Từ giữa tháng 1 đến nay, giá cá tra từ 22.000 đồng mỗi kg đã tăng mạnh và hiện đã đạt mức 32.000-33.000 đồng mỗi kg (loại 850 gram – 1 kg). Mức giá này khiến người nuôi lời 5.000-8.000 đồng mỗi kg.
Ông Nguyễn Văn Thành, 60 tuổi, ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết hồi năm 2018, sau khi đạt mức 34.000 đồng mỗi kg, giá cá tra nguyên liệu tại miền Tây sụt giảm mạnh. Hơn hai năm qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ 20.000-24.000 đồng, tương đương hay thậm chí dưới mức giá thành sản xuất, nhiều lúc chỉ 18.000-19.000 đồng mỗi kg. Người nuôi thua lỗ, treo ao hàng loạt.
Rồi từ trước Tết Nguyên đán 2022, giá cá tăng vọt trở lại. Hai tuần trước, ông Thành xuất bán 400 tấn cá cho một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tại Khu công nghiệp Trà Nóc với giá 30.000 đồng mỗi kg.
"Với giá bán này, tôi thu lời hai tỷ đồng (5.000 đồng mỗi kg). Đây là lần đầu tiên người nuôi cá có lãi sau hơn hai năm thua lỗ vì giá bán thấp hơn chi phí đầu tư", ông Thành nói và cho biết còn hai ao cá đang lớn, khoảng ba tuần nữa thu hoạch hơn 500 tấn, nhà máy cho người đến xem và trả giá 32.000 đồng mỗi kg.
Còn bà Nguyễn Thị Tường (63 tuổi, ở quận ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nhận định giá cá như hiện nay người nuôi rất mừng nhưng cũng đáng tiếc vì nhiều hộ đã giảm diện tích, sản lượng nuôi hoặc treo ao.
"Tôi đang chăm sóc kỹ hai ao cá gần 6 tháng tuổi, khoảng hai tuần nữa đạt trọng lượng loại 1. Doanh nghiệp cho người đến đặt mua với giá 33.000 đồng mỗi kg", bà Tường nói và cho biết đang khôi phục lại 4 ao nuôi bỏ trống của gia đình để mở rộng quy mô nuôi cá tra, song vẫn lo ngại chi phí đầu tư tăng quá cao.
Chủ một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu lớn ở Cần Thơ cho biết giá cá tăng cao là do nguồn nguyên liệu sụt giảm, thiếu hụt 30-40% trong khi nhu cầu của thị trường xuất khẩu khôi phục, tăng cao khi Covid-19 được kiểm soát.
"Giá cá nguyên liệu như hiện nay là khá đẹp cho người nuôi lẫn nhà máy chế biến xuất khẩu, đôi bên cùng có lời", chủ doanh nghiệp nói và cho biết hiện mỗi ngày hai nhà máy của doanh nghiệp ở Cần Thơ, Hậu Giang cần khoảng 500 tấn cá tra để chế biến xuất khẩu, nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng 300-350 tấn.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho biết diện tích nuôi cá tra hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 6.000 ha. Lúc Covid-19 bùng phát, giá cá giảm mạnh, nhưng không bán được nên nhiều người nuôi chỉ cho ăn cầm chừng. Hiện, giá cá và thị trường xuất khẩu đều tăng cao nên khả năng sản lượng nuôi năm nay tăng lên, nhất là trong quý 2.
"Lo lắng hiện nay chi phí đầu tư (giống, thức ăn, thuốc, nhân công, xăng dầu...) tăng rất cao. Nhất là giá con giống đã tăng ba lần, đạt mức 60.000 đồng mỗi kg nhưng cung không đủ cầu", ông Quốc nói và cho biết do ồ ạt sản xuất nên chất lượng con giống rất khó đảm bảo, tỷ lệ hao hụt lớn, chừng 30-50%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cả nước hiện có gần 100 nhà máy sản xuất cá tra, tập trung chủ yếu ở miền Tây. Sản phẩm cá tra được xuất khẩu đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2021, ngành hàng cá tra sản xuất hơn 1,5 triệu tấn, xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD. Dự báo năm nay, sản xuất cá tra đạt 1,6-1,7 triệu tấn, xuất khẩu tăng 20-22%.
Cửu Long