Anh Lâm Quang Khôi, 35 tuổi, mắc bệnh đái tháo đường mạn tính nặng nhiều năm qua, có lần bệnh nguy kịch tưởng không qua khỏi. Sau này anh bị thêm biến chứng suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo từ năm 2019 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Lọc máu chỉ là biện pháp kéo dài sự sống tạm thời, trong khi đó bệnh nhân trẻ tuổi, chưa có con nên bác sĩ Thảo, Trưởng khoa Nội thận - Thận nhân tạo, tư vấn ghép thận để anh có thể sống khỏe mạnh bình thường.
Theo bác sĩ Thảo, ghép thận là phương pháp tốt nhất trong các phương pháp điều trị thay thế thận đối với người bệnh bị suy giai đoạn cuối, đặc biệt là người trẻ tuổi. Nếu chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng giúp duy trì sự sống cho người bệnh, ghép thận sẽ mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Người bệnh có thể tái hòa nhập cuộc sống, có thể trở lại làm việc, sinh hoạt gần như bình thường thay vì phải lệ thuộc vào máy lọc và các hệ thống lọc phức tạp.
Bà Phạm Anh Lan, mẹ anh Khôi, quyết định hiến một quả thận cho con. Các kết quả xét nghiệm đều tương thích, dự kiến anh được phẫu thuật vào tháng 3/2020, là ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Tuy nhiên, ca mổ bị gián đoạn nhiều lần vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, giao thông giữa các nước đình trệ, bà Lan Anh đang định cư ở Mỹ không thể trở về Việt Nam theo đúng kế hoạch.
Đến tháng 5/2021, người mẹ về nước. Cuộc đại phẫu do Giáo sư Trần Ngọc Sinh (cố vấn chuyên môn Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, nguyên Trưởng khoa ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy) thực hiện diễn ra thuận lợi. Bà Lan Anh hồi phục sức khỏe sớm, được xuất viện chỉ sau 3 ngày hậu phẫu. Song quá trình hồi phục của anh Khôi khó khăn hơn, phải nằm cách ly ở phòng hồi sức tích cực (ICU) suốt một tháng, thay vì chỉ cần nằm phòng hậu phẫu thường và được về nhà sau khoảng hai tuần như các trường hợp khác. Nguyên nhân là nhiều mạch máu, trong đó có mạch máu thận bị xơ hoá, chít hẹp (biến chứng của đái tháo đường lâu năm) khiến quả thận ghép không thể hoạt động ngay.
Các bác sĩ phải đặt stent nong đoạn mạch máu hẹp, đồng thời cho bệnh nhân tiếp tục chạy thận nhân tạo, dùng nhiều loại thuốc nội khoa phục hồi chức năng thận. Suốt một tháng ròng rã được nhân viên y tế chăm sóc toàn diện, và luôn được bác sĩ Thảo theo dõi 24/24h, quả thận ghép dần hoạt động tốt, anh Khôi ngưng lọc thận và được xuất viện ngay trước khi đợt dịch thứ 4 ở TP HCM bùng phát dữ dội. Ngoài lịch khám định kỳ hàng tháng, bác sĩ Thảo duy trì việc thường xuyên tư vấn, thăm khám sức khỏe từ xa cho họ qua mạng xã hội. Hiện hai mẹ con anh đã hồi phục, trở lại công việc và sinh hoạt bình thường.
"Tôi biết ơn bác sĩ Thảo, bác sĩ Sinh đã làm mọi cách để cứu con tôi. Nhiều năm con điều trị ở đây đã luôn nhận được sự chăm sóc, điều trị tận tình", bà Lan Anh nói.
Đây là một trong số 16 ca ghép thận tại Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM trong gần hai năm qua. Tất cả 32 người hiến và ghép thận hiện đều khỏe mạnh, sức khỏe ổn định, thận ghép hoạt động tốt. Mặc dù là đơn vị ghép thận non trẻ tại miền Nam, sau Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhi đồng 2... thành công bước đầu này là "quả ngọt" cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ suốt hơn 30 năm học và hành nghề y của bác sĩ Thảo - người đứng đầu khoa Nội thận - Thận nhân tạo và các đồng nghiệp.
