Sau gần 3 tháng có hiệu lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã cho thấy những tác động tích cực đầu tiên đến sản xuất, xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhưng câu chuyện về thách thức, cách tận dụng triệt để vận hội lớn cho cuộc chơi dài hơi vẫn là chủ đề nóng của nhiều doanh nghiệp Việt.
Cao tốc vào thị trường nghìn tỷ đô
Chia sẻ tại tọa đàm "EVFTA cho nông sản Việt - thích nghi và bứt phá", chiều 27/10 trên VnEpxress, bà Trần Phước Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty CP thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu ví đây là giai đoạn "doanh nghiệp Việt bước sang trang mới". Công ty này 9 tháng đầu năm đã xuất tới 4.300 tấn hồ tiêu, chiếm tới 20% sản lượng, tăng so với mức 14% cùng kỳ năm trước.
"Một điều rõ ràng là khi nhắc đến EVFTA, thương hiệu Việt Nam đã đến gần hơn với người tiêu dùng châu Âu", chủ doanh nghiệp hồ tiêu chia sẻ.
Công ty bà Hậu là một trong số nhiều doanh nghiệp nông sản Việt hưởng lợi từ vận hội lớn mà EVFTA mang lại.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh sự "giàu có" của thị trường này. EU hiện có 511 triệu dân, quy mô GDP 15.000 tỷ USD thu nhập bình quân đầu người trên 35 triệu USD, nhập khẩu 160 tỷ USD hàng nông lâm thuỷ sản mỗi năm. Trong đó, Việt Nam xuất sang 4 tỷ USD mỗi năm, mới chiếm 2,5% so với yêu cầu từ EU.
EVFTA sẽ xoá bỏ 85% dòng thuế về 0, sau 7 năm sẽ tiến tới 99% dòng thuế. Nhưng thuế quan không phải tất cả. "Hội nhập của EVFTA cũng là bước kiểm tra tốt để loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng", ông Tuấn nhận định.
Châu Âu hay nhiều nước có quan hệ thương mại với Việt Nam quy định phải ít nhất 40% nguyên liệu có nguồn gốc trong nước thì mới hưởng ưu đãi. Châu Âu là thị trường khó tính nhất, với nhiều tiêu chí chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, Canada. Với tiêu chuẩn chất lượng khắt khe từ EVFTA, theo ông Tuấn, các doanh nghiệp nếu đã qua cửa châu Âu thì sang các thị trường khác rất dễ dàng.
Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các thị trường lớn muốn nhập khẩu hàng thô, chế biến tại quốc gia mình và xuất ngược trở lại. Cơ hội lớn này sẽ giúp doanh nghiệp chế biến trong nước tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào. Đồng thời nông sản Việt cũng không cần chịu mức ép giá như trước.
Nhiều trạm kiểm soát
Bên cạnh ưu đãi về thuế quan từ EVFTA, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, doanh nghiệp Việt phải đối mặt với nhiều "trạm kiểm soát", đến từ yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, chuẩn môi trường, lao động.
Vấn đề minh bạch là từ khóa được nhắc lại nhiều lần từ ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty TNHH Vĩnh Hiệp kiêm Tổng giám đốc l’amant café. Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, đây là điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi chất lượng còn lẫn lộn, dẫn đến nhiều bất cập liên quan đến giá cả, bán phá giá. Trong khi đó, hiệp định EVFTA đòi hỏi sự minh bạch, cạnh tranh công bằng từ nguồn gốc đến chất lượng sản phẩm.
"Doanh nghiệp phải hiểu rằng khi bước ra một sân chơi lớn hơn, đồng nghĩa yêu cầu cao hơn. Chúng ta không còn bán hàng trong những thị trường chỉ quan tâm giá rẻ nữa", ông Hiệp nói.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, sự bất cập của sản xuất nông nghiệp trong nước còn nhiều, không chỉ nằm ở doanh nghiệp mà còn ở các chế tài, cơ quan quản lý. Đặc biệt vật tư nông nghiệp hiện nay còn thiếu nhiều.
Xây dựng chuỗi cung ứng
Dẫn ra thực trạng hàng chục năm nay của ngành nông nghiệp, mà cụ thể là cây cà phê là sản xuất nhỏ lẻ, chủ doanh nghiệp l’amant café cho rằng, muốn phát triển được thì phải liên minh người nông dân ở những vùng nguyên liệu. Hiện Việt Nam có rất ít các doanh nghiệp có thể khép kín chuỗi sản xuất từ đất đai, nguyên liệu, sản xuất đến tiêu thị.
Đồng quan điểm, bà Hậu chia sẻ: "Xây dựng chuỗi cung ứng là điều tất yếu nếu bước vào thị trường lớn hơn. Một mình doanh nghiệp không thể tự làm được mà cần tận dụng các kênh như hiệp hội, phòng thương mại, cục xúc tiến, các tổ chức phi chính phủ... ".
Bàn về liên kết chuỗi, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng điều này để đảm bảo chất lượng, đưa nông sản ra thị trường với giá cả phù hợp. "Chúng ta có rất nhiều hiệp định, quy định, hỗ trợ để kéo doanh nghiệp vào các chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Nhiều nông dân có cơ hội sang nước ngoài học hỏi thông qua những chương trình hợp tác do bộ ngành thực hiện", ông Tuấn nói.
Để bước vào thị trường lớn là EU, bên cạnh chất lượng là tiêu chí hàng đầu, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến đạo đức xã hội. Đại diện công ty CP thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu cho biết, các đối tác châu Âu rất quan tâm đến vấn đề này, họ sẵn sàng giới thiệu về trách nhiệm xã hội của các nhà xuất khẩu Việt Nam, có riêng một tổ chức cử cán bộ tới kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo đúng tiêu chuẩn.
"Khi yêu cầu, tiêu chuẩn, thị trường đi lên thì doanh nghiệp cũng phải tự nâng cấp mình. Đây là quá trình biến thách thức thành cơ hội, biến áp lực thành động lực để đững vững giữa một cuộc cạnh tranh mang tính toàn cầu", đại diện doanh nghiệp cà phê chia sẻ.
Xem diễn biến chính