: Hà Vũ Linh

Hà Vũ Linh, nhiếp ảnh gia sinh năm 1993, cho biết rất háo hức khi được cùng cả đội trải nghiệm chuyến chụp ảnh chim. Linh ấn tượng về diệc xám, loài chim có số lượng đông đúc nhất, lên đến hàng nghìn con cư ngụ tại Tam Chúc. Ảnh: Hà Vũ Linh

Diệc xám và cò ngàng lớn tại bãi đậu trên đảo nhân tạo, phía xa là các sà lan đang tiến hành đắp đảo nhân tạo. Các đảo được tạo sinh cảnh để chim trú ngụ và sinh sản. Ban quản lý khu du lịch Tam Chúc chỉ cho phép người dân và du khách đi thuyền ngắm chim, cấm săn bắt chim trong toàn quần thể du lịch, và luôn có nhân viên trông coi. Ảnh: Hà Vũ Linh.

Trong quá trình săn ảnh chim tại Tam Chúc, nhóm phải lội chỗ nước nông, khoác áo ngụy trang màu tối, dùng lưới bao phủ và kê máy, thiết bị trên phao để canh đợi chim. Việc ngụy trang này nhằm không làm các loài chim sợ hãi.

Ngoài tình yêu, đam mê thiên nhiên và nhiếp ảnh, người chụp còn phải trang bị các thiết bị như ống nhòm, ống kính tele 400 mm - 600 m. Ảnh: Hà Vũ Linh

Vũ điệu cất cánh của diệc xám.

Võ Rin thích thể loại chụp chim vì đem đến nhiều niềm vui, thú vị cho cuộc sống. Anh chơi ảnh được 15 năm nhưng chụp chim mới được 2,5 năm và đã chụp khoảng 395 loài tại Việt Nam.

So với các khu bảo tồn chim khác ở Việt Nam, sinh cảnh ở chùa Tam Chúc đa dạng nên các loài chim phong phú. Chim dưới nước và trên rừng đều có, phổ biến là diệc xám, diệc lửa, cò bợ, vạc sống ở đầm, hồ nước và các loài chim rừng như giẻ cùi, chuối tiêu, diều hâu. Ngoài ra, ở đây còn có khướu đá hoa, loài đặc hữu Việt Nam và một quần thể chim sáo mỏ ngà đang được bảo tồn.

“Qua chuyến khảo sát kết hợp du lịch và chụp ảnh, nhóm nhiếp ảnh ghi nhận được gần 30 loài chim trong khu vực. Đáng mừng khi Tam Chúc là nơi có các yếu tố và điều kiện thuận lợi để nhiều loài chim phát triển”, anh Võ Rin nói. Ảnh: Võ Rin

Chụp ảnh sâm cầm là khó khăn lớn nhất với nhóm, đặc biệt là khoảnh khắc chim “phi” trên mặt nước. Sâm cầm, có chiều dài khoảng 41 cm, thuộc họ gà nước, sống tại vùng đầm lầy và các hồ nước ngọt, hiện nay là loài chim hiếm ngoài tự nhiên tại Việt Nam. Ảnh: Võ Rin

Bách thanh đuôi dài trên ngọn cỏ lau. Loài này thân dài khoảng 25 cm, có đuôi dài, đầu xám, lưng màu hung nâu, cánh và đuôi đen. Chúng sống phổ biến ở nơi có thể cao trên 2.000 m.

Bức ảnh được Nguyễn Thùy Linh (30 tuổi) chụp khi cùng nhóm di chuyển trên xe điện ở Tam Chúc. Cô chia sẻ, loài chim này rất nhát, lại gần là bay mất nên phải uyển chuyển, sử dụng thành thạo thiết bị và chụp thật nhanh. Ảnh: Nguyễn Thùy Linh.

Chụp ảnh chim le hôi mang nhiều kỷ niệm nhóm trong chuyến đi, vì vậy tên nhóm cũng được đặt theo tên loài chim này. Nhóm phải đi thuyền trên hồ khoảng 2 tiếng vào sáng sớm mới có khoảnh khắc đẹp về loài chim này, khi hoa súng còn nở đẹp làm tiền cảnh. Ngồi trên thuyền, ai cũng lo cho thiết bị chụp giá trị cao.

Le hôi là loài chim lặn, cơ thể dài 23-29 cm, nhỏ nhất trong bốn loài chim le le tại Việt Nam. Chim có vòng trắng xung quanh mắt, mỏ nhỏ nhọn, phần trên tối màu với cổ màu xám nâu vào mùa không sinh sản, phần thân dưới trắng chỉ nhìn được khi bay. Ảnh: Nguyễn Thùy Linh.

Trong ảnh là loài chiền chiện đầu nâu, dài khoảng 12 cm, thường sống ở vùng cỏ cây và bụi rậm, phân bố từ Đông Bắc đến Nam Bộ.

Trong chuyến đi, cả nhóm gặp may mắn khi thời tiết đẹp, có nắng. Nhóm thường thức dậy lúc 5h30 sáng để chuẩn bị cho một ngày đi chụp. Mỗi người vác một bộ máy và đi xe điện, thuyền khắp các ngóc ngách, phát hiện mục tiêu là ngắm chụp. Ảnh: Nguyễn Hồng Huy.

Khướu đá hoa, loài đặc hữu của Việt Nam ghi nhận tại Tam Chúc. Đây là loài chim có kích thước trung bình khoảng 20 cm. Chim có màu chủ đạo nâu xám với nhiều lông trắng xếp vảy ở phần thân trên (từ đỉnh đầu đến lưng trên), nhiều sọc to đậm màu trên cổ màu trắng và thân dưới nâu nhạt.

“Qua bộ ảnh chim ở Tam Chúc, cả nhóm muốn truyền tải thông điệp mọi người cùng chung tay bảo tồn thiên nhiên và các loài chim, đặc biệt là các loài quý hiếm”, Hồng Huy nói. Ảnh: Nguyễn Hồng Huy.

Huỳnh Phương

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net