-
15h00
Kim ngạch thương mại Việt Nam sang châu Âu hơn 15 tỷ Euro
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8, sau gần 10 năm đàm phán với cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế 7-10 năm tới. EU, thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, được ví như "đường cao tốc" đem tới cơ hội cho nhiều hơn các sản phẩm nông sản Việt Nam đến với thị trường 27 quốc gia này.
Theo Bộ Công Thương, các mặt hàng nông nghiệp Việt chiếm khoảng 8,4% trong tổng nhập khẩu của EU. Trong đó, nhóm giá trị nhất là: cà phê, khô dầu đậu tương, đậu tương, dầu cọ và hạt ca cao. Mức thuế suất hiện nay trong khoảng 7,5-11,5% tùy từng dòng hàng giảm về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực từ tháng 8 năm nay. EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp tăng kim ngạch thương mại của Việt Nam sang châu Âu hơn 15 tỷ Euro và hơn 8 tỷ Euro từ châu Âu sang Việt Nam mỗi năm.
Cơ quan quản lý cũng cho rằng thỏa thuận này càng có ý nghĩa hơn khi EU và Việt Nam là hai thị trường bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu hàng hóa mà EU không có thế mạnh hoặc không sản xuất được như cà phê, điều, trái cây nhiệt đới...
Khi yếu tố thuế quan không còn là vấn đề thì chất lượng sản phẩm và nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ quyết định khả năng tận dụng cơ hội của nông sản Việt. Để tận dụng hiệu quả các lợi ích từ EVFTA, Việt Nam cần làm gì để tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng tiêu chí xuất xứ, thu hút đầu tư mở rộng sản xuất các mặt hàng mà Việt Nam có khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, EVFTA sẽ mang đến những thách thức nào, doanh nghiệp phải ứng phó ra sao trước những vận hội mới. Những nội dung thảo luận trong tọa đàm "EVFTA cho nông sản Việt - thích nghi và bứt phá", diễn ra lúc15h ngày 27/10, trực tiếp trên VnEpxress.
Tọa đàm do bà Bùi Kim Thùy, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng cố vấn Harvard điều phối. Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia của ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp kiêm Tổng Giám đốc l’amant cafe; bà Trần Phước Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu.
-
15h08
EVFPT - điểm sáng trong suy thoái kinh tế toàn cầu
Mở đầu toạ đàm, bà Bùi Kim Thuỳ nhận định, đây là khoảng thời gian căng thẳng trên toàn thế giới do ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên EVFTA là một điểm sáng hiếm hoi, đặc biệt có ý nghĩa với một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Sau 3 tháng có hiệu lực, hiệp định bắt đầu tác động đến sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.
Chia sẻ về EVFTA, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp kiêm Tổng giám đốc l’amant cafe cho biết, đây là một cơ hội lớn cho doanh nghiệp nông sản nói chung. Riêng công ty của ông Hiệp xuất khẩu khoảng 40% sản lượng cà phê của Gia Lai và có thể tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiệp định này cũng đòi hỏi sự minh bạch, cạnh tranh công bằng từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp Việt phải xây dựng lại từ đầu, để người tiêu dùng châu Âu chấp nhận nông sản Việt như hàng hoá từ các nước có nền nông nghiệp phát triển.
"Chúng ta phải hiểu rõ các rào cản, quy định, để kiểm soát chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên sự bất cập của sản xuất nông nghiệp trong nước còn nhiều, không chỉ nằm ở doanh nghiệp mà còn ở các chế tài, cơ quan quản lý. Đặc biệt vật tư nông nghiệp hiện nay còn thiếu nhiều", ông Hiệp nói.
Trước khi EVFPT có hiệu lực, bà Trần Phước Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu cho biết đã hưởng thuế suất 0% với mặt hàng hồ tiêu. Bà cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành đều nghĩ tới viễn cảnh nông sản Việt Nam sẽ đến với thị trường châu Âu một cách dễ dàng. "Và hiện nay thực tế, các nước ở khối châu Âu đã biết nhiều và quan tâm đến hồ tiêu Việt Nam rồi", bà nói.
