Bà Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn, 71 tuổi, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT Ngân hàng Đại Tín) bị cáo buộc chủ mưu Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong giai đoạn một của đại án Ngân hàng Đại Tín. Tổng cộng, bà bị buộc phải chịu trách nhiệm về hơn 6.340 tỷ đồng thiệt hại của nhà băng này.
Nghi vấn về sức khỏe của bà Sáu Phấn
Hơn nửa tháng trước khi bị khởi tố (ngày 22/3/2017), bà Phấn nhập viện ở quận 7 (TP HCM) do "tăng huyết áp độ ba và tiểu đường tuýp II".
Cơ quan điều tra Bộ Công an nhiều lần đến bệnh viện xác định tình trạng bị can để lấy lời khai nhưng bà Phấn luôn trong tình trạng "khó tiếp xúc, gọi hỏi không trả lời". Các luật sư kiến nghị hoãn hỏi cung cho đến khi sức khỏe của bà tốt hơn. Từ đó đến nay cơ quan điều tra chưa thể làm rõ các nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, đơn tố giác và kiến nghị của bà.
Hồi tháng 9 năm ngoái, liên quan việc chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch HĐQT OceanBank), bà Phấn bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Do tình trạng sức khỏe yếu bà cũng vắng mặt tại phiên xử này.
Tuy nhiên, bà vẫn ký đơn kháng cáo trong vụ án OceanBank và có nhiều đơn tố cáo, kiến nghị khác. Do dó, cơ quan điều tra cho rằng cần xem xét, đánh giá thái độ không hợp tác của bà Phấn trong quá trình xét xử lần này.
Hay trong phiên xử Phạm Công Danh và đồng phạm trước Tết, bà Phấn được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền nghĩa vụ liên quan, nhân chứng. Tuy nhiên, bà không đến vì được bệnh viện xác nhận mất 93% sức khỏe.
Bà Phấn ký đơn đòi xe Maybach, penthouse
Từ năm 2013 bà Phấn có nhiều đơn tố cáo ông Nguyễn Hữu Luận, Phạm Đăng Quan (Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Phương Trang) bất tín trong việc trao đổi tài sản là chiếc ôtô Maybach.
Bà cho biết quen hai lãnh đạo của Công ty Phương Trang vào năm 2009, sau này thân tình hơn khi hợp tác làm ăn. Lúc bà Phấn phải đi lại bằng xe lăn, ông Luận đưa cho bà ôtô Maybach để thuận tiện. Đổi lại, bà sang tên cho ông Luận căn hộ penthouse tại Tòa tháp Topaz 1, Sài Gòn Pearl trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) có giá trị cao hơn chiếc xe. Nhưng đến nay ông Luận vẫn không sang tên chiếc xe cho bà.
Theo cơ quan điều tra, chiếc Maybach vẫn mang tên sở hữu Công ty TNHH Thương mại và Công nghiệp Thiên Tân (công ty quan hệ hợp tác với Phương Trang), việc bà Phấn chiếm giữ là không có căn cứ. Hồi tháng 4 năm ngoái, cơ quan điều tra ra lệnh kê biên tạm thời, giao cho công ty này quản lý đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Đối với căn hộ tại tòa nhà Topaz 1, Sài Gòn Pearl, Công ty Phương Trang hiện đứng tên sở hữu hợp pháp. Ngoài bà Phấn khai "đổi căn hộ lấy chiếc Maybach", không có tài liệu chứng cứ khác chứng minh.
Tố cáo nhau chiếm đoạt tiền tỷ
Bà Phấn cũng tố cáo rằng, sau khi lấy được lòng tin của bà, lãnh đạo Công ty Phương Trang đặt vấn đề mượn nhiều lần từ vài tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng để giải chấp tài sản tại các ngân hàng khác, đem về thế chấp tại Đại Tín. Tiền vay được công ty này trả nợ cho nhóm Phú Mỹ, còn lại sử dụng. Hiện, ông Luận và ông Quan vẫn còn chiếm đoạt của bà và nhóm Phú Mỹ tổng số tiền 1.062 tỷ và 400.000 USD theo 8 giấy nhận tiền.
Tuy nhiên, quá trình làm việc với bà Phấn và những người liên quan, cơ quan điều tra xác định, ngoài các giấy nhận tiền bản photo (chưa cung cấp bản chính) gồm: 6 giấy nhận tiền hơn 748 tỷ từ Bùi Thị Kim Loan và 2 giấy nhận 400.000 USD từ bà Phấn, bà này không cung cấp được bất cứ giấy tờ khác chứng minh ông Luận, ông Quan và Công ty Phương Trang vay tiền mình.
Số tiền 400 nghìn USD được xác định là tiền cá nhân ông Quan vay bà Phấn, ông Quan đề nghị giao nộp cho cơ quan điều tra để trả cho bà Phấn.
Liên quan đến 6 giấy nhận tiền 748 tỷ, Công ty Phương Trang khẳng định đã nằm trong số tiền hơn 3.936 tỷ công ty thực nhận từ Ngân hàng Đại Tín trong 82 khoản vay. Bởi mỗi lần bà Phấn đại diện ngân hàng giải ngân cho Phương Trang đều yêu cầu công ty viết thêm giấy biên nhận.
Về vấn đề này, cơ quan điều tra cho rằng có tài liệu, căn cứ đánh giá Công ty Phương Trang trình bày đúng. Tuy nhiên, do chưa thể hỏi cung bà Phấn, hai bên chưa đối chất, nên vụ việc được tách khỏi vụ án để điều tra theo tố giác, tin báo về tội phạm.
Trong khi đó, Công ty Phương Trang cũng tố cáo bà Phấn lợi dụng ảnh hưởng của mình hạch toán thu khống chiếm đoạt tiền của Đại Tín nhưng đã đẩy nợ cho Phương Trang thông qua việc giải ngân khống trên hệ thống ngân hàng.
Các bị can mang thai trong giai đoạn điều tra
Giúp sức tích cực cho bà Phấn, Bùi Thị Kim Loan (kế toán Công ty Phú Mỹ) cũng được xác định là bị can chính trong đại án. Do Loan nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại.
Làm việc với cơ quan điều tra, Loan được cho là khai báo quanh co, không hợp tác để làm rõ nhiều hành vi phạm tội của bà Phấn. Cô ta còn cùng chồng (cũng là bị can trong vụ án) bán tẩu tán bất động sản đứng tên giúp bà Phấn tại quận Thủ Đức một tuần sau khi bị khởi tố. Do đó, dù Loan đang mang thai con thứ 3, hồi tháng 9 năm ngoái cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, bắt tạm giam.
Tương tự, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín Ngô Kim Huệ (cháu bà Phấn) cũng bị cáo buộc nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch và hạch toán thu khống 5.256 tỷ đồng. Sau khi bị khởi tố hồi tháng 3 năm ngoái, Huệ được tại ngoại do đang nuôi con nhỏ.
Bị can này cũng được cho là không hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi phạm tội của bà Phấn, việc sử dụng tiền phạm tội và đứng tên sở hữu quản lý khai thác bất động sản giúp bà Phấn, cản trở việc điều tra thu hồi thiệt hại. Vì vậy, quá trình điều tra, Huệ mang thai con thứ 3, cơ quan điều tra đã áp dụng lệnh bắt tạm giam.
Huệ sau đó nhìn nhận hành vi phạm tội của mình, tự khai báo về việc đứng tên sở hữu nhiều tài sản khác cho bà Phấn nên VKSND Tối cao chấp nhận đề nghị của Bộ Công an cho bị can tại ngoại.
Hải Duyên