Thứ bảy, 30/11/2024
Thứ sáu, 2/1/2015, 19:46 (GMT+7)

Độc đáo địa đạo và làng hầm Vĩnh Linh

Hệ thống 114 địa đạo và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (Quảng Trị) được Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch trình Chính phủ, nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt.

Khi dựng lên sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964, mở rộng đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, Mỹ đặc biệt chú ý tới huyện Vĩnh Linh, mảnh đất địa đầu giới tuyến, với mưu đồ biến đây thành vành đai trắng, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

Hơn nửa triệu tấn bom đạn đã được thả xuống vùng đất này. Với truyền thống kiên cường, ý chí sắt đá, người dân nơi đây sáng tạo nên hệ thống làng hầm, địa đạo nằm sâu trong lòng đất để giữ vững khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời. Mỗi làng xã là một pháo đài”.

Từ 1965 đến 1968, người dân Vĩnh Linh tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm có mặt ở 70 làng của 15 xã, thị trấn, được sử dụng đến 1972. Từ di chuyển trên mặt đất, cùng với sự leo thang của chiến tranh, người dân đào công sự đi bộ dành cho gia súc liên kết với hệ thống hầm tránh bom đạn. Cuối cùng, nâng lên tầm cao về quân sự, kiến trúc và nghệ thuật, cuộc sống chuyển hẳn xuống lòng đất.

Đến nay, địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) được xem là còn nguyên vẹn nhất. Địa đạo này gồm 3 tầng, dài 1.701 m với 13 cửa. Quân và dân ở đây đã mất 18.000 ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000 m3 đất đá. Gọi là làng hầm vì hình ảnh làng quê được kiến tạo đầy đủ dưới lòng đất với hội trường, căn hộ, nhà hộ sinh, bảng tin, giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật… Trong 2.000 ngày tồn tại, 17 cháu bé được sinh ra tại đây.

Chiến tranh ác liệt, nhiều địa đạo không đủ kiên cố đã gây ra không ít tổn thất về nhân mạng. Điển hình, ngày 20/6/1967, bom Mỹ làm sập địa đạo Tân Lý (xã Vĩnh Quang) khiến 61 người thiệt mạng. Hiện, người dân làm một nấm mồ chung ngay cửa địa đạo và gọi là “Địa đạo 61”.

Với những giá trị to lớn, năm 1976 Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao - Du lịch) công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Từ những năm 1979-1980, địa đạo Vịnh Mốc đã có khách du lịch tới thăm quan. Đến 1983, nơi này chính thức phục vụ du lịch và hiện mỗi năm đón khoảng 70.000 lượt khách, với 2/3 là khách quốc tế.

Địa đạo Vịnh Mốc đang được trùng tu giai đoạn 2, với các hạng mục nhà trưng bày khang trang, hiện đại; xây kè chắn sóng; xây dựng khu dịch vụ, bãi đỗ xe, vệ sinh… Bên trên địa đạo Vịnh Mốc là quả đồi phủ kín cây xanh, đầy bình yên.

“Nhà trưng bày dự kiến đến 2016 sẽ xong phần thô. Nội dung trưng bày cần được nghiên cứu, sưu tầm thận trọng, phù hợp để diễn tả hết cảnh khốc liệt của chiến tranh và cuộc sống kiên cường của người dân Vĩnh Linh bên trong địa đạo”, bà Lê Thị Tố Hoài - Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa làng địa đạo Vịnh Mốc - cho hay.

Ngoài địa đạo Vịnh Mốc đang khai thác du lịch, hiện Vĩnh Linh còn nhiều địa đạo nguyên vẹn chưa được khai thác như Mũi Sy, thôn Roọc, Troong Môn - Cửa Hang, Hải Quân, Hương Nam, địa đạo công an vũ trang, địa đạo 61.

“Ngành bảo tồn Quảng Trị đang đề xuất làm vành bêtông ở cửa vào, rào chắn tại miệng ống thông hơi địa đạo, vừa bảo đảm an toàn cho người và gia súc, đồng thời bảo tồn địa đạo”, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị Nguyễn Quang Chức, nói.

Hiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 5 năm 2014 đối với 14 di tích trên cả nước, trong đó có di tích lịch sử đia đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh.

Hoàng Táo