Ông Danh Song, 46 tuổi, ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, gia đình nuôi 10 con bò sữa. Trong số này có 4 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày khoảng 40 lít sữa tươi.
Trước đây sữa được hợp tác xã Evergrowth ở huyện Trần Đề cho xe tải vào thu mua với giá 12.000 đồng mỗi lít. Nhưng từ ngày 19/7 (thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16) tới nay, xe không vào nữa, nông dân không bán sữa được. Theo giải thích của hợp tác xã, do xe tải không qua được các chốt kiểm địch.
"Người dân muốn chở sữa tới hợp tác xã bán cũng không được vì khác địa bàn, các chốt kiểm soát dịch không cho qua. Vì thế sữa tươi vắt mỗi ngày tồn đọng, bán không ai mua, cho hàng xóm cũng ngán ngẩm không nhận. Gia đình tôi phải đổ bỏ khoảng 40 lít sữa bò tươi", ông Song nói.
Như vậy, nguồn thu bị mất, trong khi mỗi ngày ông Song cần khoảng 230.000 đồng để mua thức ăn, cỏ cho đàn bò của gia đình.
Ông Châu Kiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Tâm thông tin, đối với các hộ nuôi bò sữa cặp quốc lộ 1, vẫn có thể bán sữa được vì có "luồng xanh" vận chuyển. Tuy nhiên, các hộ ở sâu bên trong nông thôn, xe vận chuyển của người dân và đơn vị thu mua không thể qua được các chốt kiểm dịch nên đành đổ bỏ.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhiều hộ dân ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên. Ông Nguyễn Giang Lam, Phó giám đốc Hợp tác xã Evergrowth biết từ 19/7 đến nay, tại huyện Mỹ Xuyên có khoảng 50 hộ dân nuôi bò sữa không bán được, phải đổ bỏ khoảng 1.400 lít mỗi ngày, trị giá khoảng 20 triệu đồng.
"Lý do là thực hiện giãn cách, tại thị trấn Mỹ Xuyên chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh của hợp tác xã 3,5 tấn nên không vào được các xã thu mua cho bà con", ông Lam nói.
Đơn vị này đang mở điểm thu mua khác tại phường 10, TP Sóc Trăng để tiêu thụ sữa bò cho người dân. Nhưng với điều kiện chính quyền địa phương phải cấp thẻ cho người dân ra vào các chốt kiểm soát Covid-19 mới mang sữa đến điểm bán được.
Trong khi đó, tại Cần Thơ, trang trại nuôi bò sữa của Công ty TNHH Food Farm ở Nông trường Sông Hậu cũng lâm cảnh khó khăn, sản phẩm tồn đọng khoảng 50%.
Ông Võ Kim Cương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Food Farm cho biết, trang trại của đơn vị đang có đàn bò sữa trên 500 con, cho sản lượng trung bình hơn 1.500 lít sữa tươi thanh trùng mỗi ngày.
Hiện TP HCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty với giá 50.000 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, do tình hình Covid-19 phức tạp, quá trình vận chuyển khó khăn, thường xuyên bị gián đoạn do tài xế bị cách ly. Thêm vào đó, sức tiêu thụ giảm 50%, nên tồn đọng nhiều.
Ngày 8/7, công ty có văn bản "cầu cứu" đến Sở Công thương Cần Thơ nhờ kết nối đưa vào kênh phân phối hàng hoá bình ổn giá mùa dịch Covid-19 và cung ứng cho cán bộ, công nhân viên chức với giá 35.000 đồng mỗi lít nhưng chưa được phản hồi.
"Sữa thanh trùng có hạn dùng trong 10 ngày nên không tiêu thụ được thì phải huỷ. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, công ty chúng tôi phải bỏ hàng chục nghìn lít", ông Cương nói.
Ngoài ra, tại Nông trường Sông Hậu có khoảng 400 ha nhãn ido và thanh nhãn đang vào vụ thu hoạch đang đối mặt nguy cơ không được tiêu thụ, nông dân thua lỗ.
"Trong số này có gần 200 ha đang chín tới với sản lượng 1.600 tấn. Năm trước, nhãn ido có giá 25.000-30.000 đồng; còn thanh nhãn giá 75.000-80.000 đồng mỗi kg nhưng nay, giá giảm 3-4 lần nhưng không có người mua", một lãnh đạo nông trường Sông Hậu nói và cho biết rất mong các ngành chức năng thành phố hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân.
Giám đốc Sở công thương Cần Thơ Hà Vũ Sơn cho biết, đang xúc tiến với hệ thống siêu thị giúp tiêu thụ nông sản tại nông trường Sông Hậu.
Cửu Long