Tôi nhớ ngay đến Hà Nội, nơi tôi sống khi đó. Nếu ra chợ, cửa hàng vào đầu ngày, người ta khá cẩn thận vì nếu chỉ sờ vào mà không mua "mở hàng" có thể bị mắng, thậm chí bị "chửi". Có nhiều cửa hàng, nếu chọn lựa lâu quá mà không mua món gì, bạn thường bắt gặp những câu nói không hài lòng của người bán kiểu: "mua gì lâu thế", hay "không mua thì đi đi đừng có ám quẻ nữa". Có nhiều hàng ăn, khách hàng chờ lâu cũng không dám nhắc vì có thể bị hắt hủi. Một lần, bạn đi cùng nhóm tôi hỏi "em ơi sao lâu thế?" khi mãi không thấy đồ ăn ra, nhân viên phục vụ lạnh lùng: "không chờ được thì đi đi". Nhưng cho tôi thanh minh rằng đó là Hà Nội hơn chục năm trước, tôi nghĩ giờ đây chất lượng dịch vụ đã khá hơn.
Đó cũng là lần đầu tôi đến TP HCM hơn 20 năm trước theo lời mời của một đại học sau khi đạt điểm ở mức top 1% của thế giới trong kỳ thi Toefl. Tôi có rất nhiều ấn tượng khó quên về thành phố năng động này, nhất là chất lượng phục vụ rất cao. Nếu bạn vào nhà hàng, người phục vụ thường luôn tìm cách thay khăn, rót nước kịp thời mà không cần bạn phải ra hiệu. Từ bác xe ôm, taxi đến cửa hàng bán lẻ lề đường, người bán luôn niềm nở, tôn trọng khách. Tôi còn ấn tượng nhiều hơn nữa với môi trường làm việc chuyên nghiệp ở đây. Đến tận bây giờ, nhiều bạn bè tôi làm kinh doanh luôn nhận xét chất lượng dịch vụ và môi trường kinh doanh ở thành phố phía nam vẫn đứng đầu cả nước. Nhiều người từ phía bắc chuyển hẳn vào TP HCM sống và làm việc. "Dịch vụ không đâu bằng Sài Gòn", họ hay nói.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy khu vực dịch vụ hiện là ngành kinh tế quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, chiếm hơn 40% GDP. Việc buộc phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh từ đầu năm đã ảnh hưởng nặng nhất lên ngành này, kéo giảm đến hơn 20% dịch vụ lưu trú và ăn uống (con số chỉ riêng 6 tháng đầu năm). Ngành dịch vụ giảm sút còn tác động dây chuyền, kéo tăng trưởng quốc gia về mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ, nhưng lại rất mở. Mức tăng trưởng trong các quý tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, ví dụ như mức độ phục hồi của các nền kinh tế bạn hàng. Vì thế, trong ngắn và trung hạn, tôi cho rằng phải tìm lại sức bật cho nền kinh tế bằng cách khai thác tốt hơn thị trường nội địa. Cụ thể, có hai lựa chọn ưu tiên để đối phó với tình hình mới. Một là xác định những ngành nghề dịch vụ trọng điểm cần tập trung nguồn lực đầu tư phát triển. Hai là tích cực tìm kiếm các biện pháp năng động hơn để vận hành hiệu quả ngành dịch vụ thời dịch bệnh.
Hướng đi thứ nhất không thể thiếu vai trò ngày càng lớn của thương mại điện tử và các dịch vụ số hóa. Gần một nửa dân số Việt Nam đã tham gia thương mại điện tử, song số đông doanh nghiệp nhỏ và vừa - đang chiếm đa số trong cơ cấu nền kinh tế, lại chưa tham gia nhiều vào kinh doanh trực tuyến. Tỷ trọng thương mại điện tử trên thị trường bán lẻ chỉ mới manh nha ở mức 5%. Tin mừng là dịch Covid-19 đã và đang làm tăng vọt các giao dịch điện tử. Chính phủ gần đây đã đưa ra Kế hoạch tổng thể để phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. Nhưng tôi cho rằng, thị trường đang cần các giải pháp cụ thể hơn giữa các bên: nhà nước, doanh nghiệp và ngân hàng, để tận dụng và đẩy nhanh ngành này. Bên cạnh đó, nếu giảm mạnh chi phí hay tốt hơn, miễn phí hoàn toàn Internet trong thời gian dịch bệnh, biết đâu sẽ tạo ra đột phá cho tất cả người dân, doanh nghiệp?
