Sinh năm 1980 trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, Lê Diệp Kiều Trang có một khởi đầu khá thuận lợi. Ông Lê Văn Trí, cha cô, hiện là Phó tổng giám đốc Công ty Cao su Miền Nam (Casumina, mã: CSM), trong khi người anh Lê Trí Thông, đang là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á.
Từ nhỏ Kiều Trang vốn đã thể hiện tính cách mạnh mẽ và tự lập. Thuở còn đi học, cô sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể với kết quả thủ khoa tuyển sinh đầu vào PTTH chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), đồng thời cũng là thủ khoa tốt nghiệp lớp 12 của trường. Cô giành học bổng tại các trường đại học danh tiếng thế giới như Oxford (Anh), Học viện Công nghệ Massachusettes, Mỹ (MIT).
Lê Diệp Kiều Trang, nữ doanh nhân Việt đang làm việc cho cựu CEO Apple. |
Trang chia sẻ đam mê làm việc, kinh doanh đã được nhen nhóm trong từ nhỏ. Có dạo hai anh em được nghỉ hè, bố không có nhiều thời gian dành cho con cái nên đành phải đưa các con theo công tác từ Nam ra Bắc bằng đường bộ.
Đây chính là khởi đầu rất tự nhiên cho 2 anh em trong bước đường sự nghiệp sau này. Đến mỗi thành phố, khi ông Trí phải dừng lại gặp đối tác, hai anh em lại được vào ngồi cùng và dần làm quen với thế giới kinh doanh. Năm đó Kiều Trang mới 10 tuổi còn Trí Thông 11 tuổi. Sau này, vì thạo tiếng Anh và tiếng Hoa, cô còn được bố đưa đi thường xuyên hơn để làm phiên dịch.
Quãng thời gian này đã giúp Kiều Trang nhận thức rõ những áp lực trong công việc, đồng cảm hơn với bố và luôn coi trọng tình cảm gia đình. Hiện giờ, Kiều Trang là Giám đốc Chiến lược tại Công ty Misfit Wearables. Đường đến với doanh nghiệp do cựu CEO Apple và Pepsi - John Sculley và chồng cô - Sony Vũ sáng lập cũng là một dấu ấn lớn trong cuộc đời của Kiều Trang.
Trước khi đầu quân cho Misfit Wearables, Trang làm ở McKinsey, một trong những công ty danh tiếng nhất thế giới ở lĩnh vực tư vấn chiến lược. Ý tưởng thành lập Misfit Wearables của chồng cô và ông John Sculley đã khiến cô quyết định từ bỏ công việc tại McKinsey, vốn được xem là ước mơ của nhiều người. Misfit Wearables là công ty thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyên chế tạo các thiết bị y tế và dụng cụ thể dục.
Kiều Trang tâm sự, cô đã cân nhắc kỹ trước quyết định từ bỏ McKinsey, nơi có công việc yêu thích là tư vấn. Cùng chồng đặt những viên gạch đầu tiên của Misfit Wearbles tại Việt Nam, cô chia sẻ: "Cái khó nhất chính là nhân sự. Tôi luôn tin vào tiềm năng của người Việt Nam, đặc biệt nhóm tri thức trẻ. Các bạn có vốn kiến thức vững vàng, thông minh, nhưng chưa có kinh nghiệm làm R&D (nghiên cứu & phát triển), đặc biệt là sáng tạo sản phẩm thật khác biệt để được thị trường đón nhận".
Gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc cho nữ doanh nhân. |
Giờ đây, trong vai trò một nữ doanh nhân thành đạt, Kiều Trang vẫn luôn giữ phong cách sống giản dị, thân thiện và gần gũi. Với cô, cái khó nhất của người phụ nữ khi làm lãnh đạo thường là phải tự mày mò đường đi. Càng tiến xa trong sự nghiệp, số lượng nữ giới càng ít, việc tìm ra những người đồng cảm chia sẻ cùng mình là vô cùng khó.
