Nông thôn bừng tỉnh sau 'cái đêm hôm ấy đêm gì'
Trước năm 1986, người dân làng Láng (Thanh Hóa) uể oải ra đồng chờ kẻng lấy công, ai đóng gạch, nấu rượu, làm bánh bán… đều bị bắt và xử phạt. Cuộc đổi mới toàn diện khiến cả làng như bừng tỉnh.
Những bất cập trong cơ chế quản lý thời bao cấp đã thúc đẩy lãnh đạo đất nước đưa ra nhiều quyết sách "phá rào", thúc đẩy sản xuất, mở đầu là Chỉ thị 100 - mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã và Khoán 10 - giao đất cho hộ gia đình.
Ông Lê Ngọc Duyên (85 tuổi), người có thâm niên 16 năm làm Bí thư và Chủ tịch xã Phú Yên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), cho hay năm 1982 chính sách khoán 10 bắt đầu được triển khai và cũng từ đây, bộ mặt nông thôn dần khởi sắc. “Với khoán 10, người nông dân như được cởi trói. Bà con được làm chủ ruộng đồng, làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu khiến ai nấy đều phấn khởi. Không ai còn tâm lý ỷ lại, lười nhác như trước”, ông Duyên nói.
Được tự chủ trên mảnh ruộng của mình, người nông dân mạnh dạn tìm những loại cây và con giống tốt để gieo trồng, chăn nuôi. Theo ông Duyên, chỉ sau một năm thực hiện giao khoán, năng suất lúa ở hợp tác xã Phú Yên đã tăng lên 6 tấn/ha. Và vài năm sau, nhiều hộ trong làng đã thoát cảnh thiếu lương thực.
“Cũng cảnh ra đồng nhưng người nông dân khác những năm “đánh kẻng lấy công” rất nhiều. Bà con làm việc hăng say, không quản nắng mưa, sớm hôm mà chỉ mong cho thửa ruộng được mùa, bông lúa, bắp ngô sai hạt”, bà Hoàng Thị Liên (72 tuổi, ở xã Phú Yên) nhớ lại.
Đến năm 1986, Đảng thực hiện chương trình đổi mới toàn diện càng làm cho nền kinh tế ở nông thôn phát triển mạnh mẽ. Không chỉ với nông nghiệp mà các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt là thương mại cũng được chú trọng.
“Cảnh ngăn sông cấm chợ không còn, buôn bán giao thương mở rộng khiến kinh tế hộ gia đình, thu nhập ổn định”, ông Phùng Gia Miện (76 tuổi) nói. Ông Miện cho hay, trước năm 1986, ai đóng gạch, nấu rượu, làm bánh bán… đều bị bắt và xử phạt, nhưng quy định này sau đó được bãi bỏ. Các lò gạch thủ công được xây tự do, làng trên xóm dưới, nhà nhà thi nhau đóng gạch. Cũng từ đây nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên thay cho những căn nhà đất dột nát tạm bợ.
Trong ký ức của nông dân Trình Văn Thành (62 tuổi, xã Phú Yên), thời bao cấp là “những năm tháng ngột ngạt”. Sau khi xuất ngũ năm 1972, ông Thành về quê tham gia lao động sản xuất cùng vợ con. Bản tính người lính ham lao động, tuy nhiên ông bảo, mọi thứ từ ruộng đất, trâu bò hợp tác đều quản lý, tính công theo kiểu cào bằng khiến ông cũng không hăng hái làm việc vì có làm tốt cũng không được đánh giá đúng năng lực.