Hướng đi này cũng phù hợp với ý tưởng đẩy mạnh mũi nhọn của nền kinh tế là ngành công nghệ thông tin trong trung hạn. Ngành công nghệ ít bị ảnh hưởng, thậm chí có thể hoạt động tốt hơn trong dịch bệnh, nhưng vẫn cần thêm chính sách hỗ trợ để cùng kéo nền kinh tế đi lên. Một lợi thế của Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ, đào tạo nhanh và có khả năng tính toán tốt nên việc sản xuất phần mềm là hướng đi khả quan trong tương lai. Mặt khác, rất nhiều ứng dụng cụ thể của công nghệ thông tin vào thương mại điện tử có thể áp dụng ngay để đẩy mạnh nền kinh tế số trong trung hạn. Ví dụ, nông dân, tiểu thương ngay lập tức có thể trực tiếp bán trực tuyến sản phẩm của mình cho cả nước, thậm chí không cần qua khâu trung gian.
Với ưu tiên thứ hai, một nút thắt quan trọng của nền kinh tế là chi phí vận tải logistic ở Việt Nam hiện hơn 20% GDP, xếp hàng cao nhất thế giới, trong khi phí vận chuyển ở các nền kinh tế như Mỹ hay Hà Lan chưa đến 10% GDP. Việc vận chuyển một container tôm từ TP HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, cao gấp đôi chi phí vận chuyển từ TP HCM sang Mỹ và gấp hơn 5 lần sang Nhật. Chi phí vận chuyển container đó từ TP HCM đi Vũng Tàu đắt hơn từ TP HCM đi Singapore. Chỉ cần cắt giảm chi phí vận chuyển chừng một nửa thôi, chúng ta đã có khá nhiều dư địa cho tăng trưởng trong ngắn hạn bất kể dịch bệnh.
Một điểm cộng để giúp nền kinh tế đi lên chính là thái độ và hành động nhanh nhạy, kịp thời của các cơ quan quản lý. Ví dụ, gần đây trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị đình trệ. Nguyên nhân chính là do các chuyên gia kiểm dịch người Mỹ chưa quay lại Việt Nam bởi không muốn đi chung chuyến máy bay về Việt Nam với du học sinh và e ngại điều kiện khu cách ly chưa đảm bảo. Tôi cho rằng trong trường hợp này, linh động thuê một chuyên cơ riêng để đưa các chuyên gia đó sang Việt Nam và đáp ứng yêu cầu cách ly của họ có lẽ không gây tốn kém nhiều so với giá trị chúng ta có thể thu về từ xuất khẩu trái cây sang thị trường lớn như Mỹ. Hơn thế nữa, chúng ta còn thu được những lợi ích quan trọng khó quy ra tiền như đảm bảo chuỗi cung ứng được liền mạch, giữ được thị trường xuất khẩu và khách hàng.
Sau này, khi đã ở Mỹ một thời gian, lần đầu tiên sang Pháp dự hội thảo, tôi lại có một ấn tượng ngược lại với chuyến đi TP HCM hồi trước. Chất lượng dịch vụ ở Pháp kém hơn hẳn ở Mỹ. Đi nhiều nơi, tôi rút ra một cảm nhận có lẽ tương đối chủ quan của riêng mình. Có thể nói, chất lượng dịch vụ tốt hơn và đóng vai trò quan trọng hơn trong các nền kinh tế năng động, hiệu quả hơn. Cơ hội cải thiện tăng trưởng cho nửa cuối năm nay và năm tới của Việt Nam sẽ không mất đi nếu nhà nước và doanh nghiệp không ngừng hành động.
Đặng Hoàng Hải Anh