-
15h17
'Thị trường lớn nhưng nhiều trạm kiểm soát'
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dù có nhiều trở ngại, khó khăn, từ ngày 1/8, các doanh nghiệp vẫn tăng xuất khẩu sang thị trường EU. Điều này cho thấy hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội thuận lợi để đi ra thị trường lớn, giàu có. Ông Tuấn gọi đây là "đường cao tốc mà không có trạm thu phí", vì thị trường EU như "một chợ" có 511 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu USD, nhập khẩu 160 tỷ USD hàng nông lâm thuỷ sản mỗi năm. Trong đó, Việt Nam mới xuất sang 4 tỷ USD mỗi năm, đạt 2,5% so với yêu cầu từ thị trường này.
EVFTA sẽ xoá bỏ 85% dòng thuế về 0, sau 7 năm sẽ tiến tới 99% dòng thuế. "Thị trường tiềm năng lớn, không thu phí nhưng trạm kiểm soát rất nhiều", ông Tuấn nhấn mạnh. Trạm kiểm soát theo vị này là vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn môi trường, lao động mà doanh nghiệp phải chấp nhận.
"Tuy nhiên, các doanh nghiệp từ trước khi EVFTA hiệu lực, nếu đã qua cửa châu Âu thì sang các thị trường khác rất dễ dàng", vị này nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị sẵn sàng với EVFTA. Ai cũng nắm rõ mọi thông tin trên các trang mạng và từ hội nghị bên lề. Việc tự tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội trong những nội dung của hiệp định càng giúp doanh nghiệp chọn đúng thế mạnh của mình.
Hiện nay, những quy định mới trong nông nghiệp về truy xuất nguồn gốc đã trở nên phổ biến. Tiêu chuẩn, quy chuẩn đang từng bước hoàn thiện theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, hội nhập của EVFTA cũng là bước kiểm tra tốt để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng.
"Người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng mua hàng với mức giá cao hơn một chút nếu thương hiệu tốt, chất lượng đảm bảo. Tuy nhiên đây là cuộc chơi lâu dài, không thể ngày một, ngày hai mà hoá rồng ngay được", ông Đỗ Anh Tuấn nói.
-
15h35
E ngại minh bạch chất lượng xuất khẩu
Nói về sự hỗ trợ của cơ quan Nhà Nước với doanh nghiệp, ông Thái Như Hiệp cho rằng, với một doanh nghiệp lớn, đây là vấn đề không khó, chỉ khó với các doanh nghiệp nhỏ chưa tìm hiểu, chưa có mục đích xuất khẩu, chưa hiểu rõ EVFTA là như thế nào.
Đại diện doanh nghiệp này cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhà Nước khi liên tục cập nhật và trao đổi với doanh nghiệp ngay trước khi hiệp định khởi động.
Tuy nhiên, vị này đặt ra vấn đề minh bạch về sản phẩm của doanh nghiệp Việt khi chất lượng lẫn lộn, từ đó dẫn đến các vấn đề liên quan chống phá giá, giá cả...
"Sản phẩm Việt Nam không có chất lượng minh bạch sẽ dễ mất trắng trên sân nhà", ông Hiệp nói.
-
15h45
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong EVFTA
Nhà mua EU rất quan tâm đến trách nhiệm xã hội của đối tác làm ăn với mình trên toàn thế giới. Trả lời câu hỏi từ người điều phối đưa ra: doanh nghiệp Việt cần chú ý những vấn đề gì khi thuyết phục đối tác EU làm ăn, bà Trần Phước Hậu cho biết, EVFTA là điều kiện cần, nhưng tự thân doanh nghiệp cần tạo ra điều kiện đủ.
"Từ năm 2018, chuẩn bị cho thị trường lớn là EU, doanh nghiệp đã tìm hiểu thị trường này cần những tiêu chuẩn gì, từ đó xác định thứ nhất là chất lượng, thứ hai là đạo đức xã hội - chuyện tất nhiên của một doanh nghiệp", bà Hậu nói.
