Nằm cách thành phố Thượng Hải khoảng một giờ lái xe, thị trấn Vu Thành (Yucheng), huyện Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, nổi tiếng nhất với nho, cây dâu tằm và những hồ rùa. Hè qua, chính quyền thị trấn quyết định chọn đồ chơi tình dục làm hướng phát triển và tạo bản sắc cho kinh tế địa phương, theo SCMP.
Mong muốn biến Vu Thành thành nơi đáp đứng mọi nhu cầu về sản phẩm dành cho người lớn, chính quyền địa phương đã ký thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với một công ty Trung Quốc để biến thị trấn yên tĩnh ven sông ở vùng châu thổ sông Trường Giang thành "Thị trấn Hạnh phúc". Theo đó, Vu Thành sẽ có phố mua sắm đồ chơi tình dục, trung tâm triển lãm tình dục và một khách sạn chỉ dành cho người lớn.
Giấc mộng phát triển Vu Thành bắt nguồn một phần từ kế hoạch tạo ra một nghìn "thị trấn cuốn hút" trên khắp Trung Quốc của chính quyền trung ương. Đây là nỗ lực nhằm xây dựng diện mạo mới cho nông thôn Trung Quốc, đồng thời ngăn chặn sự sụt giảm của các thị trấn nhỏ ở nông thôn trước đà đi lên lớn mạnh của các thành phố trong nhiều thập niên qua.
Theo chính sách này, kinh tế địa phương sẽ được phát triển theo hướng có yếu tố "văn hóa", có một ngành công nghiệp đặc trưng và một môi trường phù hợp cho con người sinh sống. Hình mẫu tham khảo là những Greenwich ở Connecticut, Mỹ nổi tiếng với quỹ đầu tư Hedge Fund, hay Hershey ở Pennsylvania với nhà máy chocolate.
Giữa lúc các làng và thị trấn khắp Trung Quốc hối hả tìm lối đi riêng trong chiến lược chung phù hợp với mong muốn biến Trung Quốc thành một đất nước tươi đẹp trước năm 2050 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Vu Thành chọn đồ chơi tình dục.
Với chính quyền Vu Thành, dự án "Thị trấn Hạnh phúc" là một động cơ tăng trưởng mới cho kinh tế. Hồi tháng 8, chính quyền của thị trấn 22.000 người cho hay nơi này dựa vào các ngành công nghiệp tiêu tốn năng lượng và gây ô nhiễm như nhuộm, sản xuất bộ phận máy móc và kéo sợi tơ để tạo ra phần lớn thu nhập.
Nhà phát triển được chọn mặt gửi vàng cho dự án là JC Group có trụ sở ở thủ phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Đơn vị hiện sỡ hữu 59 dự án "thị trấn cuốn hút" đang trong giai đoạn trên bản vẽ hoặc trong quá trình xây dựng.
Một người phát ngôn của công ty cho biết việc thiết kế dự án "Thị trấn Hạnh phúc" dựa trên những ưu thế trong hoạt động sản xuất của Vu Thành dù dấu hiệu chính của hoạt động ở thị trấn này trong một ngày tháng 11 gió hiu hiu chỉ là vài chục ngư dân đan lưới đánh cá và chơi bài bên sông.
Ông Xu Xueguan, người dân Vu Thành sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ, cho biết theo kế hoạch phát triển mới, ngôi nhà bằng gạch hai tầng của ông sẽ bị phá bỏ để làm điểm du lịch. Ông không biết về thông tin đồ chơi tình dục, song mừng là nhà máy nhuộm gây ô nhiễm hồ gần nhà sẽ sớm ra đi.
Trong khi đó, Xu Xiaojun, anh con trai 28 tuổi của ông trở lại thăm nhà từ Hàng Châu, cố đưa ra một lời giải thích cho việc Vu Thành tái xây dựng thương hiệu kinh tế. "Có khả năng vì Vu Thành là một đầu mối giao thông, nằm gần hầu hết các thành phố lớn", anh nói.
Theo đuổi chiến lược "thị trấn cuốn hút", chính phủ Trung Quốc hy vọng thu hút quỹ đầu tư và nhân tài quay lại các vùng nông thôn, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị nảy sinh trong quá trình phát triển.
