Ngôi làng Lumacha nằm thu mình trong khu vực rừng núi của tỉnh Cam Túc ở tây bắc Trung Quốc. Một người nông dân đang cắm cúi làm việc trên cánh đồng để chuẩn bị cho vụ lúa mì. Vào thời gian này nhiều năm trước, ông có thể nghe thấy tiếng chạy nhảy, cười đùa khúc khích của đám trẻ con trong làng, còn bây giờ thật khó nhìn thấy một đứa trẻ, theo SCMP.
Sự im lặng bao trùm mọi con đường dẫn tới cánh đồng hay nhà cửa gần đó. Ngôi làng hoàn toàn vắng bóng người trẻ, gần như tất cả người dân trong làng đều trên 40 tuổi. Thanh niên đều đã tới thành phố tìm việc có thu nhập cao hơn làm ruộng, và thường đưa con cái đi cùng.
"Trước đây, khi tiết trời ấm hơn sau mùa đông, có rất nhiều trẻ con chạy nhảy, chơi đùa, la hét vui vẻ. Còn bây giờ, thậm chí khi nghỉ học kỳ cũng rất khó nhìn thấy trẻ con. Nghỉ hè hay nghỉ đông cũng không thấy chúng bởi bọn trẻ tới thành phố và không trở về", Feng Ping, hiệu trưởng trường tiểu học Lumacha, cho biết.
Cam Túc là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Trung Quốc. Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Cam Túc năm 2017 là 4.647 USD, bằng 1/4 so với Bắc Kinh và chỉ bằng 1/2 trung bình cả nước.
Trung Quốc đã có nhiều kế hoạch để giảm nghèo ở các khu vực nông thôn như Cam Túc. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết xóa nghèo và chính phủ cũng hướng tới mục tiêu không ai phải sống dưới mức nghèo vào năm 2020.
Hồi tháng ba, chính phủ Trung Quốc cho biết những nỗ lực của họ trong 5 năm qua đã đưa khoảng 68,5 triệu người thoát đói nghèo. Một trong những cách giải quyết vấn đề này là khuyến khích người dân nông thôn di cư đến thành thị.
Năm 2014, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch đô thị hóa sẽ đưa 250 triệu người từ nông thôn đến thành thị vào năm 2026. Cuộc di cư này đồng nghĩa với việc hàng triệu thanh niên sẽ rời những ngôi làng như Lumacha, để lại bố mẹ và ông bà. "Trong làng không còn người nào dưới 40 tuổi", ông Feng cho biết.
Trường tiểu học Lumacha chỉ có ba học sinh là Shi Zhengang, Chang Wenuan và Du Yongsheng, đều 10 tuổi. Những cậu bé này đều là con nhà nghèo, gia đình phải chật vật kiếm sống. Bố mẹ chỉ đủ khả năng các em đi học trường làng, không phải trường lớn ở khu vực trung tâm. Thành phố gần nhất với Lumacha là Dungxi, cách một giờ rưỡi lái xe.
Đều đặn mỗi ngày trong 4 năm qua, ba cậu bé phải đi qua một thung lũng sâu để tới trường.
"10 năm trước, ở đây có hơn 300 học sinh. Chúng tôi có 6 lớp, học 6 phòng khác nhau mà bây giờ chỉ còn lại một lớp duy nhất", ông Feng nói. Ngoài ông, trong trường chỉ có hai giáo viên dạy toán và ngữ văn.
Trường tiểu học này là một trong 1.900 trường học ở Cam Túc có số học sinh ít hơn 10, hệ quả từ cuộc di cư nông thôn khi cha mẹ lên thành phố tìm việc và đưa con đi cùng.
Ngoài những môn chính được giảng dạy, hàng ngày, ba cậu bé còn học những môn khác như âm nhạc, nghệ thuật, qua lớp học trực tuyến trên nền tảng giáo dục CCTalk của công ty Hujiang EdTech có trụ sở tại Thượng Hải. Ông Feng cũng sử dụng một nền tảng dạy học trực tuyến ở Cam Túc để dạy tiếng Anh cho ba học trò, nhưng thừa nhận công việc này rất khó khăn, bởi bản thân ông cũng không nắm vững kiến thức ngôn ngữ này. Hiệu trưởng Feng lo ngại khi ba học trò tốt nghiệp, trường học duy nhất ở Lumacha này sẽ phải đóng cửa.
Theo một báo cáo của Economist, từ năm 2000, chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa 3/4 trường học ở nông thôn, tương đương với 300.000 ngôi trường.
Hầu hết những người ở lại làng Lumacha đều đã có tuổi, thậm chí không còn khả năng làm việc đồng áng. Những người trong độ tuổi 40-50 phải chật vật kiếm sống, nhưng đôi khi thất bại khi thời tiết thất thường.
Shi Laijun, 43 tuổi, năm ngoái mất trắng vụ mùa lúa mì. Ngay trước mùa thu hoạch, một trận mưa đá bất ngờ trút xuống Lumacha, phá hủy cánh đồng lúa mì và khiến anh trắng tay. Để kiếm sống, Shi đi làm công nhân để nuôi vợ, con trai và người cha 81 tuổi Shi Jigong bị viêm loét dạ dày mãn tính.
Gia đình bốn người sống trong một ngôi nhà đơn sơ bằng gạch và bê tông, trang trí bằng tranh vẽ của cậu con trai Shi Zhengang, một trong ba học sinh ở trường làng. Bữa ăn thường chỉ có khoai tây, bánh mỳ và rau. Thịt là thứ xa xỉ chỉ có vào dịp đặc biệt.
Đối với ông Xiao Changlin, 71 tuổi, một nông dân khác ở Lumacha, làm nông là lựa chọn duy nhất. Các con ông đều đã chuyển tới thành phố Lan Châu, thủ phủ tỉnh Cam Túc để làm việc, còn ông ở lại với người vợ đau ốm triền miên.
Dù thất vọng vì trong làng còn rất ít trẻ em nhưng hiệu trưởng Feng thừa nhận những người lên thành phố được học hành tốt hơn sẽ có tương lai tươi sáng hơn.
Mẹ của cậu bé Chang, cô Gao Jinxia, làm việc ở nông trại khoai tây, nói rằng tất cả những gì cô hy vọng là con trai có một cuộc sống tốt hơn khi học xong.
"Tôi hy vọng khi lớn lên nó có thể làm việc ở thành phố và rời khỏi vùng nông thôn này", cô nói, cười rạng rỡ với suy nghĩ đó.
Ba học sinh của Feng đều biết rõ những thứ lớn hơn và tốt hơn đều nằm bên ngoài ngôi làng này. Khi được hỏi về mơ ước tương lai, Chang, cậu bé nhỏ nhất, nói muốn trở thành phi hành gia.
"Cháu muốn bay vào vũ trụ và khám phá nó", cậu bé hào hứng chia sẻ, đồng thời mong muốn được chuyển đến thành phố Thượng Hải ven biển nhộn nhịp để theo đuổi giấc mơ.
"Cháu muốn làm việc chăm chỉ và trở nên giàu có. Chỉ khi đó cháu mới mua được nhà thật to cho bố mẹ và cho cả cháu", Chang nói.
Huyền Lê