Ngày 11/4, phiên xử phúc thẩm vụ án Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh; Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng) và 72 đồng phạm trong đường dây buôn lậu hơn 200 triệu lít xăng, bước vào phần tranh luận.
Nêu quan điểm về kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phan Thanh Hữu, đại diện VKS cho rằng có căn cứ chấp nhận một phần. Theo đó, bị cáo Hữu từng tham gia bộ đội chiến trường Campuchia (cấp sơ thẩm chưa xem xét); nộp lại hơn 102 tỷ đồng thu lợi bất chính; đồng ý chuyển 123.000 USD và 6 bất động sản bị kê biên vào việc khắc phục hậu qủa vụ án; đã nộp phạt 100 triệu đồng.
Ngoài ra, tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Phan Lê Hoàng Anh (con trai ông Hữu) rút kháng cáo xin lại hơn 19 tỷ đồng trong 3 tài khoản đang bị kê biên mà chuyển toàn bộ số tiền này vào việc khắc phục thiệt hại cho cha. "Như vậy, bị cáo Hữu được xem như đã khắc phục toàn bộ số tiền thu lợi bất chính. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo Hữu 1-2 năm tù", VKS nêu quan điểm.
Tuy nhiên, VKS đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của bị cáo Hữu về việc xem lại số xăng lậu và tiền thu lợi bất chính. Theo ông Hữu, số xăng tiêu thụ tại Việt Nam là 126 triệu lít, còn hơn 67 triệu lít do A Hùng (chưa rõ lai lịch) đưa tàu chở sang Campuchia bán. Do đó, số tiền thu lợi bất chính chỉ khoảng 100 tỷ đồng, không phải 156 tỷ như án sơ thẩm nêu.
Còn VKS đánh giá tại tòa sơ thẩm bị cáo Hữu thừa nhận đã góp vốn cùng Viễn buôn lậu 197 lít xăng lậu và hưởng số tiền lợi nhuận trên tỷ lệ vốn góp. Không có căn cứ xác định 67 lít xăng đã được A Hùng mang sang Campuchia tiêu thụ nên bị cáo phải chịu trách nhiệm về toàn bộ số xăng lậu này.
Tương tự, với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Hữu Tứ (người tiêu thụ xăng lậu do Hữu chuyển về nước), VKS đề nghị tòa giảm 1-2 năm tù. Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Tứ đã nộp lại hơn 70 tỷ đồng thu lợi bất chính của mình và một số đồng phạm khác. Ngoài ra, bị cáo đang bị kê biên 3 con tàu, nên VKS xem như bị cáo đã khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Với một số bị cáo là chủ các doanh nghiệp xăng dầu, VKS đề nghị toà xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt, chuyển từ tù giam sang treo hoặc phạt tiền 3-5 tỷ đồng. Cho rằng ông Viễn cùng Ngô Văn Thuỵ (cựu cán bộ hải quan) và những bị cáo còn lại không đưa ra được tình tiết mới, VKS đề nghị tòa giữ nguyên hình phạt.
Đại diện VKS rút kháng nghị tăng án với 3 bị cáo, đề nghị toà tăng hình phạt với 10 người nguyên là thuyền trưởng và thuyền viên của các tàu biển có tham gia giúp sức tích cực cho Hữu và đồng phạm buôn lậu.
Một số kháng cáo khác về dân sự, VKS đề nghị toà giữ nguyên theo phán quyết của cấp sơ thẩm.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Nai xác định, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm ông Hữu và Viễn đã dùng tàu Pacific Ocean (trọng tải 3.000 tấn), Western Sea (5.000 tấn) vận chuyển 48 chuyến xăng lậu với tổng cộng hơn 198 triệu lít, trị giá hơn 2.596 tỷ đồng về Việt Nam. Trong đó, nhóm này đã tiêu thụ hơn 197 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng ông Hữu hưởng hơn 156 tỷ.
Ngoài việc hợp tác với ông Hữu, cuối năm 2020, ông Viễn cùng Nguyễn Minh Đức và Phạm Hùng Cường (đang bỏ trốn) góp 19,3 tỷ đồng mua hai tàu Khánh Hòa 01 và Khánh Hòa 03 để chở xăng lậu. Sau khi tàu Pacific Ocean của Viễn chở về vùng biển Khánh Hòa, xăng sẽ được sang qua hai tàu trên, đưa vào cảng Bắc Vân Phong chở đi tiêu thụ tại Khánh Hòa và các tỉnh Nam Trung bộ. Từ tháng 2 đến tháng 4/2021, nhóm Viễn, Đức và Cường đã buôn lậu 3 chuyến, tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
Hải Duyên