Sáng 9/11, Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các cô đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về sự hy sinh, hết lòng vì sự nghiệp trồng người.
Cô Trần La Giang (THPT chuyên Sơn La) kể, ra trường cô về Sơn La công tác và 20 năm qua gắn bó với mảnh đất nơi đây. Là giáo viên dạy giỏi môn Vật lý, cô từng tham gia ôn luyện và phụ trách học sinh đi thi học sinh giỏi. Thành quả cô thu được là 79 giải tỉnh, 33 giải quốc gia.
Cô giáo Nguyễn La Giang, mẹ của chàng trai vàng Vật lý Nguyễn Phi Long. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Không chỉ dạy trò giỏi, cô Giang còn dạy con rất giỏi khi Ngô Phi Long - học sinh người dân tộc đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế. "Đối với các tỉnh thì kết quả này không có gì to tát, nhưng ở tỉnh có kinh tế khó khăn thì chuyên Sơn La phải nỗ lực hơn nhiều. Có lúc giáo viên phải đưa học sinh về nhà, rồi bạn bè, người thân giúp đỡ các em mới vượt qua được khó khăn", cô Giang cho hay.
Nhận bằng tốt nghiệp năm 1981, cô Hà Thị Hằng lên công tác ở trường THPT Định Hóa (Thái Nguyên), nơi đặc biệt khó khăn. Lúc ấy, cuộc sống người dân còn nghèo đói, trường học chỉ là những mái nhà tranh rách nát. Giáo viên ở nhà tập thể, còn học sinh phải ở trọ với điều kiện sinh hoạt kham khổ. Ngoài mấy bơ gạo cùng khoai sắn và một ít rau nhà mang theo, các em không có tiền mua mắm, mỡ, mì chính và đặc biệt là bữa ăn không bao giờ có thịt, cá.
Đồng lương giáo viên không đủ sống, hàng nghìn thầy cô bỏ việc. Ở trường Định Hóa, từ chỗ có 38 lớp với 50 cán bộ, giáo viên, sau chỉ còn 9 lớp với 29 giáo viên. Cô Hằng đã vượt qua gian khó để bám trụ với nghề. Cô chia sẻ, với học sinh dân tộc còn chưa hiểu hết tiếng Việt, dễ bị tổn thương, thầy cô phải gần gũi, thương yêu và chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà các em phải trải qua.
Các cô giáo đang công tác tại vùng khó khăn, biên giới, hải đảo nhận bằng khen do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Sinh ra ở mảnh đất cố đô Huế, cô Võ Đăng Mỹ Hảo rời xa gia đình đi nhận nhiệm vụ tại Tây Nguyên. Dù xác định lên vùng cao là khổ, nhưng cô không ngờ nơi mình đến là trường THPT Nguyễn Tất Thành (M' Drăk, Đăk Lăk) lại hẻo lánh và khó khăn đến thế. Điện không có, thông tin quá ít, thiết bị dạy học thiếu thốn. Học sinh dân tộc thiếu hiểu biết về xã hội, ở xa trường, dăm ba bữa lại lên cơn sốt rét.
"Tôi trăn trở rất nhiều, rằng mình có thể làm tốt công việc và yên tâm công tác với điều kiện thế này không? Vậy mà 20 năm trôi qua, tôi đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy khó khăn này", cô giáo Hảo tâm sự.
Hiện ngành giáo dục có 1,3 triệu nhà giáo, trong đó khoảng 800.000 nữ giáo viên và cán bộ quản lý. Có trên 150.000 nữ nhà giáo đang công tác tại 3.900 xã vùng cao, miền núi, bãi ngang, điều kiện còn nhiều khó khăn. Nơi các cô đang làm nhiệm vụ kéo dài từ Lũng Cú (Hà Giang) đến Đất Mũi (Cà Mau), Phú Quốc, Thổ Chu (Kiên Giang), trải rộng từ ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia đến Hoàng Sa, Trường Sa.
Hoàng Thùy