Trong sách Truyện Kiều tự kể, tác giả giới thiệu chân dung Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Thúc Sinh, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải, Hồ Tôn Hiến... Nhà văn phóng tác dựa trên nội dung gốc của Nguyễn Du bằng cách để nhân vật tự kể.
Ở trang về Đạm Tiên, tác giả viết: "Tôi với Vương Thúy Kiều trở thành tri kỷ của nhau từ dạo tiết Thanh Minh nàng đi tảo mộ. Ngay lúc nàng khóc thương cho nấm mồ vô chủ của tôi, tôi đã coi nàng là chị em, mười lăm năm mỗi bước nàng đi tôi đều theo gót". Ở phần về Hoàn Thư, nhân vật tự thoại: "Ghen tuông là thói người ta thường tình. Ta đâu ở bên ngoài cái vòng thường tình ấy. Đầu ấp tay gối với nhau, thề thốt lửa ấm hương nồng, thế mà chồng mình nỡ đem lòng thương yêu người khác, đàn bà nào dập được lửa hờn ghen".
Tác giả cho biết muốn các nhân vật cất lên tiếng nói với nỗi đau, suy tư nội tại. Cô nói: "Tôi tái tạo trên nền văn bản có sẵn, không viết kiểu áp đặt hay quy chụp. Các nhân vật của Nguyễn Du mang tính cách rất đời, do đó cũng rất tương thích với cuộc sống hôm nay: yêu ghét rạch ròi, tính toán thiệt hơn...". Theo nhà văn, tác phẩm có thể khiến độc giả quen với bản gốc bất ngờ, nhưng cô chấp nhận lối thể nghiệm mạo hiểm này vì muốn sách về Truyện Kiều đa dạng hơn. Các nhân vật được minh họa qua tranh chân dung do 12 họa sĩ vẽ. Tác phẩm trình bày theo dạng art-book (sách nghệ thuật tập hợp nhiều tranh ảnh, đồ họa).
Nguyễn Du, hiệu Tố Như (1765-1820), quê xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông sống vào cuối nhà Lê đầu nhà Nguyễn, là nhà thơ lớn được người Việt kính trọng gọi là "Đại thi hào dân tộc". Ông có ba tập tác phẩm tiếng Hán là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Về văn thơ Nôm, Nguyễn Du sử dụng tài tình hai thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) là tác phẩm truyện Nôm nổi tiếng nhất của ông. Ở Việt Nam, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Chu Văn An và Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Tam Kỳ