Một trong các dấu hiệu là tài xế đánh võng hay đi lấn làn, đèn hậu bị vỡ... Cảnh sát cần có căn cứ hợp lý khi thực hiện dừng xe, nếu không các bằng chứng có được sau đó có thể không được chấp nhận tại tòa.
Sau khi dừng xe, cảnh sát trước tiên để ý những dấu hiệu bên ngoài như tài xế có mắt đỏ ngầu, giọng nói lè nhè, động tác chậm chạp,... hoặc trong xe có chai bia mở nắp. Cảnh sát có thể hỏi trực tiếp để xem tài xế có thừa nhận đã uống rượu hoặc chất kích thích hay không.
Tiếp theo là bài kiểm tra độ tỉnh táo tại hiện trường, bao gồm một số hoạt động thể chất và tinh thần như: yêu cầu tài xế đi trên đường thẳng, giơ tay sang ngang rồi chạm vào mũi trong khi nhắm mắt, đọc bảng chữ cái theo chiều ngược...
Cuối cùng, cảnh sát có thể dùng thiết bị cầm tay để đo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế. Kết quả sẽ giúp cảnh sát biết được chỉ số tương đối của tài xế tại thời điểm bị dừng xe. Giới hạn nồng độ cồn trong máu tại đa số các bang ở Mỹ là không vượt quá 0,08% (tương đương 0,08 g cồn trên 100ml máu), có bang thậm chí đã hạ giới hạn này xuống còn 0,05 %. Nhưng vì thiết bị cầm tay không đủ độ chính xác, kết quả đo theo cách này chỉ được dùng làm căn cứ để bắt giữ tài xế vì hành vi lái xe khi có nồng độ cồn và không thể làm chứng cứ trước tòa.
Nếu tài xế không vượt qua được bất cứ phần nào của những bài kiểm tra ban đầu trên, cảnh sát sẽ thực thi lệnh bắt. Tài xế có quyền từ chối các bài kiểm tra trên, nhưng họ vẫn có thể bị đưa về đồn để tiến hành kiểm tra bằng thiết bị đo nồng độ cồn qua hơi thở chính xác hơn hoặc xét nghiệm máu. Cảnh sát thường chọn đo qua hơi thở để tiết kiệm thời gian, nhưng một số bang cho phép tài xế được tự chọn.
Một khi bị đưa về đồn cảnh sát, kết quả đo nồng độ cồn tại đây có thể được dùng làm chứng cứ. Nếu vẫn ngoan cố, tài xế sẽ lập tức bị tạm giữ hoặc tước bằng lái trong thời gian nhất định, phạt tiền, cũng như các hình phạt khác. Việc từ chối còn có thể được dùng để chống lại tài xế tại tòa.
Nếu chấp nhận thổi vào máy, tài xế có quyền có người chứng kiến và được cho 30 phút để gọi luật sư tới nơi. Ngoài ra, việc đo cũng phải tuân theo quy trình nhất định để đảm bảo độ chính xác.
Đầu tiên, cảnh sát buộc phải chờ và quan sát tài xế trong vòng 15-20 phút để đảm bảo không ợ hơi, nôn ọe, hút thuốc hoặc ăn uống. Lý do vì một số thực phẩm (như vải, sầu riêng,...), đồ uống (như nước chứa bạc hà...), hoặc các loại đồ dùng khác (như nước súc miệng, nước rửa tay, kem đánh răng,...) có thể khiến số đo tăng vọt. Khoảng thời gian chờ nói trên được cho là đủ để khiến cồn trong miệng bay hơi hết, từ đó đảm bảo máy chỉ đo nồng độ cồn từ phổi của tài xế.
Luật của bang Michigan còn quy định cụ thể rằng trong thời gian chờ, cảnh sát không phải nhìn chằm chằm vào tài xế, nhưng phải ở đủ gần để biết được hành động. Nếu việc giám sát bị gián đoạn trong thời gian ngắn (như trong lúc cảnh sát làm giấy tờ, điền thông tin vào máy tính,...), kết quả đo vẫn có hiệu lực.
Bang North Carolina còn quy định cảnh sát đo nồng độ cồn phải được cấp giấy chứng nhận đã biết cách sử dụng thiết bị và phải cho tài xế biết hậu quả của việc từ chối đo. Cảnh sát cũng phải đo hai lần, kết quả mỗi lần chỉ được lệch nhau 0,02%, nếu không, phải đo lại. Cũng theo pháp luật bang này, tài xế có quyền thực hiện xét nghiệm máu riêng biệt ngay sau khi được phóng thích, nhưng phải tự trả chi phí.
Sau khi kết quả cho thấy dấu hiệu say, tài xế thường sẽ bị tạm giữ bằng lái và được cấp giấy phép lái xe tạm thời. Giấy phép này có hiệu lực trong khi tòa án hoặc nha lộ vận ra xem xét có tước bằng lái của tài xế hay không. Bên cạnh đó, tài xế sẽ bị tạm giam cho tới khi được thẩm phán cho tại ngoại hoặc có người nộp tiền bảo lãnh.
Quy trình trên chỉ áp dụng với tài xế đủ 21 tuổi và không phải lái xe thương mại. Đối với tài xế dưới 21 tuổi và tài xế lái xe thương mại bị nghi say, quy định của pháp luật thường nghiêm ngặt hơn.
Quốc Đạt (Theo Nolo, BAC Track, Breathalyzers)