Phát biểu tại Quốc hội chiều 24/6 về dự án Luật thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, đại biểu Tô Ái Vang, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ khi có đề xuất phân bón phải chịu thuế VAT 5%, nhiều cử tri đã rất tâm tư. Họ bày tỏ lo lắng khi chi phí đầu tư cho mỗi kỳ canh tác gồm giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, thuê nhân công, vận chuyển tăng gấp nhiều lần.
Trong khi đó mâu thuẫn giữa giá nông sản (thấp) và phân bón (cao) kéo dài thời gian qua luôn là vấn đề nóng của ngành nông nghiệp. Do đó bà Vang đề nghị sửa Luật thuế VAT theo hướng phân bón không phải chịu thuế suất này để nông dân giảm chi phí đầu vào.
Theo bà Vang, nông dân Việt Nam chiếm 62% dân cư song đầu tư vào ngành nông nghiệp hiện chỉ chiếm 14% tổng đầu tư ngân sách Nhà nước. Thiệt thòi nhiều như vậy nên nếu vẫn giữ nguyên áp thuế suất 5% với phân bón, nông dân còn phải bỏ ra khoảng 6.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu nên theo xu thế phải tăng cường sản xuất. Thị trường phân bón hữu cơ được dự đoán tăng trưởng với tốc độ kép.
"Nếu luật vẫn đưa phân bón là đối tượng chịu mức thuế suất 5% như dự kiến, vô hình chung càng tăng áp lực cho nông dân trong điều kiện ngành nông nghiệp chịu nhiều tổn thương nhất", bà Vang nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết Luật thuế VAT 2008 từng quy định phân bón phải chịu thuế suất 5%, song 6 năm sau đó đã bỏ quy định này. Dự thảo Luật sửa đổi mới đây lại chuyển phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế suất 5%.
Đánh giá rằng việc tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất phân bón trong nước là vô cùng cần thiết nên ông Tú đề nghị nghiên cứu kỹ đề xuất này.
Theo đại biểu Tú, phân bón là một trong những hàng hóa đầu vào quan trọng nhất của sản xuất nông nghiệp. Ba loại phân bón là Đạm, DAP, NPK còn là một trong 9 loại hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá. Đây là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Hơn nữa, giá thành phân bón tác động trực tiếp đến chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp. "VAT là thuế gián thu, người chịu thuế là người tiêu dùng cuối cùng. Bởi áp thuế suất 5% với phân bón thì nông dân là người trực tiếp chịu tác động lớn nhất", ông Tú nói và dẫn chứng hiện nay có nhiều nước không thu thuế VAT với phân bón như Thái Lan, Lào, Myanmar...
Không giống như ý kiến của đa số đại biểu, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh Nghiệp tỉnh Cà Mau tán thành việc đưa phân bón trở thành nhóm chịu thuế để giúp doanh nghiệp được khấu trừ đầu vào, tạo sự bình đẳng với phân bón nhập khẩu.
Từ đó doanh nghiệp sẽ giảm giá bán phân bón cho nông dân, tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, nhiều nước trên thế giới cũng đều coi phân bón là đối tượng chịu thuế như Nga, Trung Quốc,...
Theo dự thảo luật thuế VAT, phân bón, tàu khai thác thủy sản xa bờ, lưu ký chứng khoán... sẽ chịu thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế hiện nay).
Hiện doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc nhóm không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Trong khi phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Điều này gây bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Phân bón là mặt hàng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, nên nhiều nước đưa ra chính sách ưu đãi. Một số nước như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ không thu thuế VAT mặt hàng này. Trong khi, các nước như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ thu thuế ở mức thấp
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc đưa phân bón ra khỏi diện không chịu thuế và đánh thuế VAT 5% với mặt hàng này nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước, doanh nghiệp tái đầu tư.
Chiều nay, ông Phớc một lần nữa cho hay việc áp suất thuế với phân bón sẽ tạo nguồn lực cho doanh nghiệp đổi mới khi hoàn thuế, hạ giá thành sản phẩm. Nếu áp thuế mức này, mỗi hộ nông dân chỉ phải trả thêm 461.000 đồng/năm, hơn 38.000 đồng/tháng.