Theo đó, Công ty liên kết với người dân xây dựng chương trình hồ tiêu bền vững, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và nông hộ trên vùng nguyên liệu 1.000 hecta. Công ty cung cấp người nông dân kỹ thuật, có một đội ngũ sẵn sàng xuống nông hộ hỗ trợ người dân khi cần. Đơn vị còn xây dựng trường học cho các em ở vùng dân tộc thiểu số, chú trọng quyền phụ nữ, quan tâm đến các nông hộ có chủ là phụ nữ.
Bà Hậu cho biết thêm, nhiều tổ chức châu Âu sẵn sàng giới thiệu về trách nhiệm xã hội của các nhà xuất khẩu Việt Nam, có riêng một tổ chức cử cán bộ tới kiểm tra, giám sát xem doanh nghiệp theo đúng tiêu chuẩn.
-
15h50
Cơ hội để doanh nghiệp tự nâng cấp
Theo bà Bùi Kim Thùy,cơ hội EVFTA mang lại cũng đi liền với thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt. Châu Âu là thị trường khó tính nhất, với nhiều tiêu chí chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ. "Đây cũng là cái khó cho doanh nghiệp Việt", người điều phối đánh giá.
Ông Hiệp đồng ý với quan điểm này. Ở góc độ người tiêu dùng châu Âu quan tâm đến dư lượng chất cấm, chất bảo vệ thực vật trong nông sản. "Doanh nghiệp phải hiểu rằng khi bước ra một sân chơi lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu cao hơn. Chúng ta không còn bán hàng trong những thị trường chỉ quan tâm giá rẻ nữa", ông Hiệp nói.
Bằng cách nâng cao nhu nhập, điều kiện làm việc của người nông dân ở những vùng nguyên liệu, công ty của ông Hiệp đang dần dần đưa chất lượng cà phê đi lên.
"Áp lực với nghành nông nghiệp mà cụ thể là cây cà phê đã kéo dài hàng chục năm nay. Mà người nông dân thì sản xuất nhỏ lẻ, muốn phát triển được thì phải liên minh họ lại", ông Hiệp chia sẻ.
Khi yêu cầu, tiêu chuẩn, thị trường đi lên thì doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp mình. Ông Hiệp gọi đây là quá trình biến thách thức thành cơ hội, biến áp lực thành động lực để đững vững giữa một cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu.
-
15h56
Xây dựng chuỗi cung ứng
Về vấn đề sản phẩm có tồn dư về hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, bà Trần Phước Hậu, chia sẻ về câu chuyện của doanh nghiệp. Từ năm 2018, công ty tính vào thị trường Mỹ, bắt buộc mỗi cơ sở sản xuất phải có ban An toàn thực phẩm, người đứng đầu có bằng cấp, tạo thuận lợi doanh nghiệp tiến vào thị trường khi có những nghiên cứu kỹ về quy chuẩn.
Từ năm 2017-2018, công ty khi kiểm nghiệm các mẫu đều dính dư lượng thuốc trừ sâu. Những năm gần đây, với 1.500 mẫu kiểm định mỗi năm, chỉ phát hiện hai mẫu dính, dư lượng giảm dần. Bà Hậu cho biết, mấu chốt nằm ở việc doanh nghiệp đồng hành cùng người dân, đảm bảo họ theo chương trình, các lớp tập huấn về phát triển bền vững.
"Xây dựng chuỗi cung ứng là điều tất yếu nếu bước vào thị trường lớn hơn. Một mình doanh nghiệp không thể tự làm được mà cần tận dụng các kênh như hiệp hội, phòng thương mại, cục xúc tiến, các tổ chức phi chính phủ... Tất cả các kênh này đều có đẩy đủ thông tin, chỉ cần doanh nghiệp chủ động hơn", bà Hậu chia sẻ.
-
16h03
Cuộc chơi "win - win" giữa Việt Nam và châu Âu
Liên kết chuỗi là câu chuyện chưa bao giờ dừng bàn đến của nông nghiệp Việt, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn. Điều này để đảm bảo chất lượng, đưa nông sản ra thị trường với giá cả phù hợp.
Hiện Việt Nam có rất ít các doanh nghiệp có thể khép kín chuỗi sản xuất từ đất đai, nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thị. Do đó, liên kết chuỗi là tính tất yếu.