Các con số thống kê chính thức cho thấy, trong năm 2016, thu nhập sau thuế của một người dân đô thị trung bình là hơn 5.000 USD, gấp 2,71 lần thu nhập trung bình của một người dân nông thôn. Cùng năm này, hơn 90% hộ gia đình ở thành phố sử dụng nước máy và hệ thống cấp khí đốt trong khi chỉ 70% hộ gia đình ở các làng Trung Quốc có nước máy và chỉ 20% được kết nối với hệ thống khí đốt.
Trong tình hình đó, Chiết Giang với nhiều thị trấn nhỏ như Vu Thành, hiện lên như một gợi ý cho mô hình phát triển. Năm 2015, người đứng đầu tỉnh Lý Cường công bố kế hoạch trị giá 75,545 tỷ USD với mục tiêu trong ba năm tạo ra 100 "thị trấn cuốn hút" trong tỉnh, với mỗi thị trấn có một bản sắc riêng.
Chính quyền địa phương sẽ dành khu vực rộng đến ba km2 để xây dựng một công viên hay dạng tụ điểm khác có thể thu hút nhiều người tiêu dùng. Tỉnh cam kết mở thêm đất và hoàn thuế nếu mục tiêu biến các thị trấn thành địa điểm hút khách du lịch được đáp ứng.
Sáng kiến "thị trấn cuốn hút" của Chiết Giang trở thành một chiến lược quốc gia đầu năm ngoái sau khi ông Tập Cận Bình thăm nơi đây hồi tháng 5/2015. Tỉnh Chiết Giang là nơi ông Tập làm việc trong năm 2002-2007. Cá nhân ông cũng ủng hộ phong trào xây dựng các "thị trấn cuốn hút" làm cách tiếp cận mới trong đô thị hóa.
Trong hai đợt, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc đã cấp phép cho 403 "thị trấn cuốn hút" cấp quốc gia. Nhưng con số này ở các địa phương còn lớn hơn, một hệ quả của không khí háo hức tham gia của chính quyền sở tại.
Giáo sư Lu Ming, nhà kinh tế học tại Đại học Giao thông Thượng Hải cho rằng nói chiến dịch này là chìa khóa cho mô hình đô thị hóa của Trung Quốc chỉ là một sự thổi phồng. Ông chỉ ra tổng dân số của 1.000 "thị trấn cuốn hút" cũng chỉ là giọt nước trong đại dương dân số ở đô thị Trung Quốc. Chỉ 12% trong 1,38 tỷ dân Trung Quốc sống tại hơn 18.000 thị trấn của quốc gia này.
Theo ông, các thị trấn này còn khó tồn tại trong dài hạn do không có nhu cầu cao về dịch vụ hay sở hữu sản xuất chất lượng cao như các thành phố lớn.
Trong khi đó, Hu Zhiyong, phó giáo sư tại Đại học Giáo dục Hong Kong, khoa Nghiên cứu châu Á và chính sách, đánh giá những khu vực đang phát triển "thị trấn cuốn hút" trên thực tế cần được phát triển các thành phố loại lớn và vừa.
"Nếu tất cả những thị trấn nhỏ này phục vụ các thành phố, chuyện gì sẽ xảy ra với các ngành công nghiệp nông nghiệp ở các khu vực nông thôn? Khoảng cách đô thị - nông thôn có thể bị nới rộng và hoàn toàn trái ngược với ý muốn của chính phủ", Hu nói thêm.
Các quan chức cũng quan ngại việc mất đất do mở rộng đất công nghiệp từng xảy ra trong những năm 1990. Chính quyền trung ương đã đưa ra cảnh báo các nhà phát triển không được dùng đất rẻ của dự án để phát triển bất động sản.
Tại một diễn đàn đô thị hóa hồi tháng 7, Xu Lin, giám đốc kế hoạch phát triển tại Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho hay, nhiều "thị trấn cuốn hút" đã biến thành "thị trấn ma" do không có dân cư hay công nghiệp. Tình trạng các thị trấn bắt chước nhau đang diễn ra, phá vỡ mục tiêu bản sắc riêng đề ra trước đó.
Thị trấn Đại Đường (Datang) ở phía nam Hàng Châu, nhà sản xuất tất lớn nhất thế giới, đang xây dựng lại thương hiệu là Thị trấn Tất. Thị trấn Đại Vân (Dayun) cách Vu Thành 30 km từng tập trung sản xuất thức ăn động vật giờ đây tự quảng bá là Thị trấn Kẹo sau khi mở một nhà máy chocolate. "Nhiều thị trấn chỉ thay đổi cách tiếp thị. Cơ bản mà nói là rượu mới trong bình cũ", Hu cho hay.
Vũ Phong