Là con một trong gia đình nhập cư vào Mỹ, Dookhan từ bé đã rất cố gắng. "Sự nỗ lực của Dookhan vượt xa năng lực của bản thân", huấn luyện viên đội chạy trường cấp ba hồi tưởng về cô học trò ít nói. Chính nỗ lực ấy đã giúp cả đội đoạt chức vô địch giải chạy thành phố đầu những năm 1990.
Khi đang học đại học ngành hóa sinh, Dookhan vào làm tại một công ty sản xuất vaccine và được coi là "nhân viên trong mơ". Gần như mọi ngày, Dookhan tới cơ quan khi trời chưa sáng rõ và vẫn cặm cụi làm khi sếp đã ra về vào tối muộn. Dookhan luôn sẵn sàng làm thêm giờ và thường xuyên cho kết quả nhanh hơn nhiều so với đồng nghiệp.
Tốt nghiệp năm 2003, Dookhan trở thành kỹ thuật viên xét nghiệm ma túy tại phòng giám định hình sự tiểu bang đặt tại thành phố Boston. Ngay năm đầu làm việc, Dookhan xét nghiệm hơn 9.200 mẫu vật, gấp ba lần so với các kỹ thuật viên khác. Năm thứ hai, số mẫu vật qua tay Dookhan lên tới hơn 11.200, gấp bốn lần so với mức trung bình và gần gấp đôi người có hiệu suất đứng thứ nhì.
Nếu nghi ngờ hiệu suất công việc của Dookhan, ít đồng nghiệp thể hiện ra mặt. Các giám sát viên tại phòng giám định dường như cho rằng năng suất của Dookhan là do cô không bao giờ nghỉ trưa hoặc nghỉ giữa giờ, đồng thời thường xuyên mang giấy tờ về nhà làm. Không những vậy, Dookhan cũng hay làm ngoài giờ và tự nguyện không nhận lương.
Chỉ sau một năm làm việc tại phòng giám định ma túy tiểu bang, Dookhan được thăng chức. Dookhan bắt đầu được đồng nghiệp gọi là "nữ siêu nhân" của phòng giám định và luôn có năng suất làm việc đứng đầu trong nhiều năm sau. Làm việc cạnh Dookhan, một số người lo rằng sẽ không được cấp trên trọng dụng vì không thể mang lại kết quả cao như "nữ siêu nhân".
Tháng 6/2009, tòa tối cao liên bang ra án lệ quy định bị cáo trong vụ án ma túy có quyền gọi kỹ thuật viên đã làm xét nghiệm ra tòa để đối chất. Từ đó trở đi, kỹ thuật viên mất thêm thời gian tại tòa và phải giảm thời gian làm xét nghiệm. Nhưng khi năng suất làm việc của mọi người đều sụt giảm, số mẫu xét nghiệm mà Dookhan thực hiện vẫn cao tới không tưởng. Cuối năm 2009, Dookhan đã xét nghiệm hơn 6.300 mẫu, trong khi mức trung bình là gần 2.000.
Lúc này, hình tượng nhân viên lý tưởng của Dookhan bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt. Peter Piro, giám sát viên cấp thấp tại phòng giám định, để ý chưa bao giờ nhìn thấy Dookhan ngồi trước kính hiển vi và thường xuyên không ở bàn làm việc. Một số lớn mẫu Dookhan từng xác định là cocaine thực tế lại là heroin sau khi được xét nghiệm lại.
Năm 2010, Michael Lawler, kỹ thuật viên, cũng bắt đầu chú ý tới số lượng phiến kính hiển vi của Dookhan. Theo quan sát của Lawler, số phiến kính mà Dookhan bỏ đi dường như không trùng khớp với số mẫu cocaine được "nữ siêu nhân" xét nghiệm. Tuy nhiên, do không có chứng cứ cụ thể, Lawler không dám cáo buộc.
Tuy vậy, sự nghi ngờ của đồng nghiệp đối với Dookhan đã khiến người đứng đầu phòng giám định phải hành động. Lãnh đạo đã rà soát công việc của Dookhan nhưng chỉ xem xét giấy tờ mà không xét nghiệm lại các mẫu vật. Cuối cùng, vị này kết luận Dookhan không làm gì bất thường.
