Câu chuyện về thời nhà Trần được phục dựng với màu sắc đương đại. Thông qua bảo vật được người ông thuộc Trần tộc trao lại, trong buổi du xuân tại lễ hội đền Trần, cô gái Trần Đông A - nhân vật chính - có chuyến xuyên không về gặp các tiền nhân ở thế kỷ 13. Tác giả giải thích hai chữ Đông A là lối chiết tự của chữ Trần - được ghép từ hai thành phần chữ Đông và chữ A. Do đó, Trần còn được gọi ẩn dụ là Đông A. Khi nhà Trần giành chiến thắng trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế chiến đấu của quân dân nhà Trần được gọi là hào khí Đông A.
Trong truyện, một loài cá dẫn đường cho chuyến du hành về quá khứ của Đông A. Tác giả cho biết lấy ý tưởng từ gốc xuất thân chài lưới của các nhà lãnh đạo thuộc thế hệ đầu nhà Trần. Sự kiện đầu tiên Đông A bắt gặp là hình ảnh Lý Chiêu Hoàng tháo mũ bình thiên, nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - Trần Thái Tông. Tiếp đến là khung cảnh và câu nói "Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác" của thái sư Trần Thủ Độ. Những tiếng vó ngựa, tiếng hò la mở ra các sự kiện như cuộc chiến chống Đế quốc Nguyên Mông, Hội nghị Diên Hồng năm 1284... Hào khí của các bài Hịch Tướng Sĩ, Tụng giá hoàn kinh sư, Phú sông Bạch Đằng được tái hiện qua các nét vẽ.
Tác giả còn khắc họa đời sống đất nước, con người Đại Việt, với các sản vật như gốm, vải, giấy, các ngôi làng trù phú, cánh đồng lúa chín... Nhiều trang vẽ được thể hiện tỉ mỉ, từ đại cảnh đến tiểu cảnh, trực tả theo lối tranh khắc gỗ. Tuyết Hàn cho biết chọn vẽ theo phong cách này vì gia đình cô có một căn nhà cổ. Thuở bé, cô say mê các họa tiết cũ xưa trên cột kèo, xà nhà, tự hỏi làm sao người xưa khéo tay vậy. Cô vẽ bằng đồ họa trên máy tính để tiết kiệm thời gian, dễ cân chỉnh đường nét, màu sắc.
Sách được phát triển từ đồ án tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật TP HCM của Tuyết Hàn - sinh năm 1996. Cô nói: "Tôi muốn chia sẻ tình yêu và niềm tự hào văn hóa, con người Việt Nam đến các bạn cùng thế hệ, những ai yêu mến lịch sử dân tộc".
Tam Kỳ