Bác sĩ Thảo nói rằng cơ duyên đến với ngành y của chị là một kỷ niệm buồn. Năm 1985, cha chị, một thầy giáo dạy toán, đột ngột phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối. Sau ba tháng nằm viện, ông qua đời ở tuổi 41. Vốn rất thần tượng và gần gũi với cha, cô bé Thảo ngày đó bị sốc, khó chấp nhận được sự thật. Với nỗi đau đáu tìm ra nguyên nhân cha bệnh, tìm hiểu để chữa bằng được căn bệnh hiểm nghèo này, "để không đứa trẻ nào mồ côi cha, mẹ vì bệnh thận giống mình", cô bé 11 tuổi từ bỏ giấc mơ trở thành cô giáo giống cha, quyết tâm học ngành y.
Kiên định với duy nhất một con đường, tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên khoa thận năm 2002, chị làm việc ở khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, rồi hai lần đi tu nghiệp ở Pháp. Lần thứ hai (2009-2010) chị xin làm việc ở khoa Ghép thận, Bệnh viện Kremlin Bicetre, Paris - Trung tâm ghép thận lớn nhất của Pháp để học hỏi kỹ thuật theo dõi và chăm sóc bệnh nhân ghép tạng tiên tiến nhất, đưa về áp dụng ở Việt Nam. Năm 2016, bác sĩ Thảo nhận nhiệm vụ trưởng khoa đầu tiên, thành lập khoa Nội thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM.
Từ con số không khi mới thành lập, hiện khoa tiếp nhận trung bình khoảng 50.000 lượt thăm khám, điều trị mỗi năm. Gồm tất cả các mặt bệnh nội thận, sinh thiết thận, thay huyết tương và các phương pháp điều trị thay thế thận tiên tiến, như lọc màng bụng bằng máy tự động, chạy thận nhân tạo, ghép thận... Khoa đã điều trị thành công, duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống về trạng thái gần như bình thường cho hàng chục nghìn người mắc các bệnh thận, như suy thận mạn, tổn thương cầu thận, viêm thận do lupus ban đỏ hệ thống... Như một cô gái 27 tuổi sau khi ghép thận thành công đã khỏe mạnh, trở thành giám đốc marketing một công ty xây dựng.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thảo và các đồng nghiệp cũng đã góp phần thay đổi được quan niệm và thực tế người mắc bệnh thận hoặc đã ghép/hiến thận không thể sinh con. Như một trường hợp người chị gái hiến thận cho em trai, khoảng một năm sau ca mổ, cả hai gia đình nhỏ đều có thêm thành viên mới. Người chị gái và em dâu đều mang thai tự nhiên và sinh con khỏe mạnh. Những phụ nữ mắc bệnh viêm thận do lupus ban đỏ ngày nay cũng có thể sinh con do các loại thuốc chữa bệnh thế hệ mới không làm ảnh hưởng đến chức năng sinh sản. Đến nay, khoảng 20 phụ nữ mắc bệnh này điều trị tại khoa đã sinh con an toàn.
Không chỉ dừng lại ở những thành quả hiện tại, bác sĩ Thảo cho biết, chị và các đồng nghiệp đang tiến tới đăng ký công trình nghiên cứu khoa học ghép thận từ người sống không cùng nhóm máu, từ đó mở ra thêm cơ hội sống cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Bản thân bác sĩ Thảo cũng phối hợp với đồng nghiệp quốc tế tham gia nghiên cứu các thuốc ức chế miễn dịch mới điều trị bệnh viêm thận do lupus ban đỏ hệ thống, bệnh thận IgA...
Hơn 20 năm dốc sức cho sự nghiệp cứu người, bác sĩ Thảo nói đôi khi chị lơ đãng công việc gia đình, đến năm nay, chị 48 tuổi mà con út mới học lớp một. May mắn, chị có mẹ đẻ và chồng - cũng là một bác sĩ, luôn thấu hiểu và hỗ trợ chị chăm sóc, nuôi dạy con cái. Con gái lớn của chị năm nay chuẩn bị thi đại học, có lẽ cũng sẽ theo cha mẹ học ngành liên quan đến sức khỏe.
"Ước mơ thời bé của tôi đã thành hiện thực. Đứng trước mỗi bệnh nhân, tôi luôn nghĩ họ là người thân của mình, để đưa ra quyết định tốt nhất", bác sĩ Thảo chia sẻ.
Thư Anh