Khi năng suất làm việc của Dookhan tiếp tục tăng cao trong năm 2011, một số giám sát viên phòng giám định giao "nữ siêu nhân" phụ trách dự án đặc biệt để "làm cô chậm lại" nhưng việc này chẳng có kết quả.
Tới tháng 6/2011, Dookhan bị phát hiện lén lấy 90 mẫu vật ra khỏi tủ đựng chứng cứ rồi làm giả chữ ký của đồng nghiệp để trả mẫu vật lại chỗ cũ. Đây được coi là vi phạm trắng trợn quy trình bảo quản chứng cứ nên Dookhan bị chuyển công tác sang làm bàn giấy. Tuy nhiên, cấp trên vẫn để cho Dookhan ra tòa làm chứng và không thông báo cho các công tố viên liên quan.
Hơn một năm sau, sai phạm của Dookhan mới được cơ quan bên ngoài phát hiện. Dookhan xin nghỉ việc tại phòng giám định ma túy tiểu bang vào tháng 3/2012. Bốn tháng sau, "nữ siêu nhân" trở thành mục tiêu của cuộc điều tra hình sự.
Bị phỏng vấn, Dookhan ban đầu quả quyết "không bao giờ làm giả" kết quả xét nghiệm vì "liên quan tới tính mạng con người". Nhưng trước chứng cứ cảnh sát thu thập được, cô ta cúi đầu nhận tội. "Tôi đã phạm sai lầm rất lớn", Dookhan nói.
Kỹ thuật viên hàng đầu của phòng giám định tiểu bang thừa nhận đã "vài lần" không xét nghiệm mẫu vật nhưng vẫn báo cáo kết quả trong khoảng "từ hai đến ba năm" trước, làm giả chữ ký đồng nghiệp và đôi khi trộn các mẫu vật với nhau để che đậy sai phạm. Mục đích là "làm được nhiều hơn".
Không chỉ làm giả kết quả xét nghiệm, Dookhan còn nhiều lần gian dối về học vấn và đời tư, dường như là tô hồng bản thân. Ví dụ, trong sơ yếu lý lịch, cô ta nói tốt nghiệp cấp ba với bằng danh dự xuất sắc, nhưng ngôi trường không trao bằng cấp này. Với đồng nghiệp, Dookhan kể đã nhận bằng tiến sĩ từ Harvard và từng nhận mức lương 40.000 USD từ công việc cũ nhưng thực tế kém xa hoàn toàn. Trong lúc nhận tội, Dookhan khai đang phải trải qua cuộc ly hôn kéo dài, nhưng hồ sơ tòa án không ghi nhận lá đơn ly hôn nào.
Cho tới khi bắt giữ Dookhan vào tháng 9/2012 về tội Cản trở công lý, Khai man, và Làm sai lệch chứng cứ, công tố viên vẫn không thể tìm được động cơ gây án nào khác ngoài việc cô ta chỉ muốn được nhìn nhận là nhân viên tốt. Cuối năm 2013, Dookhan bị phạt 3 năm tù, sau đó được ra tù vào tháng 4/2016 ở tuổi 39.
Dookhan đã bị trừng phạt, nhưng sai phạm của cô ta để lại hậu quả tới bây giờ. Ít lâu sau khi Dookhan thú tội, phòng giám định ma túy tiểu bang bị đóng cửa, cấp trên của Dookhan bị sa thải, từ chức, hoặc bị chuyển công tác. Chứng cứ được dùng trong hàng chục nghìn vụ án bị đặt dấu hỏi về độ chính xác.
Cuối cùng, ngày 20/4/2017, tòa tối cao bang Massachusetts phê duyệt quyết định hủy hơn 21.000 bản án ma túy ít nghiêm trọng có kết quả xét nghiệm có khả năng bị Dookhan làm sai lệch. Nếu muốn nổi tiếng, Dookhan đã thành công khi trở thành nguyên nhân dẫn đến lần hủy án lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Quốc Đạt (Theo Boston Globe, Masslive, Oxygen)