Cuối tháng 11, nông dân làng hoa Sa Đéc vào vụ sản xuất lớn nhất năm. Trên các tuyến đường xe chở phân rơm, tro trấu, vật tư sản xuất tấp nập. Không khí mua bán cũng nhộn nhịp hơn hẳn cùng thời điểm năm ngoái khi Covid-19 vừa lắng dịu. Thương lái các nơi bắt đầu đổ về mua hoa bán dịp tết dương lịch.
Bà Lê Thị Kim Thanh, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, xuống giống 6.000 chậu hoa cát tường, 1.000 chậu cúc Đà Lạt tăng hơn 2.000 chậu so với năm trước. "Năm ngoái hoa trúng giá nên năm nay tăng lên thử coi sao", người phụ nữ có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng hoa tết cho biết. Theo bà chi phí sản xuất năm nay tăng hơn 20% chủ yếu do phân rơm tăng từ 85.000 đồng lên 120.000 đồng mỗi bao; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng 15-20% so với năm trước.
Không chỉ tăng chi phí, vài ngày gần đây thời tiết mưa đêm liên tục khiến hoa bị sâu bệnh tấn công. Sau mỗi cơn mưa, nông dân phải phun phun thuốc vừa trị bệnh vừa phòng ngừa, nếu không bệnh dễ lây lan khắp vườn.
Gần đó anh Đặng Văn Vũ Linh đang trồng thử giống mới - cúc pico và cúc hoạ mi mỗi loại 500 giỏ, bên cạnh 2.000 giỏ cúc Đà Lạt. Theo anh, giống hoa mới giá cây giống khá cao - 2.000 đồng mỗi cây, kỹ thuật trồng đòi hỏi phải chong đèn vào ban đêm trong thời gian ba tháng.
"Loại này nếu không chong đèn chúng ra hoa mà không lớn cây, rất ít lá nhìn còi cọc, không đẹp", anh Linh giải thích và cho biết trung bình mỗi giỏ cúc pico, cúc Đà Lạt giá bán hơn 20.000 đồng nông dân mới có lời song giá cả hoa tết, rất khó đoán định. "Nông dân không thể dự đoán loại nào hút hay dội chợ, cứ trồng đại đến tết rồi tính", anh Linh nói.
Trong số các loại hoa tết, mâm xôi thuộc loại khó trồng và rủi ro nhất. Ông Nguyên Văn Tuấn năm nay trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi xong hư gần phân nửa do triều cường, số còn lại có thể trổ hoa trước Tết.
"Thời tiết lạnh, cúc hơn 170 ngày mới nở còn nóng ẩm chừng 155-160 ngày nở bung rồi", ông nói. Đặc trưng của loại cúc mâm xôi phải nở đúng dịp tết bán mới có giá, sớm và trễ hơn nhà vườn khó thu hồi vốn. "Trồng hoa tết trời cho ăn mới có ăn là vậy", người đàn ông quê Sa Đéc chia sẻ.
Vụ hoa Tết khá bấp bênh nên vài năm trở lại đây nông dân Sa Đéc thường trồng kết hợp nhiều loại hoa để giảm rủi ro. Ngoài ra, kể cả trong vụ hoa Tết họ vẫn duy trì các loại hoa, kiểng công trình có thể bán mỗi ngày.
Cách làng hoa Sa Đéc chừng 50 km, làng hoa Chợ Lách (Bến Tre) với 600 ha hoa, cây cảnh những ngày này nông dân cũng tất bật ra đồng làm hoa Tết. Dọc quốc lộ 57B qua xã Hưng Khánh Trung B, Vĩnh Thành, ngoài hoa giấy, mai vàng, kiểng lá, các chậu tắc kiểng cũng đang được nông dân bón phân dưỡng sức chuẩn bị tạo hình linh vật năm Quý Mão.
Tại xã Long Thới, trong khi hoa vạn thọ là loại ngắn ngày vừa được nông dân xuống giống, các diện tích cúc mâm xôi, hà lan đã được 5 tháng tuổi. Giữa trưa, sau cơn mưa nặng hạt, nhiều nông dân tranh thủ mang bình xịt ra đồng phun thuốc cho các luống cúc mâm xôi. Ông Huỳnh Văn Gắng, 58 tuổi, ấp Hòa An trồng hoa bán Tết hơn 10 năm cho biết, năm nay trồng hơn 3.000 chậu cúc mâm xôi, nhiều hơn năm ngoái khoảng 500 chậu.
Do trên địa bàn một thời gian dài mít rớt giá, người dân lấy đất chuyển sang trồng hoa Tết, nên sản lượng hoa nhiều hơn mọi năm. Thời điểm này, các chậu cúc phát triển tốt, dáng đẹp đã bắt đầu chớm nụ, phần lớn hoa có thương lái từ Hà Nội đặt với giá 180.000 đồng một cặp. Chủ vườn cho hay năm nay mưa khá nhiều, khoảng 1/3 diện tích hoa èo uột, dù nông dân đã liên tục xử lý thuốc.
Ông Trần Hữu Nghị, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, thông tin hoa tết năm nay khoảng 15 triệu sản phẩm, tăng 2 triệu sản phẩm so với năm ngoái. Các loại hoa chủ yếu như cúc mâm xôi, hà lan, vạn thọ, mai vàng, tắc...
Theo dự báo của ngành chức năng, thời điểm này đến cuối năm hạn mặn không xâm nhập nhiều như ba năm trước. Dù thời tiết mưa nhiều gây úng, phần lớn người dân có kinh nghiệm xử lý phun thuốc kịp lúc nên thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên, sản lượng hoa tết năm nay nhiều, người dân cần ký hợp đồng với thương lái, chỉ giữ một phần nhỏ bán chợ cuối năm tránh bị cảnh dội chợ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế TP Sa Đéc, cho biết theo thống kê nông dân đã xuống giống hơn 60 ha, dự kiến sẽ tăng lên 100 ha, tăng gần 40% so với năm trước. Chủng loại hoa truyền thống năm nay vẫn là vạn thọ, cúc, cát tường bên cạnh một số giống mới như cúc mâm xôi màu đỏ, tím...
"Ngoài trồng các loại hoa truyền thống nông dân còn trồng thêm các loại hoa có thể bán cho khách du lịch, đồng thời đa dạng chủng loại để mở rộng thị trường tránh phụ thuộc hoàn toàn vào hoa Tết", bà Ngọc cho biết.
Ngọc Tài - Hoàng Nam