Hà Bích Hảo kéo chiếc ghế, ngồi xuống rồi từ từ gỡ chiếc khẩu trang. Khi khuôn mặt của cô lộ rõ, tất cả mọi người trong quán cà phê đều sững sờ, nhìn chằm chằm nhưng không ai nói được lời nào. Quay đầu nhìn xung quanh, Hảo mỉm cười khiến một nửa mặt bị những lớp da kéo chằng chịt, biến dạng. Mắt và tai phải hỏng hoàn toàn, khuôn miệng bị kéo lệch không thể ngậm kín.
"Tôi bị bỏng laser từ khi 6 tháng tuổi do tai biến của một lần điều trị cục u máu trên mặt", cô gái quê Nam Định bắt đầu câu chuyện về những năm đã qua trong cuộc đời mình.
> Khuôn mặt biến dạng của Hà Bích Hảo (Độc giả cân nhắc trước khi xem)
"Mẹ tôi kể, khi từ viện về, vết bỏng rỉ máu suốt nhiều ngày khiến tôi rất khó chịu và giãy giụa cả ngày lẫn đêm. Mới 6 tháng tuổi nhưng tôi không còn bú mẹ được nữa. Sữa đút bằng thìa, cho vào mép này lại chảy sang mép kia vì môi bị kéo lệch. Bà nội lấy nước cơm, đong bằng thìa nhỏ lia vào lưỡi để cháu nuốt theo phản xạ tự nhiên", Hảo kể.
Cô lớn lên bằng nước cơm của bà cho đến năm 3 tuổi.
Nhưng bi kịch cuộc đời Hảo không nằm ở đó. Đến tuổi học mẫu giáo, mẹ dẫn con gái đến trường nhưng bị từ chối. Sau vài lần năn nỉ, cô bé Hảo được nhận vào lớp. Gương mặt gây sợ hãi nên không bạn nào dám chơi cùng, Hảo kết bạn với một chị bị động kinh gần nhà. Mỗi lần chị này lên cơn, cô bị đánh, có lần còn bị ném ngã xuống ao, may có hàng xóm đi qua lấy gậy kéo lên.
Đến tuổi đi học, Hảo bị coi là học sinh khuyết tật nên cả năm cấp 1 và nửa năm lớp 2 chỉ được ngồi trong lớp dự thính bởi xã khi đó chưa có chính sách học hòa nhập. Cuối năm lớp 2, với sự giúp đỡ của cô hiệu phó, cô bé mới có học bạ và được chấm điểm mỗi kỳ thi.
"Cứ tưởng đi học là niềm vui nhưng ác mộng bắt đầu", cô gái hồi tưởng.
Với khuôn mặt khác biệt, Hảo bị bạn bè gọi là "ma cà rồng" hay "xác sống". Suốt những năm cấp một, cô luôn phải ngồi cuối lớp bởi không ai muốn đến cạnh. Lũ bạn trẻ con thi thoảng còn ném giẻ lau bảng vào mặt hay vứt cặp sách của "con ma cà rồng" xuống bể nước chỉ vì "trông mặt đã thấy ghét".
"Con có tội gì mà các bạn đối xử như thế?", Hảo nức nở hỏi bố vào năm lớp 5 khi bị bạn học đẩy xuống mương nước gần trường. Người bố chỉ biết xoa đầu an ủi: "Chỉ một chút khiếm khuyết về ngoại hình, không đáng phải suy sụp".
Lên cấp 2, Hảo trở nên chai lì và phản kháng bằng những trận ẩu đả với bạn sau những lần bị xúc phạm hoặc bắt nạt vô lý. Cũng chính vì điều này mà bốn năm cấp 2, Hảo "nhẵn mặt" ở phòng hiệu trưởng để viết kiểm điểm, kết quả học tập ở mức trung bình.
Đầu năm lớp 10, Hảo được xếp ngồi cạnh bạn nữ xinh nhất lớp. Suốt buổi học, bạn gái chỉ ngồi khóc. Ngày hôm sau, cô được chuyển sang bàn khác với lý do mẹ bạn gái phản đối để con mình ngồi cạnh một người quá xấu xí. Những bạn trai trong lớp cũng tỏ ra kỳ thị. Giày dép hay cặp sách của cô thường xuyên bị bạn ném ra giữa sân trường. Thậm chí có bạn thẳng thừng tuyên bố: "Không chấp nhận một đứa xấu như thế học trong lớp".
"Dù cố gắng thế nào cũng không ai chấp nhận một đứa như mình", Bích Hảo nghĩ và tự động bỏ học.
Giáo viên chủ nhiệm mời bố mẹ lên thuyết phục con gái trở lại trường. Tối hôm đó, mẹ bỏ cơm, vào phòng vuốt lên phần mặt biến dạng của Hảo, nước mắt giàn giụa: "Nếu phải đánh đổi tính mạng để con có khuôn mặt bình thường, mẹ cũng cam lòng". Nghe mẹ nói, tim con gái thắt lại: "Con sẽ không thế nữa, con sẽ cố sống khác". Từ hôm sau Hảo lên lớp và vùi đầu vào học. Trong những năm cấp 3, cô luôn đứng trong top 5 của lớp. Lớp 11,12, Hảo là học sinh duy nhất trong lớp nằm trong đội tuyển đi thi học sinh giỏi Sử của tỉnh.