"Chúng ta có rất nhiều hiệp định, quy định, hỗ trợ để kéo doanh nghiệp vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Nhiều nông dân có cơ hội sang nước ngoài học hỏi thông qua những chương trình hợp tác do bộ ngành thực hiện", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn đánh giá EVFTA cũng là hiệp định hiếm hoi hạ thuế hàng chế biến về 0%. Trong khi hầu hết các thị trường lớn muốn nhập khẩu hàng thô, chế biến tại quốc gia mình và xuất ngược trở lại. Cơ hội lớn này sẽ giúp doanh nghiệp chế biến trong nước tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào. Đồng thời nông sản Việt cũng không cần chịu mức ép giá như trước.
-
16h10
Điều phối viên đặt vấn đề về "gia công" nông sản cho các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang EU với thương hiệu khác. Là chủ một doanh nghiệp cà phê, ông Thái Như Hiệp chia sẻ doanh nghiệp này coi đây là bước đầu tiên. "Khi doanh nghiệp chưa vững vàng thì lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài để tồn tại. Vậy tại sao lại không làm?", vị này bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Hiệp nói thêm, gia công cho thị trường nước ngoài có yêu cầu cao về chất lượng ổn định, kiểm định qua nhiều thế hệ, khác với gia công nội địa có sự bấp bênh, không rõ ràng, minh bạch về chất lượng. Cái khó nữa còn ở tính liên kết. Ví dụ về xây dựng hợp tác xã trồng cà phê, theo ông, chỉ liên kết được một phần nhỏ ở một tỉnh. Khi mở rộng, đặt vấn đề kết nối với hợp tác xã tỉnh khác thì rất khó khăn vì tư duy lạc hậu, đố kỵ.
-
16h20
Doanh nghiệp Việt cần dũng cảm hơn
Trước thị trường châu Âu được coi là "khó tính", đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra lời khuyên với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, tiêu chuẩn từ thị trường châu Âu chính là tiếng nói người tiêu dùng tại đây, nên việc đầu tiên, doanh nghiệp cần chú trọng vào tiêu chuẩn chất lượng.
Thứ hai, doanh nghiệp cần tận dụng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, ví dụ cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc. "Muốn làm vậy, hàng hoá cần chuẩn chỉnh, làm thật tốt", ông Tuấn nhấn mạnh.
Thứ ba, theo ông, trong bối cảnh Covid-19, đồ chế biến sẵn được ưa chuộng, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư các mặt hàng này. "Cần phải làm nhanh, chớp cơ hội, dũng cảm hơn, nhất là khi việc chuyển giao công nghệ, nhập máy móc thiết bị không quá khó so với cách đây 10 năm".
Đối với việc truy xuất nguồn gốc, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết hiện nay Việt Nam bắt buộc doanh nghiệp phải có mã số trồng trọt. Vì đối với châu Âu hay nhiều nước có quan hệ thương mại với Việt Nam quy định phải ít nhất 40% nguyên liệu có nguồn gốc trong nước thì mới hưởng ưu đãi.
Bản thân mỗi nhà nhập khẩu châu Âu lại có một quy định về xuất xứ nguồn gốc riêng theo những quy định không đồng nhất. Bà Trần Phước Hậu chia sẻ doanh nghiệp cũng đang cố gắng duy trì việc này để đáp ứng thị trường EU bằng cách phát triển một ứng dụng. Người nông dân sẽ nhập các thông tin trong suốt quá trình tạo ra nông sản vào ứng dụng này. Đây là điều trước nay họ chưa từng làm.
Bên cạnh đó, chỉ dẫn địa lý cũng trở thành điều tất yếu với các sản phẩm có tiếng của Việt Nam như hồ tiêu, điều, cà phê. Một số vùng như hồ tiêu Phú Quốc khá nổi tiếng nhưng lại phục vụ du lịch chứ không phải vùng sản xuất chính.
Chỉ dẫn địa lý thuộc trách nhiệm của các bộ ngành, song thực hiện chưa hoàn thiện theo ông Thái Như Hiệp. Ở những quốc gia như Nhật Bản, chỉ dẫn địa lý rất chi tiết, đến mức ai cũng có thể dễ dàng tìm hiểu về một mặt hàng của Nhật.