Năm 1964, Mỹ dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ để bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không lực. Vĩnh Linh (Quảng Trị) nằm trong khu phi quân sự vĩ tuyến 17 trở thành trọng điểm đánh phá.
Là dân quân chiến đấu ở xã Vĩnh Thạch giai đoạn 1966-1969, ông Hồ Hữu Cổng nhớ lại: “Pháo từ hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi, căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu (Gio Linh) bắn phá cả ngày lẫn đêm. Máy bay tiêm kích, máy bay tọa độ… ném bom rải thảm liên tục. Làng mạc bị tàn phá, mặt đất chi chít hố bom”.
Để đảm bảo tính mạng, tháng 8 và 10/1967, phần lớn nhân dân xã Vĩnh Thạch sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. “Lúc này chỉ còn một đại đội khoảng 40 người và chừng 40 người dân ở lại chiến đấu, giữ đất hương hỏa. Cuộc sống dần chuyển xuống giao thông hào, rồi hầm chữ A và cuối cùng khi không chịu nổi sức công phá của bom đạn thì chúng tôi đào địa đạo, tìm cách bám trụ”, ông Cổng hồi tưởng.
Sự chật chội, thiếu thốn trong hầm địa đạo không cực bằng việc thiếu ánh sáng. Một người kiếm được ít dầu chạy máy là chia đều cho mỗi hộ dân và họ phải dùng rất dè xẻn. Khi nấu ăn, tắm giặt, người dân tranh thủ quy luật nghỉ ném bom của địch rồi mang ra cửa địa đạo làm vội vàng chừng 30 phút.
Bấy giờ, cô gái Trần Thị Lắt (xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) vừa tròn đôi mươi, được cử đi học hộ sinh chừng nửa tháng rồi về phục vụ nhân dân. Nhiệm vụ chính của bà Lắt là đỡ đẻ cho phụ nữ trong xã.
Bà Lắt nhớ có không ít ca sinh khó. Có ca sinh dưới địa đạo Vịnh Mốc đúng mùa mưa, bốn bề là nước, nước rịn từ vách đất, nhỏ giọt từ trần địa đạo. Sản phụ nằm trên giường tre, trên đầu căng nylon, còn bà lội bì bõm. Chỉ một ngọn đèn dầu hiu hắt nhưng nhờ nỗ lực hết sức, bà cũng giúp sản phụ mẹ tròn con vuông. Tiếng khóc oe oe của đứa trẻ khi lọt lòng nơi địa đạo khiến cả bà đỡ và sản phụ rưng rưng vì hạnh phúc.
Hộ sinh dưới địa đạo dù khổ cực nhưng vẫn an toàn. Nguy hiểm nhất là những ca đỡ đẻ trên mặt đất, bên trên pháo đạn trút như mưa gió. "Bà mẹ sản phụ ôm con dâu than khóc, sao sinh đẻ mà trúng giữa bom đạn thế này. Nói rủi trúng bom thì chết cả ba người. Tôi phải động viên cả mẹ lẫn con, chứ nếu ham sống sợ chết tôi đã cho sản phụ đi tuyến trên, còn mình xuống hầm cho an toàn”, bà Lắt kể lại.
Vào mùa mưa, giao thông hào bùn ngập đến đầu gối. Cho sản phụ lên tuyến trên thì bà Lắt không nỡ, vì đi đường gặp bất trắc lúc nào không biết. Xác định mỗi người có một nhiệm vụ, trách nhiệm của mình là đỡ đẻ, bà Lắt lại kêu cho đủ người khiêng sản phụ xuống hầm chờ sinh. Đến năm 1972, khi quê hương giải phóng, ngưng tiếng bom đạn thì bà Lắt đỡ thành công hơn 20 ca sinh.
Là đứa trẻ được bà Lắt hộ sinh ngày nào, nay chị Trần Thị Hường đã 48 tuổi. "Vào thăm địa đạo, thấy việc sinh mình ra quá cơ cực, tôi thực sự cảm phục bà Lắt”, chị Hường chia sẻ. Cha chị Hường, ông Hồ Văn Triêm, nói thêm: "Nhiệm vụ của bà Lắt hồi đó là giúp những người chồng chúng tôi yên tâm ra trận. Sau trận chiến trở về, thấy mẹ tròn con vuông, tôi chỉ biết cúi đầu cảm ơn bà ấy".
Trong số đứa trẻ do bà Lắt đỡ thì 6 người đang sinh sống ở Vĩnh Thạch. Họ vẫn gặp nhau và thi thoảng ôn lại kỷ niệm năm xưa. Riêng bà Lắt sau chiến tranh lại trở về làm ruộng. Di chứng của bom đạn, đặt biệt là lần bị mảnh bom phạt ngang lưng, khiến sức khỏe bà suy kiệt, đôi mắt mờ đục, tai lãng, chân đau nhức.
Hiện người phụ nữ 75 tuổi này sống với một người con gái ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch. Trong những đêm mất ngủ vì vết thương năm xưa, thỉnh thoảng ký ức về một thời đỡ đẻ trong lòng địa đạo lại trở về với bà.
Hoàng Táo