Anh Bo là người đầu tiên đưa cây măng tây về trồng ở Cần Thơ có hiệu quả. Hơn ba năm trước, là tài xế xe tải chở hàng đi khắp nước, cây măng tây được anh chú ý khi đến Ninh Thuận, bởi loại cây này vừa có giá trị kinh tế lẫn dinh dưỡng.
Tuy nhiên, khi đưa măng tây về Cần Thơ trồng, anh Bo gặp trở ngại khi vùng Cờ Đỏ là đất phù sa trồng lúa, còn măng tây lại phát triển tốt trên đất hữu cơ. Để giải bài toán về đất trồng, đầu năm 2018, anh bắt đầu để ruộng hoang gần hai năm. Đây là cách để đất nghỉ sau những năm dài canh tác lúa liên tục.
Thời gian này, anh bắt tay chọn giống măng. Từ thông tin trên mạng và các nguồn khác, anh nhận định những giống măng tây trồng trong nước không phù hợp thổ nhưỡng phù sa. Anh Bo đã đến một nước vùng Đông Nam Á có khí hậu giống với Đồng bằng sông Cửu Long, tìm hiểu mô hình trồng măng tây. Dốc hết vốn liếng hơn 70 triệu đồng, ông mang về nước hai kg hạt giống măng.
Lần đầu trồng thử nghiệm, người nông dân gặp thất bại khi đất phù sa không hợp loại cây này. Không bỏ cuộc, anh vay ngân hàng 600 triệu đồng để cải tạo đất. "Đất phải lên luống, tôi đổ xuống hàng trăm tấn phân hữu cơ gồm rơm ủ mục, phân bò...", anh Bo nói và cho biết phải đầu tư luôn hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt nhằm giúp giảm công tưới.
Đầu năm 2020, khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh Bo xuống giống một lần nữa nhưng hiệu quả chưa cao. Hạt giống anh gieo xuống đất suốt hai tuần phát triển chậm. Trong khi đó, đất quá tốt, cỏ dại thay nhau mọc. Nhiều nông dân có ruộng lúa kề bên không biết anh đang trồng loại cây gì vì măng tây quá xa lạ với họ.
"Tôi không được ai ủng hộ khi trồng măng tây. Nhiều người còn sợ loại cây này ảnh hưởng sự phát triển của lúa", ông nhớ lại.
Phải 8 tháng sau khi trồng, giống rau ngoại nhập này mới phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch vài kg. Ba tháng cuối năm 2020, măng bắt đầu phát triển tốt và cho thu hoạch mỗi ngày gần 50 kg. Hiện, măng tây giá 60.000-100.000 đồng mỗi kg tùy loại, mỗi ngày anh Bo thu 3-5 triệu đồng.
Theo ông Bo, măng tây có điểm đặc biệt là càng lớn chúng sẽ tự nảy nở, đẻ ra cây mới. Người trồng cứ thế thu hoạch, không phải gieo trồng mới, chỉ việc chăm sóc và thu dọn những cây già.
"Quá trình trồng, cần chăm đất bằng bón thêm phân hữu cơ đúng thời điểm, lượng nước tưới phù hợp", anh nói và chia sẻ để thu hoạch măng tây, chỉ có thể dùng tay cắt từng cây nhỏ, không dùng máy móc. Với 1,5 ha măng tây của gia đình, anh Bo cần 5-7 người thu hoạch mỗi buổi sáng, sau đó phân loại, đóng gói đưa đi bán.
Để đưa loại rau mới lạ này ra thị trường, ban đầu anh mang ra chợ chào mời các sạp bán rau củ và các nhà hàng ở TP Long Xuyên (An Giang), Cần Thơ. Đến nay, thương hiệu măng tây của nông dân U50 đã có uy tín trên thị trường. Hơn nữa sản phẩm của anh đạt tiêu chuẩn của VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) nên đầu ra khá thuận lợi.
"Các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã liên hệ để bàn về việc cung cấp măng tây cho họ hàng trăm kg mỗi ngày. khiến tôi khó đáp ứng hết được", anh nói. Anh đang kêu gọi những nông dân cùng "chí hướng" đầu tư phát triển trồng loại cây này để có thu nhập tốt hơn.
Khó khăn nhất, theo anh Bo là chi phí đầu tư trồng măng tây khá lớn nên cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và ngành chức năng trong việc định hướng cũng như giải pháp về vốn để nông dân yên tâm phát triển.
TS Võ Thị Bích Thủy (Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ ) cho biết, măng tây là cây ưa gió và đất cát, nhưng có thể trồng ở đất phù sa, muốn sản lượng cao phải liên tiếp cải tạo đất. Loại cây này có giá trị dinh dưỡng, song vẫn còn kén người sử dụng do giá cao và khá xa lạ với nhiều người.
Theo bà Thủy, măng tây có thể thu hoạch chín tháng và ba tháng nghỉ trong năm để dưỡng cây mới, nông dân thường chọn thời điểm giá thấp để cho cây nghỉ. Với một lần gieo hạt, măng tây cho thu hoạch trong 7-10 năm.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, cho biết hiện địa phương chỉ có mô hình trồng măng tây của anh Bo. "Mô hình này đang tương đối hiệu quả, nếu đầu ra ổn định có thể nhân rộng", bà Hiếu nói và cho biết đơn vị sẽ hỗ trợ nông dân khi trồng măng tây.
Nguyên Anh