8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 4,678 triệu tấn gạo, trị giá FOB (các khoản chi phí như cước vận tải, phí bảo hiểm thuộc về trách nhiệm của bên mua hàng) 2,005 tỷ USD. So với cùng kỳ, số lượng xuất khẩu giảm 7,86%, trị giá FOB giảm 10,98% và giá bình quân hạ 15,04 USD/tấn.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo thế giới trong xu hướng giảm nên xuất khẩu gạo Việt cũng bị sức ép giảm giá vào cuối năm nay và kéo sang đến đầu năm 2014. Thời gian gần đây, giá gạo liên tục hạ kể từ khi Thái Lan quyết định giảm giá bán để giải quyết lượng tồn kho quá lớn không đủ chỗ chứa. Song song đó, Ấn Độ cũng dự kiến thu hoạch bội thu và xuất khẩu vượt kỷ lục đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá lương thực.
Đối với các nước nhập khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Tuy nhiên, hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này tạm ngưng để các doanh nghiệp tập trung thu mua lúa gạo nội địa. Riêng thị trường châu Phi ổn định, nhưng gạo Việt vẫn gặp phải sự cạnh tranh gay gắt khi giá gạo Thái, Ấn Độ, và Pakistan đều xuống, thu hẹp khoảng cách với gạo Việt. Còn Philippines và Indonesia là 2 thị trường quyết định nhu cầu xuất khẩu gạo Việt cuối năm. Tuy nhiên, cả hai nước này đang trì hoãn giao dịch do giá thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, theo ông Bảy, khi 2 thị trường này có nhu cầu, chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung trong khu vực, nhất là giữa Việt Nam và Thái Lan.
Ông Bảy cho biết, hiện xuất khẩu gạo Việt ở mức báo động, giá tiếp tục xuống, thậm chí phía nước ngoài đưa ra mức giá thu mua thấp dù số lượng họ cần rất nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt còn gặp phải áp lực trả nợ vay cho ngân hàng và đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Các doanh nghiệp này gần như sử dụng vốn vay cho việc đầu tư kho lúa gạo, hàng hóa, xây dựng cơ bản.
Riêng gạo thơm ghi nhận lượng xuất khẩu tăng 78%, đạt hơn 600 nghìn tấn, vượt số lượng gạo thơm xuất khẩu của cả năm ngoái khoảng 580 nghìn tấn. Hiện nay, gạo thơm không chỉ được ưa chuộng tại châu Á như Hong Kong, Singapore, Trung Quốc mà nó còn dần lấn sang các thị trường khác, nhất là châu Phi. Ông Bảy nhận định để giành lợi thế trong việc xuất khẩu gạo hiện nay thì doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh và phát huy loại gạo thơm nhằm tăng giá trị của hạt gạo.
Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu là gạo trắng. Ở Thái Lan, loại gạo này chỉ chiếm 37% năm 2012, phần còn lại là gạo thơm, gạo đồ. Riêng Ấn Độ, gạo thơm chiếm tỷ trọng rất lớn trong năm 2013-2014 với khoảng 3 triệu tấn trong tổng số 11 triệu tấn gạo.
Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng để nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu Việt trong sản xuất thì cần có giải pháp quy hoạch vùng lúa, lựa chọn cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là chú trọng đến việc thu mua, bảo quản, chế biến cho người sản xuất lúa.
Theo Thứ trưởng, cần thúc đẩy giao dịch các hợp đồng thương mại ở các thị trường mới, tìm kiếm khách hàng nhập khẩu, tổ chức hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm gạo Việt Nam… nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới.
Thanh Thanh