Kể lại câu chuyện tình nguyện ra đảo dạy học cách đây hơn 20 năm, cô Dương Thị Mỹ Hằng khiến tất cả những người có mặt trong lễ tuyên dương giáo viên tiêu biểu đang công tác ở vùng khó khăn phải nghẹn ngào.
Tròn 20 tuổi, nghe tin Phòng giáo dục huyện đảo Phú Quốc vận động giáo viên ra đảo dạy học tại trường tiểu học Dương Đông 3, cô Hằng đăng ký đi ngay. Gia đình phản đối vì sợ con gái khổ, người yêu lại làm việc ở đất liền, nhưng cô thuyết phục bố mẹ cho đi với thời hạn 3 năm.
"Lúc lên đường, tôi được bố cho chiếc đài để nghe chương trình phát thanh. Bố sợ tôi ở quá xa sẽ không biết được tình hình trong đất liền, phương tiện liên lạc lại không có, mà viết thư cũng mất nửa tháng mới đến nơi", cô Hằng kể.
Cô giáo Dương Thị Mỹ Hằng đã tình nguyện ra đảo Phú Quốc dạy học và gắn bó với hòn đảo này 23 năm. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Lần đầu tiên ra đảo, cô đi trên chiếc tàu khách. Khởi hành từ 19h, đến đêm thì gặp biển động nên phải dừng lại ở Hòn Nghệ. Bị say sóng, cô phải xuống xuồng lên Hòn Nghệ nghỉ ngơi và mấy ngày sau mới đi nhờ tàu đánh cá ra đảo.
Những năm ấy đất liền còn thiếu thốn, ngoài đảo Phú Quốc cuộc sống càng khó khăn. Trường học là cái đình cũ được dân cải tạo thành ba phòng học, sau này có địa điểm riêng nhưng cũng chỉ là nhà tranh vách nứa. Học sinh trên đảo gầy gò ốm yếu vì thiếu chất, lại theo bố mẹ di cư tự do, nay đây mai đó nên chuyển địa điểm học thường xuyên.
Có những lúc nhớ nhà, nhớ người yêu, cô Hằng cũng xao lòng. Thế nhưng nhìn thấy gương mặt xanh xao của học trò nở nụ cười tươi đón cô giáo, cô vững tâm hơn. Phụ huynh trên đảo sống tình cảm, mỗi lần đi biển về lại bỏ trước cửa nhà con cá, con tôm khiến cô vơi đi nỗi nhớ nhà. "Cũng may có phụ huynh giúp đỡ, chứ lương giáo viên thời đó không đủ ăn. Đợi ở nhà gửi ra thì mất quá nhiều thời gian", cô Hằng cho hay.
Học sinh vùng biển sống theo bản năng sông nước, tự do tự tại nên việc rèn luyện thói quen sinh hoạt hàng ngày cho các em rất khó khăn. Cô phải dạy học trò từ việc vệ sinh thân thể, chăm sóc bản thân đến giữ gìn vệ sinh môi trường.
Vì mưu sinh trên biển, nhiều gia đình phải bỏ con ở nhà để ra khơi. Từ khi có cô Hằng về công tác, họ đem con đến nhà cô gửi trước lúc lên đường. Các em ăn, ngủ ở nhà cô, cười đùa và hỏi bài thoải mái như chị em trong nhà. Cô yêu học trò và cũng yêu cảnh đẹp hùng vĩ của Phú Quốc với một bên là biển trong xanh, một bên là núi non trùng điệp.
Hết hợp đồng 3 năm, không nỡ rời xa hòn đảo Phú Quốc, cô Hằng quyết định ở lại và thuyết phục người yêu, cũng là giáo viên đang dạy trong đất liền cùng ra đảo. Thông cảm với cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, gia đình bạn trai đồng ý cho cả hai cùng ra Phú Quốc dạy học sau khi hai người làm đám cưới.
Cô Hằng dạy lớp 1, chồng dạy lớp 3, hai vợ chồng luôn nghĩ phương pháp giảng bài mới để học sinh tiếp thu bài nhanh. Số học sinh trên đảo tăng dần theo năm tháng. Ngôi trường tiểu học chỉ ba phòng học tạm năm nào giờ đã có gần 750 học sinh. Tuy nhiên, trình độ các em còn thấp và chưa đều nên ngoài kiến thức bắt buộc, vợ chồng cô chú trọng dạy kỹ năng sống và hoạt động ngoại khóa. Cô Hằng còn mở cuộc thi như "Chúng em kể chuyện về Bác Hồ", nêu gương người tốt việc tốt để học sinh hào hứng học tập.
Suốt 23 năm gắn bó với Phú Quốc, cô Hằng cho biết ngày 20/11 với cô có nhiều kỷ niệm. Đám học trò miền biển nghèo khó thường tặng cô bánh xà phòng thơm, cuốn sổ ghi chép hay tự tay làm thiệp rồi đề tặng cô. Có học trò đã đỗ đại học, ra trường, đi làm mỗi khi có dịp về quê đều đến thăm và chúc sức khỏe.
"Hai vợ chồng tôi không chỉ yêu Phú Quốc vì nơi đây có những học trò nghèo chăm chỉ, mà còn là nơi chúng tôi vun đắp hạnh phúc gia đình riêng với hai đứa con ngoan ngoãn. Trên hòn đảo này, chúng tôi đã làm tốt vai trò của người thầy, người cô và Phú Quốc đã trở thành quê hương thứ hai của chúng tôi", cô Hằng tâm sự.
Hoàng Thùy