Nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam tạ thế sáng 17/8. Tang lễ NSND Bạch Diệp sẽ diễn ra vào sáng 22/8 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Trải qua hai cuộc hôn nhân với nhà thơ Xuân Diệu và ông Nguyễn Đức Tường, nhưng nữ đạo diễn không có con. Cuối đời bà sống đơn độc. Một trong những niềm an ủi lớn với Bạch Diệp là bà luôn có những người bạn bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Diễn viên Minh Châu - một trong những người bạn vong niên của Bạch Diệp - chia sẻ với VnExpress những cảm nhận và kỷ niệm về nữ đạo diễn tài ba.
Theo Minh Châu, Bạch Diệp là bức chân dung có nhiều sắc thái được vẽ bởi cả những gam màu nóng và lạnh, giống như sở thích chơi tranh của bà lúc sinh thời.
Bạch Diệp rất tự tin. Diễn viên Minh Châu kể, giai đoạn phim mì ăn liền (cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ 20), vì chán sự dễ dãi của phim ảnh, chị nghỉ đóng phim liền trong ba năm trời. Nhiều đạo diễn, kể cả đạo diễn Việt kiều mời, chị cũng từ chối. Nhiều người đồn, Minh Châu không làm diễn viên vì với chị, đóng phim không đủ tiền uống nước. Nhưng Bạch Diệp vẫn đưa kịch bản Nguyễn Thị Minh Khai cho Trọng Trinh mang đến nhà thuyết phục Minh Châu. Bà bảo: "Vai Nguyễn Thị Minh Khai phải mời Minh Châu, trừ khi Châu từ chối mới mời người khác, mà chắc chắn Châu không từ chối". Và đúng như những gì Bạch Diệp dự đoán, Minh Châu đồng ý ngay mà không cần đọc kịch bản, bởi phần chị bị thuyết phục bởi tên tuổi Bạch Diệp, phần bị thuyết phục bởi hình tượng Nguyễn Thị Minh Khai.
Bạch Diệp cũng là người cực đoan "yêu nhau củ ấu cũng tròn". Từ khi làm việc cùng Minh Châu, phim nào có vai diễn trạc tuổi Minh Châu, bà nhất định không chịu giao cho ai khác. Đến nỗi, chính bản thân nữ diễn viên thấy sợ, không muốn khán giả mở tivi lên là thấy mặt mình. Vài lần, chị giả vờ có việc bận để từ chối khéo, Bạch Diệp giận mãi. Buộc phải mời người khác nhưng khi phim hoàn thành, thấy diễn viên không đúng ý mình, Bạch Diệp lại trách Minh Châu: "Tại Châu không đóng nên phim cô đổ". Những ngày cuối đời, Bạch Diệp vẫn ấp ủ làm phim truyền hình dài tập. Vai nữ chính với ba giai đoạn cuộc đời, từ lúc là thiếu nữ 15 tuổi đến khi thành bà lão cũng được Bạch Diệp ngắm cho người bạn trẻ tuổi của mình. Biết Bạch Diệp đã yếu lắm rồi nên Minh Châu không tiện phản đối dù nữ diễn viên sinh năm 1956 đã tự "chào thua" trong bụng.
Bạch Diệp nổi tiếng vì khó tính. Trong công việc, bà "vắt kiệt" sức lực những người xung quanh, không chỉ diễn viên. Nhưng bà hay va chạm nhất với người lo đạo cụ. Mỗi lần không đúng ý, bà lại dẫm chân bành bạch ăn vạ và hét lên "vĩnh biệt". "Vĩnh biệt" dường như đã thành câu cửa miệng của Bạch Diệp. Thế nhưng, những người từng bị bà nói "vĩnh biệt" ở phim này, phim sau vẫn xuất hiện cùng đoàn, bởi tính Bạch Diệp nóng nhanh nhưng nguội cũng nhanh, không để bụng. Khi quay Hai người đàn bà xóm trại, Bạch Diệp bắt tổ đạo cụ đi mượn chục chiếc bát ăn cơm ngày xưa nhưng đồ mượn được không như hình dung của bà. Bạch Diệp cầm ném luôn xuống đất, may mà không vỡ. Nếu bát vỡ thì đoàn phim không biết lấy tiền đâu để đền cho những món đồ cổ ấy.
Có lần, đoàn phim Bạch Diệp quay ở một xã nọ, ông chủ tịch xã muốn thử làm diễn viên đã xin một vai nhỏ. Vai thì đơn giản nhưng ông chủ tịch xã loay hoay mãi không làm sao diễn đúng ý nữ đạo diễn. Vài lần đầu, Bạch Diệp nhịn, đến lúc không chịu được nữa, bà hét lên: "Người đâu mà ngu thế". Những phim Bạch Diệp từng làm, ai lỡ chê, bà mắng cho té tát, tới mức người chê sợ phát khiếp.
Thế nhưng Bạch Diệp cũng lại là người cả tin, thương người. Khi quay phim Nguyễn Thị Minh Khai, người lo đạo cụ quên mang cờ để thực hiện cảnh Nguyễn Thị Minh Khai giật cờ. Biết tính Bạch Diệp nóng, người này trốn không dám gặp bà mà đi tìm người giúp. Cuối cùng, quay phim ra chỗ Bạch Diệp bâng quơ nói: "Thằng đạo cụ gặp tai nạn què chân, không mang cờ đến được rồi". Tức thì Bạch Diệp sốt sắng: "Khổ thân quá, thôi thiếu cờ cũng không sao, tôi lo được". Biết tính bà tin người, những diễn viên trẻ thường tìm cách trêu Bạch Diệp. Có lần, cả nhóm chỉ vào anh chàng gầy nhất, nói anh ta nghiện. Bạch Diệp tin ngay, cứ xót xa thương. Từ đó, bà rất quan tâm tới "chàng nghiện", ưu ái anh trong mọi hoạt động của đoàn.
