"Tôi mất khoảng 400.000 tệ (57.000 USD) khi 1/3 đàn lợn chết hồi năm ngoái. Giờ đây, tôi lại có nguy cơ thiệt hại thêm 200.000 tệ (28.500 USD) vì những con gà này. Tất cả vốn liếng của tôi đều không còn", Mo, một nông dân ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, cho hay.
Người đàn ông ở độ tuổi 50 này là một trong nhiều nông dân Trung Quốc bỏ lợn để chuyển sang nuôi gà sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, "xóa sổ" gần một nửa đàn lợn của đất nước.
Sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc giảm mạnh, với mức giá tháng trước tăng tới 110,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến tỷ lệ lạm phát tiêu dùng của đất nước bị đẩy lên mức cao nhất trong vòng 8 năm. Chi phí leo thang buộc người dân phải từ bỏ thịt lợn vốn rất được yêu thích để tìm tới những nguồn protein có mức giá phải chăng hơn như thịt gà, thậm chí là thịt chó.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tiêu thụ gia cầm bình quân đầu người đã tăng từ 8 kg năm 2014 lên 9 kg vào năm 2018. Con số này dự kiến đạt 11,4 kg/người vào năm 2020, dựa trên dữ liệu của Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hà Lan. Sản lượng gia cầm hàng năm của Trung Quốc cũng tăng hơn 3 triệu tấn trong năm nay.
Tuy nhiên, với nhiều nông dân từng chăn nuôi lợn như Mo, việc "đánh cược" vào gia cầm không mang lại hiệu quả như họ mong đợi ban đầu. Dữ liệu của chính phủ cho thấy từ tháng 6 đến tháng 11, giá bán lẻ thịt gà tăng 23% và giá trứng tăng 29%, nhưng do ngày càng có nhiều nông dân nuôi gà, giá sản xuất đã bị đẩy xuống đáy.
"Giá bán lẻ thịt gà thực sự tăng lên, khiến mọi người nghĩ rằng những nông dân nuôi gà như chúng tôi đang kiếm bộn tiền", một nông dân họ Chen cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi đang phải cắn răng chịu đựng và nhìn những tay thương lái thu lợi nhuận khổng lồ".
Chen đã nuôi gà hơn 10 năm và hiện sở hữu trang trại gồm khoảng 100.000 con gà ở ngoại ô thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Theo ông, những nông dân nuôi lợn ồ ạt chuyển sang nuôi gia cầm do dịch tả lợn châu Phi không có kinh nghiệm trong ngành này, khiến chất lượng thịt gà suy giảm và giá bán họ đưa ra cũng thấp hơn.
"Họ tranh nhau mua gà giống, đẩy giá gà con lên mức cao chưa từng thấy", ông cho hay. "Các yếu tố đó tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành công nghiệp chăn nuôi gia cầm".
Trong khi đó, mức giá thu mua gà thành phẩm mà thương lái đưa ra cho Chen hiện nay thậm chí thấp hơn thời kỳ dịch cúm gia cầm bùng phát ở Trung Quốc.
Dịch tả lợn châu Phi bắt đầu lây lan tại Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái, thời điểm không thể tồi tệ hơn với Mo. Khi đó, ông vừa thuê một mảnh đất mới để xây hai chuồng lợn, với chi phí ban đầu là 65.000 tệ (9.300 USD) tiền thuê đất mỗi năm và 300.000 tệ (43.000 USD) tiền xây chuồng.
"Khoảng 160 con lợn của tôi đã chết. Tôi bán 450 con còn lại khi chúng vẫn còn sống", Mo, người bỏ công việc tại một nhà máy khoảng 30 năm trước để nuôi lợn, cho hay. "Tôi phải tự đào hố chôn hàng chục con lợn mỗi ngày. Hầu như sau mỗi đêm tóc vợ tôi đều bạc đi trông thấy".
Sau khi bỏ đàn lợn để chuyển sang nuôi gà, Mo gỡ gạc được một phần vốn khi bán lô gà đầu tiên hồi tháng 9 với giá hời. Nhưng những lứa gà tiếp theo lại trở thành thảm họa khi thương lái hạ giá thu mua từ 18 tệ (2,5 USD) xuống 10 tệ (1,4 USD) mỗi kg.
"Mỗi con gà con có giá 8 tệ (1,1 USD) và tốn khoảng 16 tệ (2,3 USD) chi phí thức ăn. Tôi định bán chúng sau 65 ngày, nhưng qua thời điểm dự tính 90 ngày rồi mà vẫn không bán được. Hôm qua tôi đã bán lỗ 10.000 con gà", ông cho biết.
Tại thành phố Phật Sơn, cách trại gà của ông Mo khoảng 70 km, một nông dân nuôi gà mới vào nghề tên Chen Chunhua cũng phải chịu những mất mát tương tự sau khi hơn một nửa đàn lợn của cô chết hồi năm ngoái.
"Trái tim tôi tan nát khi phải tự tay chôn số lợn nhiễm bệnh của mình. Chúng vẫn còn sống khi bị chôn. Tôi không thể nuốt nổi chén cơm vài ngày sau đó", cô kể lại.
Giống như nhiều người trẻ Trung Quốc khác, người phụ nữ ngoài 30 này không muốn chuyển sang làm việc trong nhà máy vì sợ "mất tự do". Thay vào đó, cô quyết định nuôi gà trong trang trại lợn cũ của mình. Hồi đầu tháng, Chen bán tháo gần như toàn bộ 40.000 con gà, chỉ giữ lại khoảng 30 con để ăn Tết.
Chen ước tính cô bị lỗ khoảng 20.000 tệ (2.900 USD) từ khi chuyển sang nuôi gà, tương đương khoảng 20% số tiền lương hàng năm mà chồng cô kiếm được nhờ công việc tài xế xe tải cho một nhà máy gần đó.
"Hôm đầu tiên, các thương lái đề nghị mức giá 11,6 tệ (1,7 USD) mỗi kg, nhưng tới khi đến lấy gà vào hôm sau, giá họ đưa ra đã giảm xuống còn 11,2 tệ (1,6 USD). Tôi không thể cầm được nước mắt vì mất tiền", Chen cho hay, nói thêm rằng giống gà của cô đang được thương lái bán lẻ với giá ít nhất 30 tệ/cân (4,3 USD) trên thị trường.
Chính phủ Trung Quốc đang triển khai một loạt biện pháp đối phó hậu quả của dịch tả lợn châu Phi, bao gồm trợ cấp, giảm lãi suất cho vay, cấp bảo hiểm cho lợn sống, mở các khu đất để nông dân tái đàn lợn. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá nước này sẽ mất nhiều năm để khôi phục ngành chăn nuôi.
Mo và vợ hy vọng sớm có thể nuôi lợn trở lại. Nhưng sau khi đổ hết tiền tiết kiệm vào nuôi gà, cặp vợ chồng này không còn đủ vốn để mua lợn con, đặc biệt khi giá của chúng đã tăng khoảng 4 lần trong hơn một năm qua.
"Chúng tôi không còn gì để làm lại từ đầu", Mo nói.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)