Theo báo cáo mới công bố của Oxfam với tiêu đề “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”, 10 năm qua, diện tích trồng lúa của Việt Nam giữ ở mức 7 triệu hécta mỗi năm dù diện tích đất lúa giảm dần. Năng suất lúa cũng được cải thiện đáng kể, từ 4 tấn trong năm 2001 lên 5,5 tấn một hécta trong năm 2011, cao hơn nhiều so với mức trung bình thế giới là 4,3 tấn và năng suất của một số nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan.
Tuy nhiên, các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Oxfam chỉ ra rằng dù rất chịu khó và nhạy bén nhưng thu nhập của người trồng lúa tại Việt Nam rất thấp. Ở đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước, thu nhập trung bình của người nông dân chỉ đạt 535.000 đồng một tháng, tương đương một nửa mức lương tối thiểu. Điều này dẫn tới các hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ không thể sống dựa vào trồng lúa mà phải dựa vào các thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác.
Thậm chí, khi giá lúa gạo lên cao, ông Trần Công Thắng - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay, người nông dân cũng chỉ được lợi rất ít. Cụ thể, năm 2008, khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD đầu năm lên trên 900 USD một tấn vào giữa năm, cao nhất từ trước tới nay thì giá bán gạo của người nông dân chỉ tăng chưa được 100 USD một tấn.
“Rõ ràng là nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo”, báo cáo nhấn mạnh. Không chỉ rõ ai được hưởng lợi nhất, nhưng phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang, báo cáo chỉ ra nông dân thường chỉ nhận được 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại rơi vào tay các trung gian (thương lái) và doanh nghiệp xuất khẩu.
Đồng tính với đánh giá trên, ông Nguyễn Đức Nhật - Giám đốc Viet Survey nêu thông tin, cách đây 3 năm, giá lúa gạo khoảng 4.700 một kg, giá phân bón từ 190 - 200.000 đồng một bao nhưng đến nay giá phân bón lên tới trên 500.000 đồng bao thì giá lúa gạo chỉ có 4.000 - 4.100 đồng một kg. Không chỉ vậy, cách đây 15 năm, trung bình với 3 hécta thì người nông dân chỉ cần vay 9 đến 10 triệu nhưng đến nay phải vay tới 200 triệu đồng. "Với áp lực như vậy thì người nông dân liệu có còn sức để tiếp tục ngành này nữa không?", ông Nhật nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi ích của người nông dân ngày càng nhỏ bé là do những chính sách của Nhà nước chưa phù hợp. "Hiện nay các chính sách về lúa gạo chủ yếu nhắm đến yêu cầu về an ninh lượng thực nên Nhà nước chỉ quan tâm nhiều nhất đến sản lượng bao nhiêu, vị thế xuất khẩu trên thế giới thế nào mà chưa quan tâm đến lợi ích của nông dân", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu.
Khi sắp xếp trong chuỗi ưu tiên, nông nghiệp cũng luôn ở vị trí cuối cùng. “Trước các đại hội, địa phương đều nêu mục tiêu làm sao có tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ cao hơn mặc dù địa phương đó có thế mạnh về nông nghiệp. Điều này dẫn tới đầu tư vào nông nghiệp đã có thời kỳ giảm rất mạnh, xuống còn 6,4% GDP và nay đang nhích dần lên mức 10%", bà Lan thẳng thắn.
Bên cạnh đó, việc quyền lực trên thị trường tập trung quá lớn vào hai tổng công ty lương thực (Vinafood 1 và Vinafood 2 chiếm gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam) cũng gây ra sự xung đột lợi ích trên thị trường. Mặc dù đã có Hiệp hội Lương thực (VFA) nhưng theo bà Lan, cơ quan này mang nặng lợi ích kinh tế nên khi đề xuất các chính sách, họ chỉ gắn với lợi ích riêng mà chưa hướng nhiều tới nông dân.
Cảnh báo về sự thua thiệt của người nông dân, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị để cải thiện vị thế cho những người "một nắng hai sương" trên đồng ruộng. Ông Thắng cho hay, Việt Nam cần phải thành lập Ban điều hành lúa gạo với sự tham gia của doanh nghiệp, nông dân, chịu trách nhiệm dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, quy hoạch vùng trồng lúa. Trong đó, người nông dân phải có vai trò, tiếng nói thực sự trong quá trình điều hành kinh doanh xuất khẩu gạo. Các chính sách trước khi áp dụng phải được thí điểm tại một số địa phương, đánh giá bằng các cơ quan độc lập rồi mới nhân rộng ra các địa bàn khác.
Đại diện Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, Tiến sĩ Đào Anh Tuấn cũng đề xuất nên thành lập các hợp tác xã để giúp nông dân tham gia vào chuỗi giá trị, có tư cách mặc cả về giá. "Các doanh nghiệp cũng kêu gọi cần có những hợp tác xã tập hợp nông dân để dễ dàng trao đổi, bởi họ không thể làm việc với từng doanh nghiệp được", ông Tuấn bày tỏ.
Huyền Thư