Hồi còn làm ở ngân hàng đầu tư tại Anh, Kiều Trang là nữ duy nhất trong đội. Khi ở McKinsey, cũng chưa đến 18% công ty là phái yếu. Trong khi đó môi trường làm việc ở những doanh nghiệp thuộc hàng top thế giới rất khắc nghiệt đối với phụ nữ. Hiện tại, Misfit cũng nhiều nam hơn nữ do đặc thù công ty thuộc lĩnh vực công nghệ. Những khó khăn đối với phụ nữ trong công việc kinh doanh thật khó để kể hết.
Trong suy nghĩ của mình, Kiều Trang cho rằng đối với đàn ông, bài toán là tối đa hóa, tức là làm sao để thật giỏi giang, sự nghiệp thành công vững chắc. Một khi nam giới đạt được những điều đó, các khía cạnh khác trong cuộc sống thường cũng thành công theo. Còn đối với phụ nữ, bài toán lại là tối ưu hóa, nếu chỉ thành công, kiếm thật nhiều tiền, thăng tiến nhanh chóng cũng chưa chắc tạo nên hạnh phúc cho họ, đôi khi thành công của phụ nữ lại là sự đánh đổi.
Trước đây, công việc của một người tư vấn chiến lược tại McKinsey phải chịu áp lực rất cao. Trang thường phải dậy vào sáng sớm thứ hai đầu tuần để kịp chuyến bay lúc 6h sáng, sau đó đi làm cả tuần, tới 11h đêm thứ năm mới về đến nhà. Trong khi đó, chồng của Trang - Sony Vũ lại cũng phải làm việc với cường độ cao. Có thời điểm, cả tháng hai vợ chồng mới gặp nhau được 4-5 lần. Vì vậy, làm việc lâu dài ở McKinsey là điều Trang chưa từng nghĩ tới.
Là nữ doanh nhân thành đạt, nhiều khi cũng không tránh khỏi nỗi cô đơn, Trang tâm sự mỗi lúc cảm thấy chống chếnh trong cuộc sống, cô thường tìm về với gia đình và tâm sự cùng bố mẹ. Bên cạnh đó, những người bạn giàu kinh nghiệm của bố mẹ cũng là nơi cô hay đến hỏi xin lời khuyên trong công việc.
Những vất vả chồng chất là thế, nhưng Trang vẫn luôn giữ vững tinh thần và tự chủ đối với cuộc sống của chính mình, dần biến chúng thành lợi thế. Cô nghĩ phụ nữ thường không bị quá hút vào công việc, do đó áp lực cũng đỡ hơn nam giới. Nghĩa là, nếu chẳng may không thành công trong công việc, đối với Kiều Trang, đó chưa chắc đã là thất bại nặng nề, hơn nữa, cô cũng còn nhiều mối quan tâm và mục tiêu khác cũng đủ làm mình hạnh phúc.
Nhiều bạn từng hỏi cô, phụ nữ có cần phải giỏi, đến mức nào thì nên dừng lại trong công việc, trong học hành? Từ kinh nghiệm bản thân, cô cho rằng phụ nữ nên tận dụng tối đa cơ hội để học hỏi, và khi có cơ hội hãy cứ thỏa sức làm hết những cơ hội trong công việc mà mình có.
"Cuộc đời phụ nữ cũng như một cành cây, đổi thay qua nhiều mùa, sẽ có những lúc được thỏa sức sống chỉ cho riêng mình, và sẽ đến lúc mình tìm thấy hạnh phúc trong việc chăm lo cho người khác", cô tâm sự. Từ đó, Kiều Trang cho rằng khi còn trẻ, chưa vướng bận, các bạn gái nên tranh thủ tận hưởng những đam mê trong công việc, trau dồi năng lực, đến lúc phải dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, mình vẫn đủ tự tin để bỏ qua những cơ hội trong công việc mà không sợ sau này bị tụt hậu, mất khả năng tái hòa hòa nhập.
"Tôi thấy sự vững vàng trong công việc thường giúp người phụ nữ thăng bằng hơn trong cuộc sống, giúp họ tự tin, yêu đời, và nhờ vậy hạnh phúc với cuộc sống, với gia đình mới được trọn vẹn", Trang nói.
Tường Vi