Trong chương trình "Kể chuyện về niềm tin" do trường tổ chức vào đầu năm lớp 11, Hảo kể lại ngày tháng đã qua của mình. "Bố mẹ ban cho em cuộc đời này, dù không lành lặn nhưng với em đó vẫn là may mắn", khi kết thúc bài diễn thuyết, những người ngồi dưới, mắt ai cũng đỏ hoe.
Từ hôm đó, cô học sinh cấp 3 có thêm bạn mới. Bạn gái trước đây từng xin chuyển chỗ nay đề nghị được ngồi cạnh. Khi hỏng xe giữa đường, Hảo nhận được sự giúp đỡ của bạn bè thay vì thờ ơ như trước kia.
Tưởng chừng mọi việc sẽ dần trở nên tốt đẹp cho đến ngày Hảo lên Hà Nội học đại học và xin làm tình nguyện viên tại một trường mầm non dành cho trẻ tự kỷ.
Sau hai tháng, cô được gọi lên. Trước mặt nhiều giáo viên khác, vị quản lý nói rằng từ giờ cô không phải đến trường nữa vì "Phụ huynh không chấp nhận em làm việc với con họ".
Giữa trưa hè tháng sáu năm 2015, Hảo đạp xe 20 km lên cầu Vĩnh Tuy, vừa đi vừa khóc. "Dù mình cố gắng thế nào cũng không được xã hội chấp nhận". Đứng trên cầu hơn 10 tiếng đồng hồ, có thời điểm cô trèo lên thành cầu định nhảy xuống. Nhưng nhớ tới giọt nước mắt của mẹ, bóng hình của cha, Hảo lại từ bỏ ý định. Từ hôm đó, cô chỉ quanh quẩn ở ký túc xá rồi lên giảng đường, ít giao tiếp với người khác và ngày càng rời xa đám đông.
Năm thứ 3, cô tình cờ xem được bộ phim nói về một bạn nữ nước ngoài bị liệt, trở thành kỹ sư công nghệ. Trong bộ phim, cô gái này nói về ước mơ được đi trên đôi chân của mình: "Khi còn đi được, bạn vẫn hạnh phúc hơn tôi". Bộ phim như đánh thức Hảo. "Tay chân mình vẫn lành lặn, tại sao mãi u sầu". Thay vì bật nghe những bản nhạc não nề quen thuộc, cô mở máy tính, tìm hiểu những chương trình từ thiện rồi đăng ký.
Lần đầu làm thiện nguyện, Hảo dẫn đoàn người khuyết tật, hầu hết ngồi xe lăn ở Đà Nẵng đi thăm Hà Nội. Không quản nắng nôi, cô sinh viên 22 tuổi hết đẩy xe rồi lo hậu cần, mồ hôi ướt sũng áo nhưng miệng vẫn nở nụ cười.
"Em cười đẹp lắm. Luôn cười tươi em nhé", một người trong đoàn gửi lời cảm ơn. Từ tin nhắn đó, Hảo biết rằng, cô sẽ luôn đẹp khi đem được hạnh phúc cho người khác.
Những năm sinh viên, Hảo từng giữ chức phó ban chủ nhiệm CLB sinh viên người khuyết tật Hà Nội, làm tình nguyện tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội. Hiện nay, ngoài việc chính là giáo viên dạy trẻ tự kỷ, cô còn theo chương trình cao học tại Đại học sư phạm Hà Nội với mong muốn thành lập một doanh nghiệp xã hội, giáo dục hướng nghiệp cho trẻ tự kỷ. Cô cũng tự thành lập quỹ học bổng "Mầm và những người bạn" giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Đậu Trọng Tình, bạn cùng lớp đại học, người từng là Chủ nhiệm CLB sinh viên người khuyết tật Hà Nội cho hay, ở Hảo luôn toát lên sự tự tin và hết lòng giúp đỡ người cùng hoàn cảnh.
"Hảo từng đẩy xe lăn cho bạn bại liệt khắp Hà Nội để xin việc. Sau khi bạn tìm được công việc đánh máy, cô ấy vui và cười suốt", Tình kể lại.
Lễ Vu Lan năm nay, Hảo về quê. Cô dự định dành ngày này cho bố mẹ mình. Đang chuẩn bị lên xe, điện thoại bỗng đổ chuông, mẹ gọi tới dặn dò con gái đi đường cẩn thận. Trước khi kết thúc cuộc gọi, cô không quên gửi nụ hôn gió cho mẹ và đăng lên trang cá nhân trạng thái: "Con đang sống và nỗ lực mỗi ngày để bố mẹ không bao giờ cảm thấy có lỗi khi con là một cô gái xấu xí".
Hải Hiền