Sinh ra trên đất Mỹ (1939) nhưng tuổi thơ của John Sculley lại gắn liền với Bermuda - hòn đảo nổi tiếng và là thuộc địa của Anh trên biển Đại Tây Dương. “Cuộc sống ở đó đơn giản, không có xe cơ giới và rất ít điện thoại. Mọi người chủ yếu tự cung tự cấp thực phẩm, đánh bắt cá. Gia đình nào cũng nuôi dê để lấy sữa…”, người từng đứng đầu những tập đoàn lớn nhất thế giới bộc bạch.
John Sculley cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam rất tài năng. Ảnh: Hoàng Hà |
Tuy nhiên, khi học phổ thông, John Sculley trở lại nước Mỹ (bang Massachusetts). Sau đó, ông nhận được học bổng danh giá của Đại học Brown và bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Trường kinh doanh Wharton - Đại học Pennsylvania. “May mắn đến với tôi ngay từ thời điểm đó khi một vị giáo sư tại Wharton tình cờ trò chuyện và thích thú với những gì tôi làm tại trường đại học. Và tôi có thể theo học MBA không phải vì giỏi giang hơn người khác mà vì đã ở đó đúng lúc, đúng chỗ”, John Sculley nói.
Một chi tiết mà ít người biết: John Sculley là người đầu tiên có bằng MBA làm việc cho Pepsi. Do “không biết làm gì” với ông, năm 1967, lãnh đạo Pepsi quyết định đưa Sculley tới học việc tại nhà máy tại Pittsburgh. Đây là sự kiện được vị chủ tịch tương lai coi là một vận may khác trong cuộc đời mình.
Trong thời gian làm việc tại nhà máy, Sculley đã phải trải qua nhiều công việc khác nhau như đóng chai, lái xe tải… Chính giai đoạn này đã giúp ông thấu hiểu hầu hết hoạt động sản xuất của Pepsi và là người duy nhất tại nhà máy có khả năng đứng trước ống kính truyền hình, trả lời khi nhà chức trách tiến hành điều tra về khả năng gây ung thư của các hợp chất sử dụng trong sản phẩm dành cho người ăn kiêng.
Sự kiện này mở ra một trang mới trong sự nghiệp của John Sculley khi ở tuổi 30, ông trở thành Phó chủ tịch phụ trách marketing trẻ nhất trong lịch sử Pepsi. Với hiểu biết sâu sắc về tâm lý, thị hiếu khách hàng thông qua những cuộc khảo sát trên diện rộng, John Sculley dần đưa Pepsi trở thành đối thủ ngang tầm và vượt qua cả “đàn anh” Coca-cola trong những năm 70 của thế kỷ trước.
Chiến thuật chủ yếu được bậc thầy marketing này sử dụng tại thời điểm đó là cố tạo ra thói quen, thị hiếu đối với người sử dụng và mang đến cho họ sự tiện lợi thông qua các hình thức đóng chai, bao bì khác nhau. “Là doanh nghiệp tiêu dùng, chúng tôi không bán sản phẩm mà bán sự trải nghiệm”, Sculley từng nói với huyền thoại của Apple - Steve Jobs.
Liên tục khẳng định thành công của mình có đóng góp rất lớn từ may mắn nhưng khi trò chuyện tại Việt Nam, bản thân cựu Chủ tịch Pepsi cũng cho rằng đó chỉ là tiền đề trong quá trình thăng tiến: người thành công cần học cách nhìn nhận vấn đề theo hướng lạc quan, cố gắng tìm ra cái mới. Khi đó, may mắn sẽ đến.
Câu chuyện về việc John Sculley thuyết phục ông trùm bán lẻ Sam Walton đưa các sản phẩm của Pepsi lên các kệ hàng của Walmart là một ví dụ. Tại thời điểm đó, Sam Walton thẳng thừng tuyên bố không muốn các sản phẩm nước giải khát có mặt trong siêu thị của mình bởi việc sử dụng chai thủy tinh rất dễ gây đổ vỡ.
Trao đổi với Chủ tịch FPT - Trương Gia Bình, cựu CEO Apple cho rằng Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển công nghệ thông tin. Ảnh: Hoàng Hà |
“Đó cũng chính là lúc chúng tôi phải tính chuyện đóng chai bằng chất liệu khác. Sau khi thành công, tôi có đến gặp ông ta, cầm trên tay một chai Pepsi rồi thả mạnh xuống đất. Chai Pepsi không vỡ và Sam đã rất ngạc nhiên. Cuối cùng thì ông ta đồng ý nhập hàng của chúng tôi khi biết Pepsi được đóng vào chai nhựa”, John Sculley thuật lại.
Triết lý kinh doanh “bán sự trải nghiệm” tiếp tục được Sculley phát triển khi cập bến Apple. Cùng với Steve Jobs, dấu ấn trong các sản phẩm của hãng mà Sculley tạo ra vẫn còn đến ngày nay: “Các bạn có thể thấy tất cả các sản phẩm của Apple từ trước đến nay đều được thiết kế tỉ mỉ, bắt mắt, tối giản và trên hết là mang đến sự trải nghiệm hoàn toàn mới đối với người dùng”, cựu CEO của Apple tự hào khoe.
Đề cập tới mối quan hệ với Steve Jobs, John Sculley thanh minh rằng mình không phải là người “đuổi” huyền thoại công nghệ khỏi Apple vào giữa những năm 80. Theo Sculley thì sự ra đi của Steve chỉ là hệ quả của những xung đột giữa tư tưởng kinh doanh với tham vọng của một nhà sáng chế. Ngoài ra, ông cũng dành những lời “có cánh” khi nói về người bạn nhiều duyên nợ này: “Steve thực sự là một thiên tài. Không giống tôi, anh ấy có thể nắm bắt được thị hiếu của người dùng, thậm chí tạo ra nó mà không cần bất cứ một cuộc khảo sát nào”, John Sculley chia sẻ.
Giờ đây, khi ngoài tuổi 70, người đàn ông từng dẫn dắt những doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho biết ông vẫn thức dậy mỗi ngày với đầy năng lượng và khao khát tìm ra cái mới. “Tôi ước gì có thể trở lại tuổi 17. Nếu được vậy, có thể tôi sẽ trở thành người Việt Nam, sống tại châu Á”, John Sculley hài hước nói.
Giống như nhiều chuyên gia khác, John Sculley dự đoán thế kỷ XXI sẽ dành cho châu Á với hàng loạt cơ hội phát triển: “Việt Nam được hưởng lợi nhiều từ quá trình đó bởi các bạn có dân số trẻ và không ít trong số đó là những thiên tài”, ông nhận xét.
Lời khuyên cuối cùng mà John Sculley dành cho giới trẻ Việt Nam là dám chấp nhận thất bại: “Những quốc gia thành công có được ngày nay là nhờ việc đứng dậy sau những thất bại. Không có cái giá nào được coi là đắt khi bạn vấp ngã. Quan trọng là bạn học được gì, rút ra được gì và chắc chắn rằng sẽ không thất bại thêm một lần nào vì lý do tương tự”, cựu CEO Apple nhấn mạnh.
Nhật Minh