Tại dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất 4 lĩnh vực trên được phép thử nghiệm, ưu tiên các dự án sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình tổ chức kinh tế hiện đại có tính khép kín và liên hoàn của nhiều đơn vị sản xuất gắn kết. Nguyên tắc hoạt động là tận dụng hiệu quả dịch vụ kết nối, hướng tới liên kết sản xuất có tính tuần hoàn. Việc này nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất, thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giảm phát thải và góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo dự thảo, dự án thử nghiệm sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và hợp tác với các đơn vị có chức năng phát hành trái phiếu xanh. Nhà chức trách đề xuất Nhà nước hỗ trợ 50%-70% phí đào tạo nghề, khóa học quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ carbon tự nguyện.
Thời gian của cơ chế thử nghiệm kéo dài tối đa 5 năm, có thể gia hạn một lần. Kết quả sẽ được sử dụng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, quy định quản lý chính thức.
Mức độ ưu đãi các chính sách nói trên sẽ dựa trên tiêu chí phân loại xanh. Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất chia làm hai loại gồm dự án tuần hoàn toàn phần (chuỗi hoạt động không phát thải nhà kính ra môi trường) và bán phần (tỷ lệ giảm phát thải nhà kính cao hơn tỷ lệ phát thải). Tiêu chí và xác nhận phân loại sẽ do Bộ Kế hoạch & Đầu tư cùng các bộ, ngành hướng dẫn thực hiện.
Ngoài nguyên liệu đầu vào, hai tiêu chí để tham gia cơ chế thử nghiệm là tính tác động về kinh tế, xã hội, môi trường và ứng dụng công nghệ.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các đề xuất này được xây dựng trên quan điểm chủ động thử nghiệm nhằm sớm tạo đột phá, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, cũng như tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Trước đó, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được đề cập tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022, song chưa thể hiện rõ khía cạnh kinh tế của mô hình này. Tại đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam năm 2022, Thủ tướng từng nhấn mạnh quan điểm đưa ra các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi phát triển mô hình kinh tế này.
Bảo Bảo