Ẩn dưới vẻ xù xì, mạnh mẽ, Bạch Diệp là người có trái tim đa cảm. Bà vốn chẳng phải người nghiêng nước, nghiêng thành nhưng lại được rất nhiều đàn ông mê. Có lẽ, đàn ông yêu Bạch Diệp bởi trí tuệ của bà. Bạch Diệp rất hãnh diện về tình yêu với cố nhạc sĩ Tử Phác, về việc ông lấy bà làm cảm hứng cho các tác phẩm và cả việc ông lấy tên bà đặt cho con gái của mình sau khi hai người chia tay.
Bạch Diệp lập gia đình cùng nhà thơ Xuân Diệu thông qua mai mối bạn bè. Khi đó, Bạch Diệp 27 tuổi, Xuân Diệu tròn 40. Chưa đầy nửa năm đường ai nấy đi nhưng bà chưa một lần oán trách "ông hoàng thơ tình". Khi tâm sự cùng người bạn thân thiết Minh Châu, nữ đạo diễn luôn dùng những từ rất trân trọng để nói về Xuân Diệu. "Cô Bạch Diệp kể với tôi, Xuân Diệu là người trí thức, rất hiểu biết và thương cô nhưng ông trời không cho Xuân Diệu cái mà ông đáng được hưởng, thế nên sự yêu thương vợ chồng không trọn vẹn. Ngày Xuân Diệu mất, Bạch Diệp viếng chồng cũ một vòng hoa trắng. Bà muốn ngụ ý với người chồng sau, bà còn trinh trắng khi đến với ông. Bạch Diệp cư xử ý nhị lắm" - Minh Châu chia sẻ.
Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi cùng nhà thơ lớn, Bạch Diệp ở vậy gần 20 năm cho đến khi gặp ông Nguyễn Đức Tường - chuyên viên Bộ công an. Hai người sống hạnh phúc 15 năm cho tới khi ông Tường mất vì bênh ung thư. 15 năm này chính là 15 năm hạnh phúc nhất đời Bạch Diệp. Những ai từng làm việc cùng bà vẫn nhớ hình ảnh ông Tường, tự tay nấu cơm ở nhà, mang tới trường quay cho vợ, cùng ngồi chăm sóc nhau từng miếng cơm, hớp nước. Hai người yêu nhau rất mặn nồng dù khi ấy họ đều không còn trẻ. Đáng lẽ họ đã có con chung nếu như nữ đạo diễn không bị sảy thai khi mới có tin vui vài tháng. Bạch Diệp bảo đó là do ông trời bắt bà cả đời cô quả. Vậy là trong những ngày hạnh phúc của hôn nhân, ở một góc nào đó trong tim, bà vẫn thấy cô độc.
Khi đã ở tuổi 80, Bạch Diệp vẫn có cái nhìn rất phóng khoáng về chuyện tình cảm. Có lần bà hỏi Minh Châu: "Nếu có ai kém Châu chục tuổi, yêu, muốn lấy Châu thì Châu tính sao?". Minh Châu giãy nảy: "Cháu chịu thôi". Bạch Diệp tủm tỉm cười: "Nếu là cô, cô sẽ đồng ý. Cứ lấy, sống với nhau một, hai năm không hợp thì chia tay".
Những ngày cuối đời, Bạch Diệp chỉ còn lại một mình. Một lần đến chơi nhà người bạn, thấy ngôi nhà bốn tầng to đẹp, Bạch Diệp rất thích, về quyết định mua một ngôi nhà bốn tầng, rộng 60m2 ở phố Kim Mã Thượng. Minh Châu - vốn là người sành nhà đất - khuyên bà nên mua một căn nhà chung cư cho tiện, nhưng Bạch Diệp không chịu. Mỗi lần Minh Châu đưa Bạch Diệp đi chơi về tới cửa nhà, bà lại ôm hôn rất chặt và nhìn lưu luyến như thể không bao giờ gặp lại. Minh Châu bảo, Bạch Diệp sống cô độc nên thèm tình cảm lắm.
Cách đây ba năm, Bạch Diệp phát hiện ngực chảy dịch bất thường. Minh Châu đưa Bạch Diệp vào viện khám, phát hiện bà đã ung thư vú ở giai đoạn hai. Bác sĩ cắt bỏ một bên ngực của Bạch Diệp đồng thời bắt bà uống thuốc để chống di căn. Nhưng Bạch Diệp lại là người sợ uống thuốc, thuốc mua về chỉ uống hôm đầu, hôm sau đem vứt nên bên ngực thứ hai cũng bị ung thư. Những lần Bạch Diệp vào viện, Minh Châu đều chèo chống, đem "cái mặt diễn viên" của mình ra để lo cho Bạch Diệp, khi là chen ngang để khám trước vì Bạch Diệp quá già yếu, khi là chuyển trái tuyến, vào điều trị ở Bệnh viện Công an. Hai người đàn bà cô đơn nương tựa vào nhau, truyền cho nhau nghị lực sống. Khi Bạch Diệp ra đi, điều Minh Châu ân hận nhất là chưa thực hiện được mong ước giản dị của Bạch Diệp: lái xe đưa Bạch Diệp đi dạo một vòng Hà Nội.
Ngọc Trần