“Nhìn cảnh vợ con đói ăn, quần áo rách rưới trong lòng đau xót mà đành bất lực”, nói đến đây, ông Thành rơi nước mắt. Ông cho hay, để vượt qua những mùa giáp hạt, thiếu đói ông phải đi bộ 30-40km mua sắn gạc nai gác bếp mang về giã nhỏ trộn với lá bầu lào nắm thành bánh ăn qua ngày. Chuyến đi nhớ nhất trong đời là lần ông ngược mạn Lang Chánh mua sắn. Mua được 10kg, lúc quay về đến Phố Cống (huyện Ngọc Lặc) thì bị quản lý thị trường chặn lại, ông Thành van vỉ họ cho qua nhưng bị thu mất 5kg. Đi thêm mấy cây số, lại bị một tốp “người nhà nước” thu thêm một nửa, ông mang về vẻn vẹn hơn 2kg củ sắn còng queo cho vài đứa con nhỏ.
Sau khi có chính sách khoán 10 và những năm đổi mới, gia đình ông Thành bung ra làm ăn. Ngoài ruộng đất được chia theo đầu khẩu, ông còn khai hoang phục hóa nhiều thửa đất xấu, đào ao thả cá, nuôi thêm trâu bò, lợn gà theo mô hình kinh tế trang trại.
“Rõ ràng những năm gần đây, đời sống kinh tế không chỉ ở thành thị mà hầu hết các vùng nông thôn đều có thay đổi rõ nét. Trẻ được ăn ngon, mặc đẹp, được học hành đầy đủ”, ông Thành nhận xét.
Nhiều năm liền, gia đình ông Thành là hộ sản xuất giỏi ở địa phương. Cơ ngơi của gia đình là căn nhà cấp 4 khang trang với đầy đủ tiện nghi hiện đại. Ba người con trai của ông đều học hành đỗ đạt, thoát ly làm kỹ sư ở các thành phố lớn. Nay dù tuổi cao nhưng ông Thành vẫn gắn bó với đồng ruộng. Ngoài làm một mẫu ruộng, gia đình ông nuôi thêm ong lấy mật… Tổng thu nhập chỉ tính riêng hai vợ chồng ông Thành mỗi năm cả trăm triệu đồng.
Không riêng gia đình ông Thành mà hầu hết các hộ dân khác ở làng Láng, Phú Yên sau “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (*) đều có kinh tế ổn định, số hộ nghèo không còn đáng kể. Quanh các thôn xóm dù còn nhiều căn nhà cấp bốn cũ song đã được sửa sang kiên cố. Không ít gia đình ăn nên làm ra có nhà cao tầng, xe máy tốt… Đường làng ngõ xóm, hệ thống kênh mương nội đồng đã được bê tông hóa cơ bản.
Bộ mặt nông thôn thay đổi sau năm 1986.
Chủ tịch UBND xã Phú Yên Trịnh Đình Bình cho hay, dù còn nhiều khó khăn do giao thông không thuận lợi, đất đai manh mún, ngân sách hạn hẹp song những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP của địa phương luôn đạt trên 15%, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 20 triệu/người/năm, địa phương đang phấn đấu đến 2020 nâng mức thu nhập bình quân lên 40 triệu đồng/người. Xã Phú Yên cũng đạt 15/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đang phấn đấu về đích vào cuối năm 2017. Các trường học ba cấp ở xã này cũng đã hoàn thành chuẩn quốc gia giai đoạn một.
Với mô hình quản lý kinh tế, xã hội tập trung, bao cấp, Việt Nam trải qua nhiều khủng hoảng. Mùa đông năm 1986, Đại hội VI của Đảng diễn ra từ 15 đến 18/12, Tổng bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Ông cùng đội ngũ lãnh đạo đất nước đã quyết định “bẻ lái”. Nhân dịp này, VnExpress đăng loạt bài về một thời khó quên trước, trong và sau Đổi mới. |
(*) "Cái đêm hôm ấy... đêm gì" là tiêu đề bút ký nổi tiếng cuối năm 1987, đầu năm 1988 của cố nhà văn Phùng Gia Lộc. Lấy bối cảnh làng Láng (Phú Yên, Thọ Xuân, Thanh Hóa - quê hương tác giả), tác phẩm kể về thực trạng nông thôn và cuộc sống đói khổ của người nông dân những năm trước Đổi mới.
Lê Hoàng