Cánh đồng hàng trăm ha nằm cạnh kênh Nam T6, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, An Giang, đan xen những thửa lúa mùa nổi và cánh đồng năng ống. Chiều muộn, ông Đinh Văn Trưng men theo con đê sang nhà bạn để tổng kết vụ lúa mùa nổi năm trước.
Ông Trưng trồng 5 ha lúa mùa, chi phí sản xuất mỗi ha gần 10 triệu đồng gồm 1,6 triệu lúa giống, 1,2 triệu xới đất, 6,6 triệu thu hoạch. Mỗi ha có năng suất trung bình 2 tấn, bán được 32 triệu đồng, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 20 triệu đồng. "Chúng sinh trưởng tự nhiên không cần chăm sóc, chỉ ra đồng hai lần mỗi vụ, lắm lúc muốn quên miếng ruộng luôn", ông Trưng nói.
Lúa mùa nổi chi phí sản xuất thấp, không tốn công rải phân, xịt thuốc mà thu nhập bằng thậm chí cao hơn lúa thần nông (giống ngắn ngày, năng suất cao). Năm nay từ tháng 6 âm lịch, ông Trưng xuống giống lúa mùa khi nghe đài báo nước từ dòng Mekong sẽ về sớm hơn các năm trước. Hiện thửa ruộng sau nhà ông lúa cao hơn 1,5 m, đang vượt theo mực nước lũ về.
Trên mặt nước, ngoài bông súng đỏ chủ ruộng trồng các loại thực vật mọc hoang như bông súng tràn, rong, hẹ nước. Nhiều loại chim như còng cọc, cò, vạc còn nán lại trên đồng tìm những con cá trú ngụ dưới ruộng lúa. "Cá tự nhiên từ sông vào, cuối vụ tát bắt được vài trăm kg làm khô ăn dần", ông Trưng chia sẻ.
Lúa mùa nổi thời gian sinh trưởng trong vòng 6 tháng hoặc dài hơn tuỳ thời điểm xuống giống. Chúng trổ bông vào đúng tiết trời gió bấc thổi, se lạnh không theo thời gian sinh trưởng như lúa thần nông. Khi nước rút, lúa ngã rạp trên đất, từng lóng trên thân sẽ nảy chồi mới rồi trổ bông.
Theo những nông dân trồng lúa, suốt thời gian sinh trưởng đặc tính giống lúa mùa ít bị sâu rầy tấn công, các loại bệnh cũng không xuất hiện. Do đó nông dân không cần phun thuốc. Riêng phân bón một vài nông dân thử nghiệm bổ sung thêm nhưng không thấy khác biệt năng suất nên không bón nữa.
Tuy vậy, một trong những khó khăn khi canh tác lúa mùa là khâu thu hoạch khó sử dụng máy gặt đập liên hợp do mặt ruộng bùn nhão nhiều. Nhân công thu hoạch bằng tay, lúa gom về nơi đất gò để tuốt. Tốn nhiều công đoạn, làm bằng sức người nên chi phí cao hơn lúa thần nông 2-3 lần. Đổi lại nông dân có thể tận dụng rơm sạch để trồng nấm, hoa màu, làm chổi rơm, tăng thu nhập.
Lúa mùa nổi với các giống: Nàng Pha, Nàng Tây, Tây Đùm, Tàu Binh, Chệch Cụt, Bông Sen... Theo một số tài liệu, những năm 1890 đến đầu những năm 2.000 chủng loại này được trồng phổ biến ở vùng đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long diện tích vẫn còn đến vài nghìn ha. Từ khi lúa thần nông xuất hiện, lúa mùa nổi thu hẹp dần chỉ còn vài chục ha.
Cách đây 10 năm, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn, Đại học An Giang thực hiện dự án khôi phục, mở rộng sản xuất lúa mùa nổi với mục tiêu khôi phục, cung cấp giống lúa mùa thuần cho nông dân trồng, kết nối thị trường, tìm đầu ra cho nông dân. Diện tích lúa mùa sau đó tăng lên vài trăm ha.
Thạc sĩ Lê Thanh Phong, Phó viện trưởng Viện Biến đổi Khí hậu - Đại học An Giang, cho biết trồng lúa mùa vào vụ Thu Đông, một mặt tận dụng phù sa trong nước lũ, giảm sử dụng hóa chất nông nghiệp mặt khác còn kiến tạo dịch vụ hệ sinh thái để làm nền tảng khôi phục thủy sản tự nhiên.
Theo ông, lúa mùa với đặc tính sinh trưởng mạnh, nảy rất nhiều chồi, bụi, chịu ngập, không sử dụng phân hóa học. Ngoài ra, lúa mùa có khả năng thích nghi rộng từ vùng phèn, đến vùng ngập lũ. "Lúa mùa ít đáp ứng với phân bón hóa học, nước lũ có chứa nhiều phù sa và dinh dưỡng cũng đủ để giúp cây phát triển tốt và cho năng suất", ông Phong cho biết.
Để nhân rộng, theo chuyên gia này cần cải tiến phương pháp gieo sạ lúa mùa, rút ngắn thời gian sinh trưởng bằng cách chọn thời điểm xuống giống thích hợp sao cho thời gian sinh trưởng ngắn hơn, chừng 4,5 tháng, phù hợp điều kiện canh tác hiện đại.
Ngoài ra, ông Phong cho biết cần thúc đẩy các nghiên cứu về giống lúa chịu ngập từ nguồn gen lúa mùa hiện lưu trữ tại các viện, trường. Điều này giúp tái tạo, cải tiến để có giống lúa phù hợp, phát triển mô hình canh tác lúa thuận thiên, đem lại lợi nhuận cho nông dân mà không quá trông chờ vào phân bón hoá học.
Từ năm 2021, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) liên kết tiêu thụ gần 300 ha lúa mùa nổi, tại ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ mở rộng diện tích, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể, mã số vùng trồng, mã vạch truy suất nguồn gốc, nâng cao giá trị gạo từ lúa mùa nổi trên thị trường...
Ngọc Tài