VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Hứa Thị Phấn (71 tuổi, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) và 27 bị can về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Năm 2007, bà Hứa Thị Phấn đại diện nhóm Phú Mỹ (gồm Công ty đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người trong gia đình bà Phấn) đứng ra mua gần 85% cổ phần của ngân hàng, tương đương hơn 2.500 tỷ đồng, và giữ chức vụ cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị.
Theo cáo buộc, nữ đại gia lợi dụng là cổ đông lớn nắm quyền chi phối, điều hành mọi hoạt động của nhà băng, thâu tóm toàn bộ HĐQT, Ban điều hành, cán bộ, nhân viên hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang. Từ đó, bà Phấn đã lũng đoạn mọi hoạt động đầu tư, thu chi tiền mặt; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái Luật kế toán, Luật các tổ chức tín dụng và điều lệ ngân hàng để chiếm đoạt hơn 12.000 tỷ đồng của nhà băng thông qua năm hành vi.
Tuy nhiên, trong giai đoạn một của đại án, cơ quan công tố đã hoàn tất điều tra về hành vi gây thiệt hại hơn 6.340 tỷ đồng. Trong đó, riêng việc nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho Đại Tín, bà Phấn và đồng phạm đã chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng. Nữ đại gia còn chỉ đạo cấp dưới hạch toán thu khống để sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỷ đồng.
Ngoài ra, thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, bà Phấn chiếm đoạt và sử dụng 3.580 tỷ đồng; chỉ đạo Ngân hàng Đại Tín đầu tư trái pháp luật vào bốn dự án bất động sản chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỷ; nâng khống 25 bất động sản khác bán cho Ngân hàng Đại Tín, để chiếm đoạt 1.024 tỷ. Những sai phạm này được tách ra thành nhiều vụ án để tiếp tục hoàn tất điều tra trong giai đoạn sau.
Cơ quan điều tra xác định, bà Lê Thị Lý (nguyên Trưởng Ban Kiểm soát, một trong số nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án) đã phát hiện nhiều sai phạm của bà Phấn là lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín trong việc mua sắm các tài sản cố định của ngân hàng. Bà này kiến nghị với HĐQT và Ban điều hành nhưng không được ghi nhận.
HĐQT sau đó yêu cầu bà Lý và các thành viên ban kiểm soát viết đơn xin thôi việc. Bà Lý đã thay mặt ban kiểm soát làm văn bản kiến nghị với HĐQT việc không từ nhiệm, yêu cầu HĐQT và Ban điều hành phải xác nhận việc Ban kiểm soát phát hiện sai phạm.
Tương tự, ông Lê Hữu Màng (thành viên Ban kiểm soát nội bộ của Đại Tín) khai với cơ quan điều tra rằng, quá trình giám sát phát hiện nhiều sai phạm của lãnh đạo ngân hàng, trong đó có việc nâng khống giá mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch. Ông đã có ý kiến với HĐQT và Ban điều hành nhưng cũng không được chấp nhận.
Những hành vi vi phạm pháp luật của bà Phấn và đồng phạm được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng yếu kém của Đại Tín. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của Ngân hàng Xây dựng – VNBC sau này, khi ông Phạm Công Danh mua lại và tham gia tái cơ cấu.
Cuối tháng 1/2015, Ngân hàng Nhà nước phải mua lại với giá 0 đồng để gánh toàn bộ số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2014 là 27.000 tỷ đồng. Ngân hàng này sau đó được đổi tên thành Ngân hàng TNHH Xây dựng một thành viên – CB.
Bà Phấn và nhiều đồng phạm bị khởi tố (ngày 22/3/2017). Trước đó hai ngày, bà nhập viện ở quận 7, TP HCM.
Điều tra viên, Bộ Công an nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để lấy lời khai nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời".
Từ đó đến nay cơ quan điều tra chưa thể làm rõ các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, đơn tố giác và kiến nghị của bà.
Tuy nhiên, qua tài liệu chứng cứ và lời khai nhận tội của các bị can khác, cơ quan công tố cho rằng "có đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của bà Phấn" như cáo buộc.
Theo kết luận của Trung tâm giám định pháp y, bà Phấn trong tình trạng "tăng huyết áp độ ba và tiểu đường tuýp II, thoát vị đĩa đệm, khô khớp..." mất 93% sức khỏe, không có khả năng đi lại. Tuy nhiên, bà vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác. Do dó, cơ quan công tố cho rằng cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử lần này.
Hải Duyên